Trong hàng loạt căn bệnh của cán bộ, đảng viên sau khi trở thành Đảng cầm quyền, có căn bệnh “tự kiêu, tự ái”, cùng với những căn bệnh khác, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 15/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bệnh tự kiêu, tự ái”, chỉ rõ thực chất của căn bệnh này, những nguy hiểm do căn bệnh đó sinh ra và cách chữa trị
Bệnh tự kiêu, tự ái là gì ?
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về tác hại của những căn bệnh làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây nguy hiểm cho xây dựng Đảng. Trong các tác phẩm: “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (năm 1947), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Bệnh tự ái, tự kiêu” (năm 1948), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969)... Trong số những căn bệnh đó, Người đã chỉ ra triệu chứng, nguy cơ nảy sinh bệnh tự kiêu, tự ái và tác hại của nó đối với Đảng.
Nhận diện bệnh tự kiêu, Người chỉ rõ những biểu hiện sau đây:
Thứ nhất, tự kiêu tức là cho mình “việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai”[1]. Tự kiêu là mù quáng “chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được”[2].
Thứ hai, tự kiêu là hẹp hòi “Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao dung được những ý kiến và phê bình của người khác”[3].
Thứ ba, tự kiêu là thoái bộ “Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngăn trở sự tiến bộ của mình”[4].
Thứ tư, tự kiêu là hủ hóa “Vì không chịu học những sự hay sự tốt của người; không ưa những lời phê bình thẳng thắn để sửa chữa những khuyết điểm của mình”[5].
Hậu quả của căn bệnh tự kiêu được Bác chỉ ra là: “Tự kiêu nhất định sẽ đi dến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng”[6].
Nhận diện bệnh tự ái, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nghĩa chính của chữ tự ái là giữ đúng chữ cần, kiệm, liêm, chính. Không làm điều gì có hại đến danh dự và đạo đức của mình. Thế là chân chính tự ái”[7]. Chính vì không hiểu hết nghĩa của chữ tự ái, nên Người chỉ ra những biểu hiện của bệnh tự ái là “hay chấp vặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng”[8]. Bệnh tự ái luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc và kết quả của căn bệnh tự ái là “mình tự ngăn trở mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu, tự ái thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc thì chẳng việc gì thành công”[9].
Sau khi chỉ dẫn những biểu hiện của bệnh tự kiêu, tự ái và hậu quả to lớn của hai căn bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Mỗi một người và tất cả mọi chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, “tự ái”. Đó là căn bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc”[10]. Để chữa căn bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kê thang thuốc thánh gồm có bốn vị là: Một là, thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; hai là, cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm; ba là, luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ; bốn là, thực hành đoàn kết[11].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, năm 1952 (Ảnh tư liệu)Chống bệnh tự kiêu, tự ái trong Đảng hiện nay
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống bệnh tự kiêu, tự ái, Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng…, nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở…
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, để chủ động đấu tranh phòng, chống biểu hiện của căn bệnh tự kiêu, tự ái là mù quáng, hẹp hòi, thoái bộ, hủ hóa và tự kiêu, tự mãn, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình trong cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong từng chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị[12].
Hai là, thường xuyên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động thực hành dân chủ rộng rãi kết hợp thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, với tính tự giác cao của mỗi cán bộ, đảng viên. Quá trình tiến hành chống bệnh tự kiêu, tự ái, thực thiện thang thuốc thánh của Bác Hồ là tự phê bình và phê bình phải bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, phương pháp: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”[13].
Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và rèn luyện đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên kiên quyết chống tư tưởng ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; rèn luyện tính tự ái, không cô độc, hẹp hòi, phát huy tính khiêm nhường lắng nghe, học hỏi và thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên mọi người xung quanh để cùng chung tay, góp sức hoàn thành công việc chung: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng... Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”[14].
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới, kiểm tra chéo, kiểm tra định kỳ và không định kỳ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn dõi theo từng bước đi của Đảng, xây dựng Đảng với những thành công vẻ vang, đồng thời luôn kịp thời chỉ ra những căn bệnh và đưa ra những thang thuốc hiệu quả để trị bệnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, lãnh đạo đất nước phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr 631.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 632.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 633.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 633.
[12] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.30.
[13]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.237.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.237.