Căn cứ địa bảo đảm cho sự an toàn của các cơ quan đầu não, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Chính vì thế, vấn đề xây dựng, bảo vệ căn cứ địa được đặt ra ngay từ khi thành lập Trung ương Cục miền Nam và thành công trong việc xây dựng căn cứ địa tại chỗ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Chiến khu Đ, địa bàn thành lập và hoạt động của Trung ương Cục miền Nam (1961-1962)
Trung ương Cục miền Nam có mật danh là R, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam lấy bí danh là Chín Nam hoặc Năm Trường. R là chữ viết tắt từ tiếng Pháp (Région), có nghĩa là Xứ, được đặt từ năm 1954, nhằm chỉ Xứ uỷ Nam Bộ. R còn được hiểu nôm na là Rừng, vì căn cứ Trung ương Cục miền Nam thường gắn với Rừng. Ra cứ R, tức là ra rừng, ra vùng chính quyền cách mạng kiểm soát. Các tài liệu của chính quyền Sài Gòn thường gọi tắt là Cục R.
Thời kỳ đầu, Trung ương Cục miền Nam được giao nhiệm vụ lãnh đạo toàn bộ chiến trường miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào (Trị Thiên, Liên Khu V, Khu VI và Nam Bộ). Do đó, TƯC chọn căn cứ khu A, bao gồm Chiến khu Đ mở rộng lên phía Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, đứng giữa Trung Bộ và Nam Bộ để xây dựng căn cứ.
Ngày 10/10/1961, lễ thành lập TƯC miền Nam được tổ chức long trọng tại đồi 300, Mã Đà, trung tâm của Chiến khu Đ (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
TƯC miền Nam lúc này gồm 10 đồng chí là uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương.
“Mã Đà sơn cước anh hùng tận” (đã đụng vào vách núi là không thể đi được), câu nói của người xưa nói lên cái gian khổ, hiểm nguy của vùng rừng thiêng nước độc đầu nguồn sông Đồng Nai, nay thành “Mã Đà sơn cước anh hùng tụ”, nơi tụ nghĩa xây dựng căn cứ địa của ba phái đoàn: Xứ uỷ Nam Bộ, Liên khu V và phái đoàn gồm 500 người do Thiếu tướng Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ miền Bắc vào. Chiến khu Đ trở thành địa bàn tập kết sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam theo đường mòn Trường Sơn xuống Nam Tây Nguyên. "Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất". Đó là điều kẻ thù khiếp sợ như một định mệnh. Nhưng càng dấn sâu vào càn quét, chúng càng vấp phải lưới thép chiến tranh nhân dân của an toàn khu đã giăng sẵn.
Ở Mã Đà, Chiến khu Đ, rừng núi hiểm trở, là địa bàn lý tưởng để xây dựng căn cứ, vì địch không thể đánh phá nổi. Nhưng khí hậu khắc nghiệt. Rắn, muỗi, vắt và bệnh sốt rét thường xuyên đe doạ tính mạng. Dân cư ở đây thưa thớt, đường tiếp tế lương thực, thực phẩm khá xa và khó đi, địch lại thường xuyên phong toả.
Sau gần một năm sống, chiến đấu ở Chiến khu Đ, trong tình hình quy mô và cường độ của cuộc chiến tranh ngày càng tăng cường từ hai phía, Chiến khu Đ không còn phù hợp cho việc xây dựng căn cứ lớn trong giai đoạn mới cho hàng nghìn người. TƯC quyết định đề đạt lên Bộ Chính trị, thu hẹp phạm vi lãnh đạo của TƯC về cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chuyển căn cứ về khu B, gồm Chiến khu Dương Minh Châu mở rộng.
Chiến khu Dương Minh Châu, địa bàn đứng chân chủ yếu của Trung ương Cục miền Nam (1962-1975)
Sau tết Nhâm Tý 1962, toàn bộ cơ quan Trung ương Cục miền Nam hành quân về đóng đại bản doanh ở khu rừng Chàng Riệc, thuộc Chiến khu Dương Minh Châu, huyện Tân Biên, Bắc Tây Ninh, giáp với biên giới Campuchia.
Nhà làm việc của đồng chí Phan Văn Đáng trong căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh
Vùng rừng núi Tây Ninh cũng như toàn bộ rừng núi miền Đông Nam Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng. Chiến khu Đ uy hiếp Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Chiến khu Dương Minh Châu uy hiếp từ phía Tây Bắc. Căn cứ TƯC ở Đông Nam Bộ hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà", "tiến có thế công, lui có thế thủ", thuận lợi cho việc di chuyển của ta, song lại hạn chế tối đa vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù.
TƯC đóng ở Chiến khu Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh, trung tâm của chiến trường B2 và Nam Đông Dương, thuận lợi cho việc lãnh đạo cả đấu tranh chính trị và quân sự, cả giao thông liên lạc và tiếp tế hậu cần. Địa bàn đấu tranh chính trị lớn nhất là "Thủ đô" của nguỵ quyền ở Sài Gòn-Gia Định. Đồng bằng sông Cửu Long là chiến trường trọng điểm đánh phá chính sách bình định của địch, kho người, kho của cung cấp cho kháng chiến. ở quá xa những địa bàn đó, ta có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội để đẩy mạnh cách mạng trong những giờ phút quyết định.
Từ Chiến khu Dương Minh Châu, TƯC có thể liên lạc với Chiến khu D, Tây Nguyên, và Chiến khu Đồng Tháp Mười (Trung Nam Bộ), Chiến khu U Minh (Tây Nam Bộ), tạo thành hệ thống căn cứ địa liên hoàn của cách mạng miền Nam. Do dựa vào biên giới Campuchia, căn cứ TƯC còn tạo nên tính cơ động phối hợp liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương.
Đánh giá vị trí, tác dụng của vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ, nơi TƯC xây dựng căn cứ địa, đồng chí Lê Duẩn đã viết: “Vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ nối liền với vùng rừng núi khu 6, hình thành một căn cứ chiến lược thường xuyên uy hiếp Sài Gòn. Từ căn cứ này, quân chủ lực ta sẽ tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây và trên chiến trường Nam Bộ. Như vậy miền rừng núi Đông Nam Bộ và Khu 6 đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như Khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp”1.
Tại Chiến khu Dương Minh Châu, ba đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của TƯC đã từng làm việc. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ năm 1961-1964. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Sáu Di), Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ năm 1964-1967. Đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường), Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ năm 1967-1976. Các đồng chí uỷ viên TƯC gồm có: Võ Chí Công (Võ Toàn), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Hoàng Văn Thái (Mười Khang), Trần Lương (Trần Nam Trung), Trần Văn Quang (Bảy Tiến), Phạm Thái Bường (Ba Bường) và Phạm Văn Xô (Hai Già), Nguyễn Đôn, Trương Chí Cương (Tư Thuận).
Căn cứ R còn là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam miền Nam. Nhiều đoàn khách và các nhà báo quốc tế như Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên, Pháp… đã được tiếp đón an toàn và chu đáo.
Lính Mỹ trong cuộc hành quân Junction City đánh vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháng 2/1967 (Ảnh: Tạp chí Life)
Thời gian đầu về Bắc Tây Ninh, việc bố trí tại chỗ đóng quân cho TƯC còn đơn giản. Việc bố phòng căn cứ chỉ đặt trọng tâm vào xây dựng hàng rào bảo vệ và tuần tra canh gác. Tháng 10/1962, sau 10 ngày chống trả cuộc hành quân Sao Mai của địch, TƯC thấy việc bố phòng căn cứ còn nhiều sơ hở nên đã họp rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp mới. Phòng bảo vệ từ một đại đội được tổ chức thành trung đoàn cảnh vệ thuộc Ban An ninh (năm 1966, thành lập Ban an toàn khu). Các đơn vị chủ lực Miền cùng với lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh liên tiếp tiêu diệt và bức rút 19 đồn bốt địch đóng xung quanh căn cứ. Vì vậy khu căn cứ không ngừng được mở rộng, trải từ huyện Lò Gò cực tây đến Lộc Ninh phía đông của tỉnh, bao gồm cả Chiến khu Dương Minh Châu và một phần các huyện Bến Cầu, Lò Gò, Gò Dầu, Tràng Bàng, chiếm 2/3 diện tích tỉnh Tây Ninh.
Các cơ quan trong căn cứ được bố trí lại thành vòng trong và vòng ngoài theo ba cụm chính. Từ giữa sông Vàm Cỏ Đông và quốc lộ 22 theo trục Đông-Tây, giữa trảng Tà Nốt và Đồi Thơ theo trục Bắc- Nam là nơi đóng các cơ quan, đơn vị thường xuyên đi về các địa phương như: Cục Hậu cần, Cục Chính trị, Ban Tuyên huấn, Ban An ninh...Từ giữa Quốc lộ 22 và lộ Cà Tum thuộc tổng hành dinh của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam, các đoàn thể chính trị. Bên kia lộ Cà Tum là khu vực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Miền.
Vòng ngoài bố trí một tiểu đoàn cơ động để đón tiếp, kiểm soát, đồng thời để cứu viện và chiến đấu phản công. Công tác chính trị, nắm diễn biến tư tưởng từng người được đảm bảo. Nguyên tắc sinh hoạt bí mật “ba không” (đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng) được quán triệt thường xuyên. Tại căn cứ không nuôi gà, nuôi chó để gây tiếng động. Sử dụng đèn ban đêm phải có chụp, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm để tránh khói, phòng máy bay địch. Sau đội hình hành quân luôn luôn có tiểu đội làm công tác nghi trang, xoá dấu vết, hoặc bắc ván làm cầu, qua cầu rút ván. ở một số trảng trống, cho chặt cây dài 5 mét vạt nhọn, trồng dày đặc để chống trực thăng đổ bộ hoặc biệt kích nhảy dù.
Vòng trong là những cơ quan đứng chân ổn định và cần giữ tuyệt đối bí mật. ở vành đai, các cây lớn bằng bắp chân được chặt khuyết 1/3 thân xong kéo xuống, lấy dây kẽm gai neo lại, bên dưới cài lựu đạn, tạo thành một hàng rào xanh bất khả xâm phạm. Tuyến trong đào công sự, giao thông hào, hầm chữ A để vận động chiến đấu, vận động ra khỏi khu vực, khi bị ném bom. Trung tâm căn cứ là nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cụ, nhà hành chính, hậu cần, hội trường được lợp bằng lá “Trung quân”- một loại lá rất khó cháy. Tất cả các nhà và hầm được nối với nhau qua 1.200 m giao thông hào. Nhiều hầm ngầm được xây dựng, lớn nhất là hầm Núi Đất có thể tổ chức được cuộc họp khoảng 500 người. Trong suốt cuộc chiến tranh, trong điều kiện bom đạn cùng những trận đánh chà đi, sát lại nhiều lần, chỉ duy nhất một lần ta tổ chức cơ quan đầu não di chuyển khỏi căn cứ trong trận càn quy mô Junction City. Nhưng một bộ phận bảo vệ căn cứ vẫn ở lại chiến đấu. Cuối cùng quân Mỹ cũng không lọt vào được khu trung tâm.
Ngoài căn cứ chính, ta còn xây dựng nhiều căn cứ dự bị để bảo đảm cơ quan đầu não làm việc trong mọi điều kiện. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xây dựng và bảo vệ trên cơ sở những kinh nghiệm của An toàn khu Trung ương ở Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đó là những nguyên tắc tuyệt đối bí mật, được các quân khu, tỉnh, huyện vận dụng để xây dựng và bảo vệ các cơ quan lãnh đạo địa phương.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh chỉ cách Sài Gòn trên dưới 100 km. Trong điều kiện vũ khí hiện đại của địch đã thu ngắn khoảng cách không gian, thì không có một khu căn cứ nào có thể nói là tuyệt đối an toàn. Nhưng quân và dân Tây Ninh "trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” đã bảo vệ tuyệt đối an toàn căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong suốt những năm 1962-1975. Thất bại của Chiến dịch Junction City, chiến dịch hành quân lớn nhất của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với 45.000 quân vào căn cứ Trung ương Cục đầu năm 1967 đã cho thấy rõ điều đó.
Lê An