Ngày 30-4-1975, chế độ Sài Gòn sụp đổ. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn đã được dự báo trước, nhưng không ai nghĩ nó đến nhanh đến thế, chỉ sau 55 ngày đêm, bắt đầu từ trận Buôn Ma Thuột, mở đầu những sai lầm chiến lược của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu
Nửa cuối năm 1974, nhiều sự kiện lớn diễn ra ảnh hưởng trực tiếp tới sự chỉ đạo chiến lược của Đảng. Lực lượng ta ngày càng mạnh lên, lực lượng quân đội Việt Nam cộng hòa suy yếu. Nước Mỹ khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng, ít khả năng Mỹ quay trở lại miền Nam Việt Nam như trước Hội nghị Paris. Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 30-9 đến ngày 9-10-1974 đã thảo luận kĩ về thời cơ chiến lược, đánh giá tổng quát tình hình giữa ta và địch, khẳng định: "Chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn…"1 Hội nghị quyết định "toàn quân, toàn dân ở cả hai miền mở cuộc tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn…. giải phóng hoàn toàn miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước" 2 . Hội nghị dự kiến sẽ tiến hành kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Tháng 7-1974, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Trước đó (tháng 4-1973), Bộ Tổng tham mưu đã thành lập Tổ Trung tâm chuyên xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Một trong những nội dung nghiên cứu khó khăn nhất, hóc búa nhất, đau đầu nhất là chọn hướng tấn công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy.
Xe tăng quân giải phóng tiến công Buôn Ma Thuột, ngày 10-3-1975 (Ảnh TTXVN)
Bản dự thảo lần thứ 8 về kế hoạch tổng tiến công được trình cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975. Bản dự thảo nêu 3 phương án, Hội nghị này đã lựa chọn phương án I: "Tổng tiến công chiến lược. Hướng chủ yếu là Tây Nguyên. Hướng tiến công chủ yếu và nổi dậy là "miền Đông và Sài Gòn". Hội nghị còn dự kiến: "Nếu tạo được thời cơ vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975".
Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, vấn đề trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên, tại Hội nghị này, ý định tiến công Buôn Ma Thuột hình thành rõ rệt và Chiến dịch Tây Nguyên chính thức được quyết định mở với mật danh "Chiến dịch 275".
Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng với cả ta và địch. Tây Nguyên có thế rất cao so với các khu vực tiếp giáp với nó, từ đây có thể khống chế toàn bộ các khu vực xung quanh - đây là một thế đứng vô cùng lợi hại. Tây Nguyên được xem là "mái nhà" của Đông Dương. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi phát hiện ra Tây Nguyên, người Pháp đã đánh giá "Ai làm chủ Tây Nguyên, sẽ làm chủ Đông Dương!".
Ngay từ khi xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ đã dồn sức tập trung xây dựng Tây Nguyên thành một hệ thống căn cứ chiến lược liên hoàn hòng đè bẹp phong trào cách mạng 3 nước Đông Dương. Sở chỉ huy Quân khu 2 (trong đó có Quân đoàn 2) Quân đội Việt Nam Cộng hòa đặt tại thị xã Plây Ku. Trong chiến tranh cục bộ, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ đã bố trí Sư đoàn 1 kỵ binh không vận Mỹ ở An Khê và Sư đoàn 4 bộ binh ở Hòn Rồng - Bàu Cạn thuộc tỉnh Gia Lai.
Tuy vậy, sau nhiều năm đọ sức quyết liệt với cuộc chiến tranh cách mạng của quân và dân ta, lực lượng địch ở miền Nam nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng đã bị sa sút và rơi vào thế bị động. Đặc biệt từ đầu năm 1974, khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn liên tục duy trì ở Tây Nguyên Sư đoàn 23 bộ binh, 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn xe tăng thiết giáp, 1 sư đoàn không quân, 9 tiểu đoàn pháo binh và hàng chục tiểu đoàn bảo an dân vệ (chiếm 2/3 lực lượng chủ lực cơ động của Quân khu 2), nhưng thế và lực của địch ở chiến trường đã bị suy yếu trầm trọng.
Trong khi đó, thế trận chiến tranh nhân dân của ta ở Tây Nguyên phát triển đồng đều và rộng khắp, lực lượng vũ trang ba thứ quân được tăng cường, các sư đoàn chủ lực được xây dựng, củng cố, mạnh hơn hẳn quân chủ lực địch và đã đứng chân vững chắc trên các địa bàn chiến lược quan trọng từ KonTum xuống Quảng Đức.
Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm trận then chốt, trận đánh mở đầu. Việc đánh Buôn Ma Thuột có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là một đòn hiểm, nhằm vào chỗ sơ hở, vào điểm yếu của địch. Đánh chiếm được Buôn Ma Thuột, ta sẽ tạo được đà để phát triển lực lượng xuống các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ hoặc thị xã PlâyKu.
Ngày 25-2-1975, đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tại chiến trường chính thức thông qua quyết tâm và kế hoạch tiến công thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam Việt Nam năm 1975.
Sự lựa chọn của ta làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ về chiến lược và chiến dịch.
2 giờ sáng ngày 10-3-1975, quân giải phóng nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tiến công chiến lược. Trước đó, trong công tác chuẩn bị chiến trường, bộ đội ta đã thực hiện rất thành công nghệ thuật nghi binh, làm địch lầm tưởng quân giải phóng sẽ tiến công Plâycu hoặc Kon Tum (Bắc Tây Nguyên), nhưng cuối cùng quân giải phóng lại bất ngờ tiến công Buôn Ma Thuột (Nam Tây Nguyên).
Quân Giải phóng đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Quân đội Việt Nam Cộng hòa
trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975 (Ảnh tư liệu)
10h30 ngày 11-3-1975, quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Các đợt phản kích của quân đội Việt Nam Cộng hòa đều bị thất bại. Plâyku, KonTum bị cô lập, địch phải rút chạy. Bộ đội ta truy kích, đến ngày 24-3-1975, toàn bộ lực lượng rút chạy bị tiêu diệt. Diễn biến trên toàn chiến trường phát triển rất nhanh, với quy mô tiến công của ta ngày càng lớn, tốc độ tiến công ngày càng cao.
Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, khi chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phát hiện sự suy sụp nhanh hơn dự kiến của quân đội Sài Gòn, đã xác định: với thắng lợi to lớn và rất nhanh chóng của chiến dịch Tây Nguyên và các chiến trường khác, cuộc tổng tiến công chiến lược thực tế đã bắt đầu. Với đà phát triển này, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, phương châm là "kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng".
Trải qua hơn 20 ngày (từ ngày 4-3 đến ngày 25-3-1975) tiến công địch trên 5 tỉnh Tây Nguyên, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Quảng Đức, Đắc Lắc.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam mở đầu bằng trận đánh táo bạo, bất ngờ vào thị xã Buôn Ma Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong tuyến phòng thủ Tây Nguyên của chính quyền Sài Gòn. Sự thất bại tại Tây Nguyên đã tạo nên một lỗ hỗng lớn trong tuyến phòng ngự của quân đội Việt Nam Cộng hòa, tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của chính quyền Sài Gòn. Việc chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu của mặt trận Tây Nguyên "đã đánh trúng huyệt quân thù".
Đây là kết quả của một sự tính toán, chính xác, khoa học, đánh vào nơi địch phòng thủ mỏng hơn nhưng lại là địa bàn xung yếu, đập vỡ Buôn Ma Thuột làm tan rã nhanh chóng toàn bộ Tây Nguyên, tạo ra thế chia cắt chiến lược khiến địch có những quyết định sai lầm về chiến lược, dẫn tới sụp đổ nhanh, sụp đổ hoàn toàn.
Chiến thắng to lớn, toàn diện trong chiến dịch Tây Nguyên không chỉ Khẳng định sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, của Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh chiến dịch, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhiều bài học quý báu về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và phương thức tác chiến. Chiến thắng Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 chẳng những tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng, thế trận giữa ta và địch, mà còn dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược, tạo ra bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta tới thắng lợi hoàn toàn.
Hạnh Trịnh
1 , 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 35, tr. 185.