Trong tâm thức người Việt, bữa cơm gia đình không đơn thuần chỉ là bữa ăn, là một hoạt động bản năng, bữa cơm gia đình còn là một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa nhân văn, ở đó luôn ẩn chứa những đạo lý thiêng liêng. Những bữa cơm ngon ngọt, ấm áp tình thân gia đình đã nuôi dưỡng con người lớn lên, trưởng thành cả tâm hồn và thể chất. Người Việt vẫn luôn trân trọng những bữa cơm gia đình như thế suốt bao đời nay, đây là một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp rất cần được gìn giữ, phát huy.
Bữa cơm gia đình Việt (Nguồn: Internet)
Bữa cơm gia đình biểu tượng cho sự sum họp, đoàn viên, là không gian kết nối yêu thương
Truyền thống văn hóa Việt Nam vốn đề cao tính cộng đồng, đoàn kết, “trọng nghĩa tình, đạo lý”. Những phong tục chuyển tải được những giá trị ấy đều được người Việt coi trọng, gìn giữ. Vì vậy, với nhiều gia đình Việt Nam, việc các thành viên trong gia đình ăn cơm cùng nhau đã trở thành một truyền thống tốt đẹp. Tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có gia đình thường xuyên được ăn cơm cùng nhau, cơm mai rồi cơm chiều, có gia đình chỉ có điều kiện cùng nhau ăn bữa tối hoặc chỉ có bữa cuối tuần mới đông đủ… Nhưng, dù thường xuyên hay không, điều quan trọng nhất là mỗi thành viên trong gia đình đều mong muốn được trở về bên bữa cơm gia đình để được sum họp, đoàn tụ với người thân. Bởi lẽ, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, sau những ngày xa cách…, bữa cơm là lúc cả nhà có mặt đông đủ, cùng nhau quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện, thăm hỏi, động viên nhau. Bữa cơm vào những ngày lễ, tết, giỗ chạp càng ý nghĩa hơn vì được sum họp đông đủ hơn. Có những người thân đi xa trở về, có những bà con, họ hàng lâu ngày gặp mặt, được quây quần bên nhau quanh mâm cơm lại có cảm giác gần gũi, thân quen. Bởi thế, bữa cơm gia đình quan trọng không phải ở chỗ “mâm cao cỗ đầy” mà là ở không khí ấm áp, yêu thương. Ca dao xưa có câu “Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”, hay “Ở nhà cơm hẩm, muối rang, Bữa ăn có thiếp có chàng mới vui”… Bữa cơm đã trở thành một không gian hạnh phúc trong mái ấm gia đình khiến mỗi thành viên luôn cảm thấy bình yên, vui vẻ khi trở về.
Với người Việt, bữa cơm gia đình còn là dịp để các thành viên thể hiện sự chăm sóc, yêu thương nhau. Nếu bữa cơm được chuẩn bị chu đáo, bổ dưỡng sẽ tốt cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Vì thế, mỗi người, nếu có điều kiện thường dành thời gian, tâm sức để chuẩn bị những bữa cơm thật ngon ngọt cho những người thân của mình. Từ xưa đến nay, hình ảnh những người vợ, người mẹ sau những giờ lao động vất vả lại vội vã chợ búa, cơm nước thật chu đáo cho chồng con, hình ảnh những người cha, người mẹ quê xa chắt chiu dành những món ăn ngon chờ những đứa con, đứa cháu đi xa…luôn để lại những cảm xúc đẹp. Chính những quan tâm, chăm sóc tận tâm của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau đã gắn kết họ, vun đắp mối quan hệ thân tình bền chặt. Với ý nghĩa đó, bữa cơm gia đình được xem như là một mô hình quy tụ và kết nối các thành viên trong gia đình. Khi các thành viên trong gia đình không còn quan tâm đến những bữa cơm cùng nhau, không dành thời gian chăm sóc nhau qua những bữa ăn thì tình cảm cũng phai nhạt. Người Việt mỗi khi nói về một gia đình hạnh phúc thường ẩn ý rằng “cơm dẻo, canh ngọt”, khi gia đình không hạnh phúc thì lại là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”…
Vì vậy, việc duy trì những bữa cơm gia đình ngon ngọt, đầm ấp cũng là một cách để giữ lửa yêu thương, vun đắp hạnh phúc, như những câu ca dao xưa từng nói: “Thương chồng nấu cháo le le, Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”, hay là “Rau cải nấu với cá rô, Gừng thêm một lát cho cô giữ chồng”…
Bữa cơm gia đình là một không gian văn hóa, môi trường văn hóa giáo dục nhân cách, đạo đức
Bữa cơm gia đình, đặc biệt là những bữa cơm sum họp nhiều thế hệ là một không gian văn hóa, môi trường văn hóa độc đáo của người Việt, ở đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của gia đình, dòng họ được trao truyền, tiếp nối.
Với người Việt, cách ăn còn là cách sống, cần phải học, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Người Việt chú trọng không khí thoải mái và ấm cúng trong bữa ăn, nhưng cũng đề cao sự lịch sự. Bởi thế, những nguyên tắc ứng xử tinh tế trong bữa ăn luôn phải thực hành cẩn trọng. Khác với người phương Tây, bữa ăn thường lần lượt thưởng thức từng món và trong các phần ăn riêng biệt, người Việt từ xưa lại có thói quen dọn cơm vào mâm và các món ăn đều được dọn cùng một lúc, trong bát, đĩa chung để cả gia đình quây quần cùng nhau, không ai phải chờ đợi ai. Điều này gợi không khí thân mật, vui vẻ nhưng cũng là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm, rèn giũa phẩm cách của mình. Trong bữa cơm có đông đủ thành viên gia đình, người lớn, người nhỏ, người trẻ, người già, có món ngon, món bổ, món chính, món phụ… nên phải có phép tắc, ý nghĩa riêng. Đó là tinh thần “kính trên nhường dưới”, là sự lễ phép, ý tứ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Bữa cơm bao giờ cũng bắt đầu từ tiếng mời ăn cơm của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ, của em dành cho anh chị. Những phần thức ăn ngon, cơm dẻo, canh ngọt được dành mời ông bà, cha mẹ, và ông bà, cha mẹ, anh chị lại cũng thường nhường phần ngon ngọt cho con cháu, cho các em, nhất là những em nhỏ trong nhà. Bữa cơm gia đình trở thành nơi thể hiện sự yêu thương, bao bọc, che chở của các thành viên trong gia đình. Dù ở những mâm cơm đủ đầy, sung túc hay những mâm cơm giản dị, đạm bạc, tình yêu thương, sẻ chia giữa những người thân vẫn là quan trọng nhất: “Miếng nạc thời để phần chồng, Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con ăn”. Chính từ đó, người Việt học được những đạo lý thiêng liêng như biết cách yêu thương, chia sẻ, biết nhường nhịn, hy sinh, có lòng biết ơn, có lễ phép, kính trên, nhường dưới…
Cũng trong những bữa cơm sum họp đông đủ, ấm cúng, ông bà, cha mẹ thường khéo léo lồng ghép chuyện dạy dỗ, bảo ban con cháu như nhắc nhở nền nếp gia phong, uốn nắn cách sống. Không khí ấm áp, yêu thương của những bữa cơm gia đình khiến mỗi “bài học cuộc sống” trở nên ý nghĩa hơn.
Vì những lẽ đó, những bữa cơm gia đình khiến người Việt luôn gắn bó, tha thiết với gia đình, quê hương. Hình ảnh bữa cơm sum họp ấm cúng với những món ăn đặc trưng quê nhà luôn là ký ức tốt đẹp, lưu giữ những cảm xúc ấm áp yêu thương trong tâm hồn người Việt, khi đã trưởng thành hay lúc tha hương: “Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”…
Bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay với phương thức sản xuất mới đã khiến “nếp nhà xưa” thay đổi nhiều. Hình ảnh các thành viên trong gia đình gắn bó từ “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” đến lúc quấn quýt bên mâm cơm chiều đã thưa vắng. Cuộc sống sinh kế trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay khiến mỗi người trở nên độc lập hơn, bận rộn, gấp gáp hơn. Vì vậy, những bữa cơm sum họp của nhiều gia đình, từ nông thôn đến thành thị đang mỗi ngày ít đi và không thể đông đủ. Gia đình tứ đại, tam đại đồng đường dần thay thế bởi gia đình hai thế hệ, thậm chí là gia đình đơn thân, độc thân… Ông bà, cha mẹ, con cháu ít có thời gian gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau. Những bữa ăn đơn giản, tiện lợi, chủ động cho từng cá nhân được ưu tiên lựa chọn, nhất là với những gia đình trẻ, những gia đình ở thành phố. Những bữa ăn ở nhà hàng cũng thay thế dần những “bữa cơm mẹ nấu” khiến mỗi gian bếp vắng vẻ, lạnh lẽo dần. Hình ảnh cơm hộp, thức ăn nhanh được giao đến từng người, từng nhà, hay những đứa trẻ với những bữa ăn vội trên xe cha mẹ mỗi sáng đến trường, mỗi tối học thêm đã trở nên quen thuộc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, thiếu sự sẻ chia. Theo một số nghiên cứu xã hội học, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc nhiều gia đình.
Không phải ngẫu nhiên, những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên chọn chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương". Việc duy trì những bữa cơm gia đình với đầy đủ ý nghĩa sâu xa của nó không chỉ là một giải pháp nhằm xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mà còn là một cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Thanh Lương