Tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc là một biểu hiện đậm nét của nền ngoại giao yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam
Truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bởi vậy, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Truyền thống yêu chuộng hòa bình của cha ông ta thể được thể hiện ở chính sách đối ngoại luôn ưu tiên xây dựng quan hệ bang giao, hòa hiếu, hữu nghị với các nước láng giềng. Tinh thần đó được duy trì và kết tinh suốt mấy ngàn năm lịch sử. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống ngoại giao yêu chuộng hòa bình được phát huy lên tầm cao mới.
Đối với Việt Nam, “hòa bình” là sự bình an, ổn định và phát triển, không để xảy ra xung đột giữa các quốc gia, không có chiến tranh, khủng bố, cướp bóc; con người được sống một cuộc sống an ninh, an toàn, yên bình và hạnh phúc. Hơn nữa, “hòa bình” còn là khát vọng, là giá trị thiêng liêng, là mục tiêu của cả dân tộc Việt Nam. Là quốc gia đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, chịu nhiều đau thương, mất mát, khi Tổ quốc bị xâm lăng, hòa bình bị hủy hoại, hơn ai hết, người Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia - dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển, nhưng phải gắn với bảo vệ hòa bình, và hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước”[1]. Vì vậy, Việt Nam luôn mong muốn thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Đường lối quốc phòng - an ninh mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định nhất quán. “Hòa bình” không chỉ là thông điệp, mà còn là cam kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi đến các quốc gia trên thế giới, với phương châm “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”[2], đồng thời, “giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[3] và “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”[4].
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sỹ quan thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Điều đó càng thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo và thiện chí của Việt Nam. Đường lối đó không chỉ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước, mà còn đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Việt Nam cam kết và đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực với phương châm “thêm bạn, bớt thù”. Đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình cách mạng, mỗi một chặng đường, tùy hoàn cảnh lịch sử mà bổ sung làm rõ hơn. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời với việc xây dựng một nước Việt Nam đổi mới, hòa bình và phát triển, chúng ta đã từng bước đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, với những kết quả đáng ghi nhận.
Tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế - một biểu hiện đậm nét của nền ngoại giao yêu chuộng hòa bình
Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, ngày 4/12/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh ký quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc.
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên sẽ được cử đi Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Ngày 05/01/2018, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Cục có nhiệm vụ "nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam".
10 năm qua, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc của Việt Nam về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực về trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và Liên hiệp quốc.
Đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã gửi 05 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Cộng hòa Nam Sudan, mỗi bệnh viện có 63 bác sĩ và nhân viên y tế. Tháng 5/2022 và tháng 8/2023, Việt Nam cử 02 Đội Công binh tới Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) với quân số 184 người/ đội, đông gấp ba lần quy mô của một bệnh viện dã chiến cấp 2. Đây là đội hình cấp đơn vị có số lượng thành viên lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Nữ quân nhân Việt Nam lên đường sang Nam Sudan tháng 10/2018
Cùng với hoạt động của Bệnh viện dã chiến, Đội Công binh của Việt Nam cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoàn thành sứ mệnh gìn giữ, kiến tạo hòa bình, tái thiết đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nước sở tại. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và người dân địa phương, qua đó, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế[5].
Đối với hình thức cá nhân, tính đến tháng 10/2023, Việt Nam đã cử gần 100 lượt sĩ quan của Quân đội và 07 sĩ quan Cảnh sát[6] tham gia các nhiệm vụ: liên lạc, tham mưu, truyền thông, phân tích thông tin tình báo, điều tra, quan sát viên quân sự... tại 03 phái bộ: Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA.
Đáng chú ý là, từ năm 2020 đến nay, mặc dù quy chế tuyển chọn vô cùng nghiêm ngặt, nhưng 05 sĩ quan Việt Nam (04 quân nhân và 01 cảnh sát) vượt qua gần 200 sĩ quan ứng thi từ các nước thành viên khác của Liên hiệp quốc trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc (New York, Hoa Kỳ) và Sở Chỉ huy Phái bộ Cộng hòa Trung Phi. Đây là bước tiến vượt bậc khẳng định năng lực, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam đối với sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký: 09 bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương với 09 nước (Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Newzealand, Liên bang Nga), 02 bản ghi nhớ với Liên hiệp quốc về triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Sudan (UNMISS) và triển khai Đội Công binh đến Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), 01 bản thỏa thuận kỹ thuật với Liên minh châu Âu (EU). Thông qua hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, chúng ta đã vận động tài trợ được hàng chục triệu USD để xây dựng giảng đường, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo ngoại ngữ, tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, diễn tập quốc tế và vận chuyển lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc.
Mặc dù Việt Nam tham gia muộn hơn so với một số quốc gia khác và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, song, với cam kết chính trị mạnh mẽ, đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung, sự chủ động, tích cực, sáng tạo, nhạy bén trong quá trình hoạt động, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc của Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hiệp quốc, bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao cả về hiệu quả hoạt động, trình độ, năng lực cán bộ và lĩnh vực tham gia. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, gia tăng nguồn lực, tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển lực lượng quân sự, quốc phòng, an ninh của các nước đối tác, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, Công an, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời, không chỉ khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Thông qua hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa này, đã truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển của Liệp quốc, góp phần tạo thế và lực, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.
Lê Tình
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 419
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156,
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 162
[4] Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 25
[5] https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/doi-cong-binh-so-2-len-duong-thuc-hien-nhiem-vu-quoc-te-o-abyei-737777
[6] Xem: http://www.vnpkc.gov.vn/tin-tuc/tin-trong-nuoc/viet-nam-cu-them-3-si-quan-tham-gia-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc và https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/bo-cong-an-cu-3-si-quan-tham-gia-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-644358.html