Sau khi đất nước thống nhất, nông nghiệp Việt Nam không phát triển như kỳ vọng, trái lại, ngày càng sa sút, đời sống của nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trăn trở, tìm tòi cơ chế quản lý mới để phát triển sản xuất nông nghiệp,trước hết là giải quyết vấn đề lương thực. Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/01/1981 ra đời trong bối cảnh đó, trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất,cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiềm năng và thế mạnh của hai miền Nam - Bắc có điều kiện bổ sung cho nhau để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, diễn biến của tình hình rất phức tạp, do tác động của cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, hợp tác hóa nông nghiệp phát triển mạnh ở cả hai miền với mô hình tập thể hóa, tập trung hóa và chuyên môn cao.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (từ 22/6-4/7/1977) đề ra phương châm phát triển nông nghiệp: Trong những năm trước mắt, trên mặt trận kinh tế, phải nắm vững nhiệm vụ hàng đầu là phát triển vượt bậc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm, tạo ra điều kiện vật chất thuận lợi để cùng lúc thực hiện hai yêu cầu cơ bản và cấp bách là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ và các cấp, các ngành đã có sự chỉ đạo điều hành, nhưng còn nhiều lung túng, bị động và chậm trễ. Sản xuất nông nghiệp bắt đầu suy giảm. Trong năm 1977, Nhà nước chỉ thu được 1,547 triệu tấn thóc, bằng 55,6% kế hoạch, bình quân lương thực đầu người giảm từ 274 kg (năm 1976) xuống còn 250 kg (năm 1977) và 237 kg (năm 1978). Nhà nước không nắm được khối lượng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tương ứng với khối lượng vật tư, hàng hóa đã cung ứng cho nông nghiệp, do đó phải ban hành nhiều biện pháp quản lý lưu thông, phân phối lương thực rất gắt gao, vừa lỗi thời, lại vừa gây khó khăn, chậm trễ cho việc điều hành guồng máy vốn đã cồng kềnh, kém hiệu lực[1].
Ở miền Bắc, đến năm 1979, có 4.154 hợp tác xã toàn xã, trong đó có 835 hợp tác xã có trên 500ha đất canh tác; 159 hợp tác xã có trên 700ha đất canh tác và một số hợp tác xã có trên 1.000ha đất canh tác. Lao động được tổ chức theo các đội chuyên: chuyên làm đất, chuyên làm giống, chuyên thủy lợi, chuyên vận tải… Mặc dù có nhiều cố gắng để phát triển sản xuất, nhưng nông nghiệp miền Bắc vẫn rất trì trệ. Trong sản xuất của hợp tác xã, nét đặc trưng là hiệu quả thấp, thua lỗ phổ biến, tình trạng giảm sút năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi kéo dài từ năm này qua năm khác.
Việc phân phối theo công điểm trong các hợp tác xã mang nặng tính bình quân chủ nghĩa, dẫn đến tình trạng "dong công phóng điểm", không tạo động lực kích thích sản xuất phát triển.
Ở miền Nam, đến năm 1980, toàn miền Nam đã xây dựng được 1.518 hợp tác xã, trong đó có 1.005 hợp tác xã bậc cao và 9.350 tập đoàn sản xuất. Quy mô bình quân 312ha/1 hợp tác xã, gấp 1,2 lần hợp tác xã miền Bắc. Tuy nhiên, do nóng vội, chạy theo thành tích, nhiều hợp tac xã, tập đoàn sản xuất vừa xây dựng xong đã tan vỡ. Với cơ chế cấp phát giao nộp, ngăn cản, cấm lưu thông nhất là lương thực đã kìm hãm động lực sản xuất. Chính sách điều chỉnh ruộng đất theo phương thức cào bằng đi ngược lại quá trình tích tụ ruộng đất vốn có từ lâu của nông thôn Nam Bộ theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc làm đó đã đụng chạm đến tầng lớp trung nông, bộ phận đông đảo nhất, lượng lượng trung tâm của nông thôn Nam Bộ. Tầng lớp này đã tích tụ được ruộng đất, vốn, kinh nghiệp và khoa học kỹ thuật. là những người sản xuất và cung cấp đại bộ phận nông sản hàng hóa cho xã hội. Vựa lúa gạo hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long chao đảo trong cơn lốc hợp tác hóa và điều chỉnh ruộng đất. Do đó, sản xuất chững lại, sản lượng lúa giảm dần. Sau khi nhiều hợp tác xã và tập đoàn sản xuất mất tác dụng, sức sản xuất được giải phóng, sản lượng lương thực tăng lên.
Nông nghiệp Việt Nam thời kỳ 1976-1980 luôn luôn không ổn định, nhiều mặt diễn biến theo chiều hướng xấu, lương thực, thực phẩm mất cân đối lớn giữa sản xuất và tiêu dùng, nông sản xuất khẩu giảm sút. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn bị khủng hoảng toàn diện cả về quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất và kết quả sản xuất. Trước tình trạng đó, trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp miền Bắc đã xuất hiện các hình thức “khoán chui” đến sản phẩm cuối cùng. Từ giữa năm 1979, những khó khăn do sản xuất tăng chậm mà nhu cầu nhiều mặt tại tăng lên, làm cho tình trạng mất cân đối kéo dài, thêm vào đó là chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, thiên tai đã làm cho đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Nông dân một hợp tác xã nông nghiệp tại Vĩnh Phúc cấy lúa (Ảnh Tư liệu)
Từ hiệu quả của việc “khoán chui”, thực tiễn tìm tòi lối thoát cho nông nghiệp của các địa phương đã được các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương đồng ý. Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư ban hành Thông báo số 22 -TB/TW cho phép khoán thử nghiệm. Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp triệu tập tất cả các Sở Nông nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước xuống Hải Phòng thăm thực địa ruộng khoán và thảo luận thêm. Qua cuộc họp này, đa số ý kiến nghiêng về khoán.
Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (10-12-1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị kết luận nghiêng hẳn về khoán: “Việc làm thử cách khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp của miền Bắc … có tác dụng tốt… phong trào lao động sản xuất bắt đầu có khí thế. Tình trạng trì trệ trong sản xuất bắt đầu có chuyển biến theo hướng tốt”[2].
Sang đầu năm 1981, trước những bức xúc của nạn đói, sự thiếu hụt lương thực trong cả nước, Nhà nước phải tung ra hàng chục tấn vàng dự trữ mang đi bán lấy USD để nhập khẩu gạo cứu đói. Từ ngày 3-1 đến ngày 7-1-1981, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị tại Hải Phòng. Chủ đề của Hội nghị là Củng cố hợp tác xã nông nghiệp và cải tiến công tác khoán.
Sáng ngày 13/01/1981, một thời điểm có ý nghĩa lịch sử, đồng chí Lê Thanh Nghị ký bản Chị thị nổi tiếng: Chỉ thị của Ban Bí thư số 100 - CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Văn bản chỉ có 10 trang đánh máy, nhưng có ý nghĩa lịch sử thật lớn lao: Bản chỉ thị liên quan đến vận mệnh của hàng chục triệu nông dân, liên quan đến nhu cầu thiết yếu nhất – cái ăn của cả dân tộc Việt Nam. Bản Chỉ thị tuy chỉ có 10 trang, nhưng tích tụ bao nhiêu trăn trở, những tìm tòi suốt hàng chục năm của nhiều con người, từ Trung ương tới địa phương nếu tính từ Nghị quyết 68 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1966. Bản Chỉ thị này đã “giải oan” cho Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy.
“Khoán 100” chưa phải là mô hình mới về tổ chức và quản lý nông nghiệp, mà chỉ là cải tiến hình thức khoán, chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán hộ gia đình, là bước quá độ từ cơ chế tập trung, kế hoạch hóa sang cơ chế tự chủ của từng hộ. Dù phương thức khoán còn sơ lược, nhưng nhiều ưu điểm hơn khoán việc trước đây, trong đó bước đầu khôi phục lại quyền tự chủ trong sử dụng ruộng đất và lao động của hộ xã viên, gắn lao động với đất đai, làm cho người lao động quan tâm hơn đến kết quả cuối cùng. Chỉ thị số 100 là sự đột phá đầu tiên vào cơ chế quan lý tập trung, quan liêu, sản xuất tập thể, khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”. Do đó, Chỉ thị số 100 được coi là “chìa khóa vàng” mở ra thời kỳ mới của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, “Khoán 100” đã phát huy tác dụng rất tích cực, nông nghiệp có bước chuyển mình, Nếu như năm 1980, sản lượng lương thực đạt 14,4 triệu tấn, thì đến năm 1982 đạt 16,8 triệu tấn, đến 1985 đạt 18,2 triệu tấn tấn. Theo đó, lương thực do Nhà nước thu mua cũng tăng từ 1,97 triệu tấn (năm 1980), lên 3.1 triệu tấn (năm 1982) và 3,8 triệu tấn (năm 1985).
Việt Nam ngày nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, không ai quên sự thay đổi đó bắt đầu bằng Chỉ thị số 100, đánh dấu bước “cởi trói” cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam cất cánh bay cao, bay xa.
Mai Nguyễn