Thực hiện “mục tiêu kép”
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND Bình Phước cho biết: Những tháng đầu năm 2020, do biến động của đại dịch bệnh Covid – 19, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cả nước nói chung và của Bình Phước nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ và các hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu của Bình Phước cũng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp phải giải thể.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhanh chóng triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Thu hoạch điều tại Bình Phước
Tỉnh đã thành lập tổ phản ứng nhanh do bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh trình kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh và đã khai trương Hệ thống dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng bảng giá đất mới, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối tỉnh Bình Phước. Qua đó, tháo gỡ một trong những “điểm nghẽn” về đất đai tại địa phương.
Với nhiều giải pháp tích cực, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Phước vẫn có nhiều điểm sáng: 20/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt theo tiến độ đề ra. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh ước tăng 5,31%, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, và cao hơn mức tăng trưởng 1,81% của cả nước.
Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản tăng 11,89%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,52% (công nghiệp tăng 10,39%), dịch vụ giảm 0,76%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,26%. Chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh mẽ, tổng đàn lợn tăng 13,15%, đàn gia cầm tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Sáu tháng đầu năm 2020, Bình Phước thu hút được 30 dự án trong nước, với số vốn đăng ký 750 tỷ đồng, 20 dự án FDI với số vốn đăng ký 75 triệu USD.
Đặc biệt, Bình Phước đã thu ngân sách đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60% dự toán Bộ Tài chính giao. Chi ngân sách đạt 6 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Đón làn sóng đầu tư mới
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Bình Phước đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác cải thiện môi trường môi trường đầu tư, kinh doanh trong toàn tỉnh. Các Sở, ban ngành thực hiện và theo dõi tiến độ, cập nhật đầy đủ, chính xác chủ trương, cơ chế chính sách lên Cổng thông tin điện tử và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được dễ dàng, thuận lợi.
Bình Phước chú trọng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đưa công tác cải cách thủ tục hành chính đi vào thực chất, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, ủng hộ các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, tạo được môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng được vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của cán bộ công chức. Thủ tục gia nhập thị trường, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1,5 ngày làm việc. Đối với hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả trong ngày. Thời gian giải quyết cho doanh nghiệp mua hóa đơn giá trị gia tăng thực hiện tối đa 2 ngày theo quy định.
Đặc biệt, đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế được thực hiện theo mô hình “4 tại chỗ” tại Trung tâm hành chính công. Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế được cắt giảm về số lượng hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin qua hệ thống dịch vụ công của tỉnh trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; thực hiện các quy định kiểm soát trong doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư.
Thành phố Đồng Xoài - Bình Phước
Để phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh Bình Phước đã đưa ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm như: Nhóm phòng chống dịch, nhóm kích cầu về kinh tế, nhóm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, ngân sách, cải tạo thủ tục hành chính và đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, giá trị gia tăng lớn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng chế biến sâu trong sản xuất công nghiệp; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch,
Phát huy vai trò cầu nối, cửa ngõ lên Tây Nguyên, thúc đẩy liên kết vùng để có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Quyết định 518/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững./.
PV tổng hợp