Từ cuộc mít tinh ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim do Tổng hội Viên chức tổ chức, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã sáng suốt, linh hoạt xây dựng một kế hoạch tỷ mỷ, cụ thể, biến nó thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh ngay trước thềm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội
Chủ trương của Tổng hội Viên chức
Ngày 14/8/1945, Ban Trị sự Tổng hội Viên chức gửi Thị trưởng Hà Nội xin phép cho nhân viên các sở trong thành phố tập trung trước cửa Nhà hát lớn hồi 16 giờ chiều ngày thứ bảy, 18/8/1945 với mục đích khuyến khích khuyến khích đồng bào đoàn kết để củng cố nền độc lập”.
Ngày 16/8/1945, Thị trưởng Hà Nội ra Công văn số 2432/VP gửi Hội trưởng Tổng hội Viên chức đồng ý với đề nghị của Ban Trị sự Tổng hội Viên chức.
Tuy nhiên, kế hoạch này có sự thay đổi, ngày 17/8/1945, Hội trưởng Tổng hội Viên chức gửi thư cho Thị trưởng Hà Nội xin phép tổ chức cuộc biểu tình của Tổng hội Viên chức sớm một ngày, vào hồi 17 giờ ngày thứ sáu, 17/8/1945. Dự kiến đoàn biểu tình sẽ khởi hành từ Nhà hát lớn, qua Tràng Thi, phủ Khâm sai, Kho bạc, Tòa thị chính, Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Điếu, Hàng Da, Hàng Bông, Cửa Nam, Hàng Lọng, Trần Hưng Đạo, Đồng Khánh rồi về Nhà hát lớn và giải tán.
Thị trưởng Hà Nội ra công văn số 2360 /VP đề ngày 17-8-1945 gửi Tổng hội Viên chức chấp thuận đề nghị tổ chức biểu tình ngày 17-8.
Cùng ngày 17-8-1945, Giám đốc các Ty thị chính thuộc Tòa Thị chính Hà Nội ra Thông sức số 0732 gửi các Phố trưởng với nội dung sau:
“Thông sức các ông Phố trưởng.
Chiều hôm nay sẽ có cuộc hội họp toàn thể quốc dân tại trước cửa Nhà hát lớn để ủng hộ nền độc lập và bài trừ chính sách thực dân. Các ông cùng đến dự họp và nên cổ động những dân chúng trong khu phố các ông đến họp mặt cho thật đông.
Vậy đúng năm giờ chiều hôm nay, các ông đã cùng các dân trong phố đến họp tại trước cửa Nhà hát lớn, rồi khi đi các ông nên sắp hàng đi rất có trật tự và bình tĩnh”.
Sáng 17/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim họp Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ ở Nhà Khai trí Tiến Đức (nay là số nhà 16 phố Lý Thái Tổ) chuẩn bị Đại hội lập hiến, thành lập Ủy ban cứu quốc để tìm cách “đối phó với thời cuộc”. Theo ủy ban này, thời cuộc chính là phong trào Việt Minh đang lan rộng trên toàn quốc cũng như tại Hà Nội, đồng thời những người Pháp phái De Gaulle cũng mong muốn quân Pháp tái chiếm Đông Dương. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ủy quyền cho Tổng hội Viên chức tổ chức ngay một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố, hô hào quốc dân ủng hộ “nền độc lập” của Đế quốc Việt Nam mà Nhật Bản vừa trao trả.
Sáng ngày 17/8/1945, các báo ngày ở Hà Nội đăng hiệu triệu của Thị trưởng Trần Văn Lai hô hào “Quốc dân nên bình tĩnh, cương quyết và có kỷ luật để công việc của các nhà lãnh đạo toàn quốc được dễ dàng” và lời kêu gọi của Tổng hội Viên chức hô hào nhân dân tham dự cuộc mít tinh "ủng hộ nền độc lập Việt Nam và bài trừ chính sách thực dân”.
Lúc đầu, cuộc mít tinh được dự kiến tổ chức vào 4 giờ chiều ngày thứ bảy, 18/8/1945, song vì tình thế cấp bách nên Tổng hội viên chức quyết định tổ chức ngày vào chiều tối ngày 17/8. Chương trình mít tinh được dự kiến như sau :
“Trước 15 giờ. Các giới tề tựu ở hội quán riêng của từng giới, xếp hàng năm đi đến Nhà hát lớn.
18 giờ. Các giới tựu về ở trước Nhà hát lớn.
18 giờ 30 phút. Khởi chuông trống, cử nhạc bài Quốc ca. Chào cờ…. Toàn thể quốc dân hát bài Tiếng gọi thanh niên. Một thanh niên đọc lời hô hào đồng bào. Toàn thể quốc dân hưởng ứng bằng cách hô bốn khẩu hiệu: Quốc dân đoàn kết; Quốc dân chiến đấu; Quốc dân hi sinh; Việt Nam độc lập.
19 giờ. Một thanh niên đọc lời nghuyện cho toàn thể quốc dân thề trước cờ tổ quốc “đồng tâm hy sinh chiến đấu cùng giữ nền độc lập cho non sông đất Việt”. Toàn thể quốc dân nắm tay phải giơ lên trời đồng thanh hô “xin thề”.
19 giờ 10 phút. Nổi trống và tù và. Cử những hành khúc. Bắt đầu diễu. Tay cầm tay, đi hàng năm qua các phố Tràng Tiền, ra Khâm sai phủ, về qua trước kho bạc ra trước Thị sảnh, Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Quan Thánh, Phủ Toàn quyền, đường Cột Cờ, Cửa Nam, Tràng Thi về thẳng Nhà hát lớn.
Làm lễ hạ cờ xong, hô khẩu hiệu và giải tán”.
Chủ trương sáng tạo, linh hoạt của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội
Nghe tin ngày 17/8/1945, Tổng hội Viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn để hô hào nhân dân ủng hộ nền độc lập của Việt Nam do Nhật vừa trao trả, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trực tiếp chỉ thị cho Đoàn Tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu phá cho bằng được cuộc mít tinh đó.
Nhóm tuyên truyền xung phong của Đảng Dân Chủ do ông Chu Văn Tích làm đội trưởng và một số người Trần Lâm, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Phạm Đức… được triệu tập bàn phá cuộc mít tinh. Trước đó, nhóm này cũng đã tổ chức diễn thuyết thành công tại rạp Tố Như, gây tiếng vang lớn. Ông Trần Lâm được phân công mang một lá cờ đỏ sao vàng lớn lên ban công gác hai Nhà Hát Lớn thả xuống. Khi cờ thả xuống, nhóm sẽ chiếm diễn đàn, giành micro để tuyên truyền quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Công việc này khá nguy hiểm vì ngoài lực lượng bảo an, cảnh sát, lính Nhật có thể can thiệp bất kỳ lúc nào.
Một số người thuộc Đoàn thanh niên xung phong như Lê Phan, Từ Như Trang (Nguyễn Trang Anh) cũng được phân công tham gia cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh.
Diễn biến bất ngờ và thành công to lớn của cuộc đấu tranh
Cuộc mít tinh tổ chức buổi chiều tối ngày 17/8/1945 tập trung vài vạn người tới dự. Chính quyền đương thời lo ngại những hoạt động của Việt Minh, nên phái nhiều lính bảo an và cảnh sát đến giữ trật tự cho cuộc mít tinh.
Cuộc mít tinh bắt đầu. Sau lễ chào cờ, một diễn giả đứng hô hào trước máy phóng thanh.
Một diễn giả thứ hai chuẩn bị lên thì phía đường bên trái Nhà hát lớn, một đội viên Tự vệ chiến đấu giương lá cờ đỏ sao vàng lên. Tiếng reo to sung sướng trong đám đông vang dậy: “Cờ Việt Minh!”, “Cờ Việt Minh!”. Tiếp theo sau hàng chục, hàng trăm lá cờ nữa xuất hiện. Mỗi lá cờ do một đội viên Tự vệ chiến đấu cầm, rẽ đám đông chạy từ chỗ này đến chỗ khác. Trật tự của cuộc mít tinh hoàn toàn bị phá vỡ. Lính bảo an cầm súng lăm lăm nhưng không dám làm gì vì cạnh đó các đồng chí trong đội Xung phong cũng chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi cần thiết. Cảnh sát nhìn nhau sợ sệt. Một số Tự vệ chiến đấu chĩa súng dồn ban tổ chức cuộc mít tinh vào một góc. Cờ quẻ ly bị hạ xuống. Một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn do ông Trần Lâm (Trần Quang Vận) thả từ trên ban công Nhà hát xuống. Một đội viên Tuyên truyền xung phong là Ngô Quang Châu nhảy lên diễn đàn diễn thuyết. Trên Lễ đài lúc đó có một số viên chức là các ông Trần Ngọc Sâm, Phạm Văn Sung và Nguyễn Văn Minh, nhưng các viên chức này đứng im, không thể hiện thái độ chống đối. Ông Nguyễn Văn Dực, người giữ máy tăng âm đưa micro cho ông Ngô Quang Châu. Ngô Quang Châu lấy tờ giấy có in lời kêu gọi khởi nghĩa của Việt Minh ra đọc, thông báo tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào đồng bào tích cực chuẩn bị tham gia khởi nghĩa. Tuy nhiên, ông Châu diễn đạt không được mạch lạc lắm, nên chuyển micro cho bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Với giọng nói thuyết phục người nghe, bà Diệu Hồng tiếp tục diễn thuyết, hô hào quần chúng và phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng, một số bảo an binh đứng ngay cạnh lễ đài cũng không dám tỏ thái độ chống đối. Quần chúng im lặng lắng nghe và sau đó vỡ òa khi hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng tiếp tục xuất hiện.
Sau khi làm xong nhiệm vụ, các diễn giả được Tự vệ bảo vệ nhanh chóng rút lui. Khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!” vang lên liên tiếp. Các đồng chí lãnh đạo Việt Minh thấy tình hình quần chúng đang sôi nổi, quyết định biến cuộc mít tinh thành biểu tình tuần hành. Đồng chí Nguyễn Khang đứng trước máy phóng thanh hô hào đồng bào thiết thực tham gia chuẩn bị khởi nghĩa bằng cách xếp hàng giương cờ đỏ sao vàng, đi biểu tình ủng hộ Việt Minh. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, sắp xếp nhanh chóng thành hàng ngũ. Đoàn biểu tình đi từ Nhà hát lớn qua phố Tràng Tiền, rẽ ra Bờ Hồ. Dọc đường, người ở hè phố nhập vào đoàn biểu tình ngày càng đông thêm. Những người lúc bắt đầu đi từ Nhà hát lớn còn do dự, cứ đi theo trên hè đường dần dần xuống nhập vào hàng ngũ. Lính bảo an nhìn nhau, nhìn quần chúng đang tiến bước, không biết nên đối phó thế nào, họ vác súng đi trên hè phố theo đoàn biểu tình. Đến vườn hoa Chí Linh, tự vệ vận động lính bảo an tham gia. Đoàn biểu tình tạm ngừng lại trước cửa tòa Thị chính. Lính bảo an đứng vào hàng ngũ, vác súng tuốt trần lưỡi lê đi đầu. Trời mưa. Đoàn biểu tình vẫn rầm rộ kéo lên Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, rẽ lên đường Cửa Bắc. Khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!” vang lên không ngớt. Tuy trời mưa to nhưng quần chúng vẫn say sưa tiến bước theo lá cờ đỏ sao vàng. Đã đến phủ Toàn quyền, quần chúng hô khẩu hiệu càng lớn. Xuống đến Cửa Nam, trời vẫn mưa. Các đồng chí Tự vệ tuyên bố giải tán. Lúc này trời đã xẩm tối. Nhân dân tản ra, đi thành nhiều tốp về các phía, vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Một bộ phận lớn có lính bảo an cùng đi kéo qua Hàng Bông, Hàng Gai rồi rẽ xuống gần Khai trí Tiến Đức.. Theo yêu cầu của Tự vệ, lính bảo an bắn một loạt súng trước khi giải tán.
Cho tới 10 giờ đêm, ngoài phố vẫn vang lên những khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”!, “Đả đảo bù nhìn!”, “Việt Nam hoàn độc lập muôn năm!”.
Hình ảnh cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội
chiều ngày 17/81945 (Ảnh Tư liệu)
Ngày 18-8-1945, Báo Đông Phát, số 6095, đăng trên trang đầu bài Một cuộc biểu tình khổng lồ tại Thăng Long. Bài báo viết:
“20 vạn dân Việt Nam biểu hiện tình đoàn kết và lòng “quả quyết” chống giữ đất nước đối với bọn thực dân. Một điều đáng ghi nhất trong lịch sử, một số rất đông phụ nữ đủ các giới, vừa già vừa trẻ, cùng sát cánh làm phận sự của dân nước, hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng kèn gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong lúc nguy biến hiện thời, chiều hôm qua đã hấp dẫn tới trước và quanh rạp hát thành phố, cùng phố Tràng Tiền và các phố lân cận một bể người, tới biểu lộ lòng nhiệt liệt, lòng hăng hái quả quyết bảo vệ nền độc lập và nền tự do của nước Việt Nam. Cái rừng người có một không hai trong lịch sử, người ta ước lượng con số 20 vạn không phải là ngoa. Dân chúng đủ các giới, đủ cả nam, phụ, lão, ấu ở Thăng Long, Gia Lâm, Hà Đông cùng ở các tỉnh lân cận đều kéo tới, sát vai cùng nhau, áo nâu pha lẫn áo màu của phụ nữ, ô xen với nón lá, trí thức xen với lao động thành một cảnh tượng vô cùng cảm động. Cảm động hơn nữa là khi anh em, chị em nắm tay giơ lên trời thề: “Đồng tâm hy sinh chiến đấu đến cùng giữ nền độc lập cho non sông bất diệt” hoặc hô” Đoàn kết”, “Chiến đấu”, “Hy sinh”… Sau trên một tiếng đồng hồ, biển người ấy trước Nhà hát lớn mới đi diễu qua các phố, trời mưa tầm tã nhưng mặc, anh chị em vẫn vừa hô, vừa đi, một chứng cớ nữa tỏ lòng quả quyết chống giữ đất nước”.
Cuộc biểu tình ngày 17/8/1945 là một sáng tạo đặc biệt trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam. Lúc đầu, Việt Minh chỉ chủ trương phá cuộc biểu tình do Tổng hội Viên chức tổ chức, nhưng sáng ngày 17/8, thấy phong trào quần chúng lên quá cao, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội đã nhanh chóng, nhạy bén biến cuộc biểu tình của Tổng hội Viên chức thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Cuộc biểu tình ngày 17/8/1945 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông Lê Trọng Nghĩa nói: “Thành công của cuộc biểu tình lớn ngày 17/8/1945, là một khám phá lớn có thể rút ra nhiều bài học quan trọng cho lịch sử, là một cái mốc vĩ đại cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng ta”.
Ủy ban khởi nghĩa đã biết tận dụng thời cơ có lợi cho cách mạng, Nhật Bản đã đầu hàng. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, dao động, lực lượng bảo an, cảnh sát phần lớn nằm im hoặc có xu hướng ngả theo cách mạng.
Cuộc đấu tranh ngày 17/8/1945 đã tạo điều kiện trực tiếp cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội hai ngày sau đó.
Nguyễn Minh