Cuối năm 2019 vừa qua, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này thuộc cộng đồng Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh khu vực phía Bắc, trong đó có người Tày ở Quảng Ninh.
Thực hành Nghi lễ Then tại cộng đồng người Tày ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh - một trong 11 tỉnh sở hữu di sản tại Việt Nam. Nguồn: Internet
Tộc danh Tày bắt nguồn từ cách nêu đặc điểm của nhóm người chuyên nghề cày ruộng, làm lúa nước, nông cụ tiêu biểu là chiếc cày. Trong tiếng Tày - Thái cổ, cày gọi là Mạc Thay hay Thây rồi biến âm thành Tày và Thái, dụng ý rõ ràng hơn khi người Tày được gọi là Cần Nà - Người cày ruộng. Người Tày nói chung đều tự nhận là Cần Tày, tuỳ theo từng nơi có tên Tày bốc - Tày cạn sống vùng núi và Tày nặm - Tày nước làm bản dựng nhà dưới thung lũng nhiều sông suối. Từ thế kỷ XV, để phân biệt với Thổ quan từ dưới xuôi lên cai trị, người Tày còn có tên là Thổ với hàm nghĩa thổ địa ám chỉ nhóm người đã sinh sống lâu đời nơi đây.
Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, Then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày của một thời quá khứ. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng Then và đặc biệt là văn bản lời hát Then. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến cải bởi phương thức truyền miệng, về cơ bản diễn xướng Then vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu. Để hiểu và cảm nhận được Then đòi hỏi phải có được vốn hiểu biết về nhiều mặt, trước hết là hiểu về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Tày. Việc tìm hiểu biểu tượng văn hóa cũng góp phần hiểu sâu sắc thêm về nghi lễ Then.
Một cách hiểu về Then nghi lễ của tộc người Tày
Cũng như người Tày ở nhiều vùng khác, người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh không theo tôn giáo nào mà chỉ có tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên, thần thánh, ma quỷ mà người Tày gọi chung là Phi (có Phi lành, Phi dữ). Người Tày có nhiều nghi lễ cúng khấn để xin Phi lành phù hộ, xin những điều tốt đẹp, xua đuổi Phi dữ và những điều xấu. Những lời cúng khấn thực hiện trong các nghi lễ gọi là đường Then do các Then thực hiện (nằm trong các nghi lễ cúng khấn còn có hệ thống lời gọi là đường Mo, Tào, Pật mà người thực hiện là các thầy mo, thầy tào, thầy pật – những tên gọi khác nhau của người hành nghề cúng bái). Bởi vậy, Then nghi lễ là hệ thống lời hát có làn điệu, kèm với các nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng của dân tộc Tày.
Người thực hành được các nghi lễ Then phải là những người có khả năng đặc biệt. Theo quan niệm của người Tày và trong thực tế, Then là người được trời cử xuống hoặc được tổ tiên có nghiệp Then lựa chọn để giúp người trần gian thực hiện các nghi lễ Then, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, nếu đó là phụ nữ thì gọi là Mè Then (hay Mè Slin), còn là đàn ông – thường rất hiếm thì gọi là Pò Then (hay Pò Slin). Khi xác định sẽ theo nghiệp Then, người được lựa chọn sẽ được gia đình chuẩn bị một không gian riêng để hoạt động, không gian đó gọi là Lầu Then. Lầu Then là một gian phòng riêng, có kê ván gỗ để mặt bằng cao hơn các phòng khác trong gia đình khoảng 1 mét, có bắc thang ở cửa phòng để lên xuống. Giữa phòng đặt ban thờ Then, gồm có các bát hương thờ tổ tiên, thầy Then, các vị Tướng (Tưởng Hồng, Tưởng Hoàng, Tưởng Cá…). Bên cạnh đó các vật phẩm hành nghề Then được bài trí trang trọng. Thực hiện các điều kiêng khem, người làm Then phải ngủ trong phòng Then ít nhất 15 ngày trong thời gian đầu, về sau có thể chỉ ngủ ở đó vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Khi có người đến tìm gặp Then để xin ý kiến giải quyết các việc tâm linh, Then sẽ thực hiện các nghi thức trong không gian đó.
Biểu tượng văn hóa trong không gian Then
Thế giới tâm linh của người Tày là thế giới đa thần, qua đó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập. Then đã sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày. Khi thực hành các nghi lễ, người làm Then không thể thiếu được các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương (thẻn), kiếm. Đó những vật thiêng của người hành nghề Then, chúng mang tính biểu tượng riêng.
Đàn tính
Đàn Tính giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then. Nguồn: Internet
Đàn Tính thuộc họ dây, chi gẩy. Đàn gồm các bộ phận: Cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Cây đàn tính gắn liền với những cuộc hành lễ Then tạo sức hút với người nghe bởi âm thanh trầm bổng, du dương đưa tâm trí người nghe theo cuộc hành trình của đoàn quân Then. Người hành lễ sử dụng đàn tính để phụ họa cho việc diễn tả nội dung của đường Then. Đàn tính trên tay của Then, lúc sang bên phải lúc sang bên trái như đang cầm cương ngựa. Tiếng đàn lúc nhanh lúc chậm, lúc nỉ non như mời gọi, có lúc lại bay cao như tiếng gió… Theo các nghệ nhân thì trong quá trình làm Then họ phải trải qua chặng đường dài để đến cung Ngọc Hoàng. Lúc đung đưa đàn tính là lúc nghệ nhân đang điều khiển con ngựa của mình, lúc tiếng đàn nhẹ nhàng, nỉ non là lúc nghệ nhân đang cưỡi ngựa nhẹ nhàng bước trên đường sau những lúc phi nước đại. Tiếng đàn tính cùng lời hát Then diễn tả cuộc hành trình của đoàn quân Then một cách sinh động, khiến những người thưởng thức như đang cùng tham gia với đoàn quân Then lên mường trời.
Chùm xóc nhạc
Chùm xóc nhạc là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, phương pháp kích âm là rung hoặc lắc, các vòng tròn nhỏ cùng các quả nhạc (chuông nhỏ) tác động vào nhau phát ra âm thanh. Chùm xóc nhạc (còn gọi là cỗ nhạc – cỗ ngựa) làm bằng đồng hoặc sắt dùng để đi đường. Trong quá trình làm Then, chùm xóc nhạc được các bà Then, ông Then sử dụng theo nhiều cách. Khi quân binh vượt núi thì nhạc xóc thôi thúc, khi vượt sông thì tiết tấu nhanh hơn, dồn dập hơn, khi linh hồn nhập vào thì xóc nhạc tốc độ càng nhanh hơn. Nghe cách xóc nhạc của Then khi hành lễ cũng có thể hiểu được sự việc đang diễn ra của hành trình Then. Khi rộn rã là lúc thúc ngựa lên đường (tấn mạ), khi nhẹ nhàng là lúc ngựa đang rong ruổi chuẩn bị dừng, hết trạm.
Chùm xóc nhạc còn được sử dụng riêng cho múa như múa chầu và cũng theo nhiều cách khác nhau như: xóc nhạc trong múa chèo thuyền, múa quạt, múa tán hoa, múa chầu lễ, múa chầu tướng đều có sự nhanh, chậm trong tiết tấu, tiết nhịp. Chùm xóc nhạc phần lớn góp phần việc thôi thúc, khơi dậy tình cảm con người trong nghi lễ Then. Nếu trong một cuộc Then không có chùm xóc nhạc, chỉ có cây tính tẩu thì chưa đủ khích lệ trạng thái hưng phấn của người nghe hát Then. Chùm xóc nhạc được các bà Then, ông Then gìn giữ, bảo quản ở chỗ linh nghiệm (trên bàn thờ), là một công cụ đắc lực cho một cuộc hành lễ của Then.
Thẻn (bộ gieo quẻ âm dương)
Thẻn được làm bằng hai nửa miếng gỗ hoặc tre dùng để hỏi ý kiến thần linh. Cách gieo quẻ của các thầy Then khác với người Kinh là khi gieo quẻ phải hợp liền 3 lần mới được. Qui định đánh thẻn của các thầy Then như sau: Lần 1: kíp khẳm kíp ngai (một sấp một ngửa); lần 2: sloong khẳm (hai sấp); lần 3: sloong ngai (hai ngửa). Hoặc có quy định: thẻn ngửa là đi, thẻn úp là về.
Các vật phẩm khác như ấn: chủ yếu được khắc bằng gỗ (có người làm bằng đồng), được sử dụng với ý nghĩa thừa lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế đi hành sự, dù ở nhà hoặc khi đi làm lễ, ấn đều được đặt ở bát hương chính của Then. Ngoài ra còn có các vật phẩm khác như: quạt, chuông, dao (kiếm) và còi. Mỗi vật đều có chức năng riêng phục vụ hành lễ theo quy định. Quạt dùng tượng trưng là cờ khi đôn đốc binh mã qua các lần phất quạt, đóng hay mở quạt. Chuông gióng báo hiệu mở đầu các nghi thức quan trọng; còi để tập hợp binh mã, dao (kiếm) dùng để trừ tà đuổi quỷ.
Những biểu tượng được tìm hiểu trong bài viết là những vật dụng tồn tại thực tế mà mỗi người có thể nhìn thấy, cầm nắm được. Ẩn trong mỗi vật dụng đơn sơ đó là chiều sâu nội dung biểu tượng, hỗ trợ đắc lực cho sự truyền tải nội dung của Then. Bởi vậy, tìm hiểu ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa trong không gian Then cần được quan tâm nhiều hơn nữa, mục đích cuối cùng là giới thiệu văn hóa hát Then của tộc người Tày đến gần hơn với công chúng, để di sản này được hiểu đúng, được bảo tồn và phát huy tối đa những giá trị vốn có.
Thành Dương