Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự hội nhập này được đánh dấu bằng sự kiện cách đây 43 năm, ngày 20 tháng 9 năm 1977, khi Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc là một tổ chức được thành lập với mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy sự hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, nhân đạo, bảo đảm quyền con người. Chính vì thế, sự ra đời của Liên hợp quốc là một bước ngoặt trong lịch sử, mang đến những ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và tiến bộ xã hội nói chung.
Nhận rõ tầm quan trọng của tổ chức này đối với vận mệnh các dân tộc trên thế giới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm chú ý đến việc nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc.
Ngày 14 tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc. Cũng trong năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều gửi thư cho nhiều thành viên chủ chốt của Liên hợp quốc như Mỹ, Anh, trong đó đề cập đến mong muốn của Việt Nam tham gia tổ chức quốc tế có uy tín này, tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc trong Hội đồng Bảo an với nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên đơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không được Liên hợp quốc ghi nhận .
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, việc gia nhập Liên hợp quốc ngày càng trở nên cần thiết, để giành được sự ủng hộ đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chính vì thế ngày, 22 tháng 11 năm 1948, ông Trần Ngọc Danh, Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris, Pháp đã gửi thư xin gia nhập Liên hợp quốc kèm theo tuyên bố chấp nhận các nghĩa vụ của Hiến chương. Mặc dù vậy, phải đến gần 4 năm sau, bức thư mới được Liên hợp quốc ghi nhận trong văn bản ngày 17 tháng 9 năm 1952. Khi Liên Xô chất vấn Ban Thư ký tại sao không chuyển ngay bức thư của Việt Nam cho các thành viên của Hội đồng Bảo an, Ban Thư ký giải thích rằng thư xin gia nhập của Việt Nam đã được chuyển ngay cho tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an từ cuối tháng 11 năm 1948, nhưng không rõ lý do Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc không xem xét đơn gia nhập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 29 tháng 12 năm 1951, đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc gửi tiếp chuyển tiếp điện tín của Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Hoàng Minh Giám cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc xin gia nhập tổ chức này. Việt Nam cũng nhắc lại bức thư xin gia nhập Liên hợp quốc ngày 22 tháng 11 năm 1948 và cam kết chấp nhận các nghĩa vụ của Hiến chương, đồng thời phản đối việc kết nạp vào Liên hợp quốc chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. Điện tín này được Liên hợp quốc ghi nhận vào ngày 3 tháng 1 năm 1952, tuy nhiên cũng như lần trước, lần xin gia nhập này của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không được xem xét. Đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Quốc gia Việt Nam do Cộng hòa Pháp chuyển cũng không được Liên hợp quốc chấp nhận.
Ngày 24 tháng 1 năm 1957, Liên Xô đã đề nghị kết nạp cả cả hai quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm vào Liên hợp quốc, nhưng cũng không được Hội đồng Bảo an chấp nhận.
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 15 tháng 7 năm 1975, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát gửi điện tín cho Tổng thư ký Liên hợp quốc xin gia nhập tổ chức này của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Một ngày sau, ngày 16 tháng 7 năm 1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện tín cho Tổng thư ký Liên hợp quốc chuyển đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên hợp quốc đã tổ chức các cuộc họp để xem xét những lá đơn này. Tuy nhiên Mỹ, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phủ quyết tất cả những nghị quyết liên quan đến việc kết nạp hai nước Việt Nam vào Liên hợp quốc.
Tháng 7 năm 1976, Việt Nam thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 10 tháng 8 năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư xin gia nhập Liên hợp quốc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 26 tháng 11 năm 1976, Đại Hội đồng Liên hợp quốc Thông qua nghị quyết đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét và quyết định khuyến nghị kết nạp Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc họp bàn về vấn đề này đã bị trì hoãn đến ngày 20 tháng 7 năm 1977.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Duy Trinh dẫn đầu dự kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New york (Mỹ) ngày 20-9-1977. Khoá họp đã thông qua nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 20 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Bảo an mở cuộc họp xem xét xin đơn xin gia nhập của Việt Nam và thông qua nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng kết nạp Việt Nam làm thành viên của Liên hợp quốc. Hai tháng sau, ngày 20 tháng 09 năm 1977, Đại Hội đồng Liên hợp quốc Thông qua nghị quyết 32/2 chính thức kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.
Ngày 20 tháng 9 năm 1977, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Duy Trinh đã tham dự lễ kéo cờ Việt Nam, chín thức đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
Chủ trương của Việt Nam lúc này “tham gia Liên hợp quốc và dùng diễn đàn Liên hợp quốc để tập hợp thêm lực lượng có lợi cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới đồng thời có lợi cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Liên hợp quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao.
Trong giai đoạn 1977 -1985, khi Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghe lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất, các tổ chức thành viên của Liên hợp quốc đã tích cực giúp đỡ Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt trên 500 triệu USD.
Trong quá trình đổi mới, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng tổ chức quốc tế lớn nhất này.Việt Nam đã được sự giúp đỡ nhiều mặt từ Liên hợp quốc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, quyền con người… đồng thời Việt Nam cũng chứng tỏ mình là thành viên có trách nhiệm của tổ chức này. Đã hai lần Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an với số phiếu rất cao. Cùng với hội nhập trên các lĩnh vực, về quân sự, trong mấy năm trở lại đây, Việt Nam đã cử các đoàn chuyên gia y tế, các bệnh viện dã chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình, hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại một số quốc gia châu Phi, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Có thể nói, cuộc đấu tranh để Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc đã diễn ra lâu dài, gian khổ, kiên trì, kéo dài hơn 30 năm và sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc cách đấy 43 năm là một thành tựu đối ngoại to lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trước thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Minh