Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, bà con Việt kiều tại Campuchia đã đóng góp nhiều tiền của và nhanh chóng tổ chức các đơn vị bộ đội về Nam Bộ tham gia cuộc chiến đấu
Sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập một văn phòng đại diện tại Thủ đô Phnômpênh do do ông Lê Quốc Lập làm Trưởng Văn phòng, đóng tại đường Đuđa Đơ Lagrê, nhưng văn phòng đóng cửa sau một thời gian ngắn.
Kháng chiến nổ ra tại Nam Bộ, Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ cử chị Mari Phước sang Phnômpênh liên hệ với Việt kiều yêu nước vận động kiều bào ủng hộ và trở về chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng. Văn phòng tổ chức đưa Việt kiều về Nam Bộ chiến đấu đóng tại tiệm may đồ đầm La Coqueue trên đường Đơ La Grăngđiê. Ai muốn về nước chiến đấu, đến đăng ký sẽ được hai chiếc tàu Hồng Hà và Thuận Hà đưa về Châu Đốc. Nhiều Việt kiều đi bằng con đường công khai này, nhưng cũng có nhiều Việt kiều từ Phnômpênh và các tỉnh khác trở về bằng nhiều con đường khác về Nam Bộ tham gia chiến đấu.
Ngày 24-9-1945, một ngày sau khi giặc Pháp tái chiếm Sài Gòn, trên 2.000 Việt kiều từ Campuchia được Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ vận động về nước tập trung tại sân vận động tỉnh Châu Đốc để nghe thông báo tình hình nhiệm vụ và tuyển quân. Trên 200 người tình nguyện được tuyển thành lập một đại đội, lấy tên là Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân. Số người còn lại được bổ sung vào lực lượng cộng hòa vệ binh và dân quân trong tỉnh. Đại đội do ông Tô Cương làm Chỉ huy trưởng, Lê Văn Khương, Phan Tuyên làm Chỉ huy phó. Đại đội được biên chế thành 3 trung đội với một số vũ khí hơn 2 chục khẩu súng các loại, một số lựu đạn, mã tấu. Cuối tháng 9-1945, đại đội tập trung tại sân vận động Châu Đốc, nghe phái đoàn Tổng bộ Việt Minh có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lĩnh nói chuyện động viên. Đại đội được cấp tốc huấn luyện và theo sự chỉ đạo của Quân khu 9, đại đội đã tham gia đánh nhiều trận ở Châu Đốc, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau. Một số trận đánh tiêu biểu như trận phục kích tàu địch ở Giang Thanh, kênh Vĩnh Tế, trận tiến công đồn Bố Thảo (Sóc Trăng), trận tập kích Ngã Năm Rạch Giá – Tân Hưng, trận phục kích Tân Thuận, trận tập kích đồn Tắc Vân (Lộ Bạc Liêu – Cà Mau). Các trận chiến đấu diễn ra liên tục và ngày càng ác liệt. Nhiều chiến sĩ lần lượt hy sinh, đơn vị phải bổ sung lực lượng tại chỗ. Sang năm 1947, đơn vị không còn giữ nguyên mà bố trí theo yêu cầu mới. Những chiến sĩ Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân còn sống, trải qua chiến đấu, có nhiều kinh nghiệm, trở thành những cốt cán của nhiều đơn vị quân đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Báttambang là nơi đầu tiên thành lập Hội Việt kiều cứu quốc ở Campuchia, là nơi 2 đơn vị bộ đội hải ngoại đầu tiên của Việt kiều được thành lập và cấp tốc hành quân về cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau tổng tuyển cử tháng 1-1946, đồng chí Trần Văn Giàu và Ngô Thất Sơn sang Thái Lan, sau đó đồng chí Ngô Thất Sơn (trước đó từng làm thày giáo tại Kôngpong Chàm) về tỉnh Báttambang, giữ chức Ủy viên quân sự của Hội Việt kiều cứu quốc Báttambang, phụ trách huấn luyện quân sự cho tân binh Việt kiều ở các chiến khu Việt kiều trong tỉnh.
Tháng 6-1946, trên 100 thanh niên được tuyển chọn từ các chiến khu trên đất Campuchia tập trung về chiến khu Tàom để thành lập 1 đơn vị đưa về Nam Bộ chiến đấu. Đơn vị được trang bị vũ khí tương đối tốt nhờ mua bên Thái Lan. Sau hơn 1 tháng học tập khẩn trương về chính trị và quân sự, ngày 10-8-1946, đồng chí Trần Văn Giàu quyết định đặt tên cho đơn vị là Bộ đội độc lập số 1 và ra lệnh lên đường về Nam Bộ kháng chiến. Đơn vị có 105 chiến sĩ do đồng chí Huỳnh Văn Vàng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Đặng Văn Duyệt làm Chính trị viên và đồng chí Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy phó.
Lễ tiễn đưa Bộ đội độc lập số 1 lên đường về nước chiến đấu được tổ chức trọng thể, với sự có mặt của ông Achar Đương và bà Mê Muôn, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban giải phóng dân tộc Campuchia lâm thời, ông Phạm Thành Trinh, Chủ tịch Hội Việt kiều cứu quốc Báttambang và đông đảo bà con Việt kiều.
Tại buổi tiễn đưa, Vị đại diện phụ lão phát biểu căn dặn: “Hỡi các con ! Sau 80 năm nô lệ cho thực dân Pháp, đồng bào ta đã hy sinh nhiều mới giành được độc lập. Cha mẹ khuyên các con hãy hy sinh lên đường cứu nước, không để Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chuyện gia đình đã có cha mẹ lo, Ba nhắc lại: các con hãy sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc” .
Sau khi chi viện cho lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia 17 đồng chí, đơn vị đánh một số trận trên đất Campuchia và tiếp tục hành quân về Việt Nam theo đường sông Mê kông xuôi về Krachiê. Vì nước lũ chảy xiết nên đơn vị bị lạc làm hai cánh. Cánh thứ nhất khoảng 20 đồng chí trong đó có các đồng chí Huỳnh Văn Vàng, Ngô Thất Sơn, Kiều Mạnh Giá đổ bộ lên Chlông, qua Mimot, tìm đường về Xamát, Tây Ninh và bắt được liên lạc với chi đội 11 của Quân khu 7 ngày 20-91946.
Số đông chiến sĩ thuộc cánh thứ hai do đồng chí Đặng Văn Duyệt chỉ huy, sau khi sang sông Mê Kông đi về hướng Lộc Ninh, Hớn Quản là vùng chưa có cơ sở, đơn vị phải vượt sông Bé, đến Đồng Xoài mới liên lạc được với chi đội 10 vào ngày 13-10-1946. Đoàn bị giặc Pháp liên tục bám đuổi, tập kích làm trên 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có đồng chí Đặng Văn Duyệt. Mãi đến cuối tháng 10-1946, cánh quân này mới được đưa về hội tụ với cánh quân thứ nhất ở Cây Cầy, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 20-10-1946, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức đón tiếp nồng nhiệt, đơn vị ra mắt nhân dân vùng căn cứ.
Đơn vị vũ trang của Việt kiều hải ngoại số 1 đã đáp ứng kịp thời lời kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên do Việt kiều đóng góp tiền mua vũ khí để tự trang bị vào loại khá tốt lúc bấy giờ, đã góp phần cổ vũ quân và dân tỉnh Tây Ninh trong những ngày đầu kháng chiến.
Từ đây, Bộ đội độc lập số 1 được phân công hoạt động ở địa bàn tỉnh Tây Ninh và được đổi tên là Bộ đội hải ngoại số 1.
Đơn vị chia 2 bộ phận. Một bộ phận do đồng chí Ngô Thất Sơn chỉ huy, hoạt động vũ trang tuyên truyền, giúp tỉnh Tây Ninh giải quyết những tranh chấp giữa nhân dân Miên – Việt (do địch xúi giục) ở vùng biên giới và giúp đỡ lực lượng yêu nước Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang lấy tên là Bộ đội Sivôtha (tên một hoàng thân yêu nước) hoạt động ở miền Đông Campuchia .
Bộ phận còn lại tham gia vào lực lượng vũ trang Quân khu 7, chiến đấu trong nước. Trong trận chống càn quy mô lớn ở phía Tây Trảng Bàng, Đức Huệ (vùng Đồng Tháp Mười), địch càn vào căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhảy dù xuống Giồng A Rắc, Giồng Lớn, đơn vị hải ngoại do đồng chí Kiều Mạnh Giá chỉ huy đã phối hợp, diệt 90 lính Pháp, thu 100 chiếc dù, đánh bại cuộc hành quân của địch.
Một tháng sau khi đơn vị Bộ đội độc lập số 1 xuất quân về nước, một đơn vị bộ đội hải ngoại khác được chuẩn bị thành lập. Tháng 9-1946, một số thanh niên Việt kiều ở Campuchia được tập hợp và đến tháng 10-1946, có gần 50 anh em Việt kiều ở Thakhet và Viêngchăn được tập trung ở chiến khu Thippơđây của tỉnh Báttambang. Đến giữa tháng 11-1946, nhiều cán bộ, chiến sĩ tại chỗ và từ Thái Lan về tiếp tục được tập hợp và được trang bị vũ khí khá tốt, có nhiều súng liên thanh, tất cả được 71 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Giàu ra quyết định thành lập đơn vị, lấy tên là Bộ đội Quang Trung, với Ban Chỉ huy như sau:
Đồng chí Phạm Ngọc Thuần là Chỉ huy trưởng (Phó Bí thư chi bộ).
Đồng chí Vũ Hoành làm Chính trị viên (Bí thư chi bộ).
Đồng chí Hoàng Ngọc Cừ là Chính trị viên phó.
Về danh nghĩa công khai, đơn vị xưng danh là bộ đội Khơme Issarak.
Ngày 15-11-1946, Bộ đội Quang Trung làm lễ xuất phát về Nam Bộ, mỗi chiến sĩ phải mang thêm nhiều vũ khí và đạn dược để tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ. Đơn vị hành quân theo hướng Tây Biển Hồ, từ Báttambang qua các tỉnh Pursat, Kompong Chơ năng, Kompong Spư, Takeo về hướng Châu Đốc.
Trên đường hành quân về Việt Nam, đơn vị đã tách một bộ phận 15 người ở lại tỉnh Pursat giúp bạn xây dựng cơ sở và lực lượng vũ trang. Số còn lại tiếp tục hành quân, đến ngày 25-12-1946 gặp được 2 đồng chí liên lạc của Quân khu 9 lên đón tại tỉnh Ta keo. Tại đây, quân Pháp bất ngờ tiến công đơn vị, 14 đồng chí hy sinh trong đó có toàn bộ Ban Chỉ huy. Lực lượng còn lại tiếp tục hành quân về Việt Nam.
Chiều ngày 30-12-1946, lực lượng còn lại về đến Vĩnh Gia, kênh Vĩnh Tế. Sáng ngày 5-1-1947, Bộ đội Quang Trung về đến xã Vĩnh Hòa, Tân Châu, Châu Đốc và liên lạc được với chi đội 22. Bộ đội Quang Trung từ đây trở thành một lực lượng vũ trang của Quân khu 9.
Trong giai đoạn này, ngoài việc tham gia bộ đội Việt kiều, bộ đội hải ngoại, con em Việt kiều đã gia nhập lực lượng quân dân chính Đảng ở Quân khu 7, 8,9, tham gia mặt trận Issarak, tình nguyện quân và các đội biệt động thành.
Tính chung cả trong cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Việt kiều tại Campuchia đã cho 15.000 con em về Sài Gòn và các tỉnh tham gia giành chính quyền và sau đó tham gia các lực lượng kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, người Việt Nam tại Campuchia đã có những đóng góp to lớn đối với phong trào kháng chiến ở trong nước cũng như trên chiến trường Campuchia và chiến trường toàn Đông Dương. Điều đó xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1951 là Đảng Lao động Việt Nam và của Chính phủ ta, nhưng cao hơn hết, đó là từ tấm lòng yêu nước của bà con Việt Kiều, dù làm ăn, sinh sống ở nơi đâu, cũng luôn hướng về Tổ quốc thân yêu, hướng về cách mạng, về kháng chiến, vì độc lập, tự do và phát triển của quê hương Việt Nam.
Bình Nguyễn