Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “bộ đội hải ngoại” Việt kiều ở Thái Lan đã làm lễ tuyên thệ về nước chiến đấu, góp phần cùng quân dân cả nước quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam
Lời kêu gọi của non sông đất nước
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đưa đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nền độc lập, tự do của dân tộc vừa mới giành được đã phải đối mặt với thách thức, nguy nan bởi thù trong, giặc ngoài; đặc biệt là dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
Ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của quân đội Anh, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Những ngày sau đó, thực dân Pháp từng bước mở rộng đánh chiếm ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế và tiến hành đàm phán, thương lượng với Pháp nhằm tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn xảy ra. Song, thực dân Pháp đã bỏ qua khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Việt Nam, trắng trợn vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Sơ bộ 6/3.
Pháp thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị (1/6/1946) và tổ chức Hội nghị Liên bang Đông Dương (1/8/1946) hòng chia cắt Việt Nam. Bên cạnh đó, Pháp không thực tâm đàm phán và phá hoại Hội nghị Fontainebleau, Pháp ( diễn ra từ 6/7 đến 10/9/1946).
Đặc biệt, sau khi ký với Chính phủ Việt Nam Tạm ước ngày 14/9/1946, Pháp đã nhanh chóng vi phạm với việc gia tăng các hành động quân sự tại các tỉnh phía Bắc vĩ tuyến 16, trực tiếp là tại Thủ đô Hà Nội.
Trước hành động bội ước, ngang ngược dùng vũ lực để đẩy căng thẳng leo thang và vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình và quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước để giành thế chủ động bước vào cuộc kháng.
Đêm 19/12/1946, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!...”.
Chi đội Trần Phú xuất quân từ Thái Lan về nước kháng chiến, ngày 26/12/1946 (Ảnh tư liệu)
Quyết định phát động toàn quốc kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, đúng thời điểm, phản ánh bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, đáp ứng ý chí và khát vọng độc lập, hòa bình, tự do của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chọn thời điểm mở đầu chiến tranh đúng lúc, đúng thời cơ, chính là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đồng loạt đứng lên, anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ già đến trẻ, không biệt giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo; người người xung phong gia nhập lực lượng chiến đấu và các lực lượng phục vụ chiến đấu.
Tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, các chiến sĩ “cảm tử quân” sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng nóc nhà, góc phố, con đường. Nhân dân các khu phố - nơi chiến sự xảy ra đã không tiếc nhà cửa, của cải để dựng chiến lũy, tạo chướng ngại vật trên các đường phố nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù; sẵn sàng “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống” phục vụ kháng chiến.
Quân dân các tỉnh Nam Bộ đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ, phối hợp, chia lửa với cuộc chiến đấu oanh liệt diễn ra tại các đô thị phía Bắc... Thực tiễn những ngày đầu toàn quốc kháng chiến cho thấy tất cả đều chung một ý chí “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”!, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”!
Trở về tham gia chiến đấu cùng toàn dân tộc
Người Việt Nam đến sinh sống ở Thái Lan rải rác vào những thời điểm khác nhau, song đông nhất là từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Từ sau năm 1945, số lượng người Việt Nam ở Thái Lan lên đến vài chục nghìn người[1].
Được sự ủng hộ của Chính phủ Thái Lan, người Việt ở Thái Lan đã nhanh chóng thành lập các chiến khu làm nơi luyện tập quân sự để chuẩn bị cho việc đưa lực lượng về nước trực tiếp chiến đấu.
Chỉ sau một thời gian ngắn, ở vùng Đông Bắc Thái Lan và dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, người Việt đã thành lập được 13 chiến khu, mỗi chiến khu có từ 70 đến 150 người; tổng quân số lên đến 2.000 người. Từ tháng 6/1946, tại các chiến khu, Việt kiều ở Thái Lan đã xây dựng Chi đội Trần Phú, ngoài các chiến sĩ người Việt, còn có thêm một số đồng chí người Khơme.
Khi kháng chiến toàn quốc diễn ra, đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có Việt kiều Thái Lan cũng sôi sục căm thù quân xâm lược, tình nguyện trở về nước chiến đấu. Ngày 26/12/1946, Chi đội Trần Phú được trang bị đầy đủ các loại súng tốt và tiền, từ Chiến khu Um Kè (Nakhon, Thái Lan) bắt đầu lên đường về nước[2].
Về đến Nam Bộ, Chi đội Trần Phú tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây Ninh, được nhân dân yêu mến gọi là “Đoàn bộ đội hải ngoại”[3].
Chi đội hải ngoại Cửu Long II trên đất Thái Lan (Ảnh tư liệu)
Cùng với Chi đội Trần Phú, Chi đội hải ngoại 4 quân tình nguyên của Việt kiều ở Lào và Thái Lan với trên 400 cán bộ, chiến sĩ đã làm lễ tuyên thệ về nước chiến đấu ngay khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ[4].
Việt kiều yêu nước ở Thái Lan và Lào cũng nô nức xung phong gia nhập đội quân Hải ngoại do ông Nguyễn Đức Quỳ, đại diện Chính phủ Việt Nam ở Thái Lan khởi xướng có sự tham gia tích cực của giáo sư Trần Văn Giàu và ông Dương Quang Đông.
Chỉ trong thời gian ngắn, đội quân này đã tập hợp được trên 10.000 người, chia làm 4 đơn vị. Trước khi về nước, các chiến sĩ đều được tập luyện quân sự, trang bị súng ống, giáo, mác và quần, áo, giày, mũ được Việt kiều trang bị thống nhất. Kiều bào không chỉ trang bị hậu cần, ăn uống cho cả quân đội trong những ngày ở trên đất bạn mà còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho cả đội khi hành quân với khí thế sục sôi về nước để đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Các chiến sĩ hăng hái lên đường bất chấp mọi gian khổ, khó khăn và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Mặc dù gần Tết cổ truyền của dân tộc nhưng trên 400 quân của chi đội Hải ngoại 4 vẫn một lòng kiên định chia tay với gia đình, bạn bè, người thân, lên đường về quê hương chiến đấu.
Từ cuối năm 1946, Đặc ủy Việt kiều và Ban Chỉ huy mặt trận miền Tây còn tổ chức thêm một số “Đoàn quân hải ngoại” như Chi đội Cửu Long I, Chi đội Cửu Long II và Chi đội Cửu Long III, cùng các đơn vị Bộ đội Độc Lập, Bộ đội Quang Trung (gồm Quang Trung I và Quang Trung II) lần lượt trở về nước. Các đoàn này, đông nhất là Chi đội Cửu Long II có 432 người; ít nhất cũng là một trung đội mạnh như đoàn Quang Trung I. Ngoài lực lượng về nước trực tiếp tham gia chiến đấu, Việt kiều ở Thái Lan, Campuchia và Lào còn quyên góp tiền, mua sắm vũ khí gửi về trong nước ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Như vậy, trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, Bộ đội Việt kiều đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, trở về để đoàn kết cùng nhân dân cả nước chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong các đô thị để hậu phương có điều kiện tổ chức triển khai thế trận chiến đấu lâu dài; bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng tài sản, phương tiện, máy móc... di chuyển đến các an toàn khu để tiếp tục chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhẫn Trần
[1] Thanavan Boon wanna: Quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1976 - 2004), Luận án tiến sỹ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.23.
[2] Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tập I (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.535-536.
[3] Về sau, các chiến sĩ Chi đội Trần Phú dần được điều động đi các trung đoàn, trở thành cán bộ của nhiều đơn vị. Một bộ phận lớn của Chi đội được giữ lại làm nòng cốt, xây dựng nên Tiểu đoàn 307 nổi tiếng ở chiến trường Nam Bộ.
[4] Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, số 39, tháng 3/1997.