Sau một thời gian phát triển ồ ạt, những yếu kém của phong trào hợp tác xã bắt đầu lộ diện. Từ giữa năm 1961, miền Bắc bước vào giai đoạn tiến hành các cuộc vận động củng cố hợp tác xã, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, toàn miền Bắc có 3,5 vạn hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 88% số hộ tham gia, riêng miền núi đã có 73% số hộ vào hợp tác xã. Số hợp tác xã bậc cao quy mô lớn tăng nhanh lên đến 12% với 7.122 hợp tác xã, 9.100 hợp tác xã quy mô thôn, 146 hợp tác xã quy mô xã, bình quân 400 hộ một hợp tác xã.
Với kết quả trên đây, Trung ương Đảng nhận định: "Chúng ta đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp bậc thấp, tạo ra sự biến đổi lớn lao trên miền Bắc, chế độ người bóc lột người bị xóa bỏ, chế độ lao động tập thể thay cho lối làm ăn cá thể, sản xuất nông nghiệp đi vào kế hoạch, các hợp tác xã bước đầu phát huy tính ưu việt của nó. Đời sống nông dân, nhất là bần nông, trung nông lớp dưới đã được cải thiện một bước. Những sự biến đổi lớn lao đó làm cho nền kinh tế quốc dân miền Bắc trở lên thuần nhất, gồm hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể (Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1961).
Đời sống thực tiễn ở nông thôn sau khi đi vào làm ăn tập thể bắt đầu bộc lộ những mặt yếu kém trong tổ chức sản xuất, trong các mặt quản lý hợp tác xã, sức sản xuất chậm phát triển, lại cộng thêm thời tiết năm 1960 bất thuận. Sản lượng lương thực năm 1960 so với 1959 giảm gần 1 triệu tấn, năng suất lúa giảm 200 kg mỗi ha. Lương thực bình quân đầu người giảm từ 330 kg năm 1959 xuống còn 261 kg năm 1960. Số xã viên xin ra hợp tác xã ngày càng tăng. Tại Phú xuyên, một đoàn 40 phụ nữ lên huyện phản đối hợp nhất hợp tác xã. Đầu năm 1961, có 48.33 hộ bần nông, trung nông xin ra hợp tác xã. Các địa phương có tỉ lệ hộ nông dân xin ra hợp tác xã nhiều là Bắc Ninh 5,64%, Hà Đông 3,5%, Phúc Yên 7%, Giao Thủy (Nam Định) 15%, Thủy Nguyên (Hải Phòng) 10% (Theo điều tra vụ Chiêm Xuân năm 1961 của Ban Công tác nông thôn Trung ương). Vụ chiêm năm 1961, mặc dù được mùa, nhưng nông dân vẫn tiếp tục xin ra hợp tác xã.
Trước những vấp váp, yếu kém của phong trào hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, tổ chức nhiều cuộc vận động lớn để khắc phục những nhược điểm của phong trào hợp tác hóa.
Nghị quyết số 13 Bộ Chính trị ngày 27/2/1961 Về phương hướng, nhiệm vụ hợp tác hóa năm 1961
Bộ Chính trị chỉ rõ: phong trào hợp tác hóa vừa được xây dựng bộc lộ những mặt yếu là sản xuất phát triển chậm, cải tiến kỹ thuật còn ở trình độ thấp, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, cán bộ quản lý rất yếu và thiếu. Tài liệu điều tra của Ban Công tác nông thôn năm 1960 ở 3.178 hợp tác xã cho thấy trình độ cán bộ hợp tác xã không biết chữ chiếm 3,4%, đọc viết được chiếm 7,6%, trình độ lớp 1 lớp 2 chiếm 39,7%, lớp 3 lớp 4 chiếm 43,9%, lớp 5 trở lên chiếm 5,15%. Nông dân không thực sự phấn khởi.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị nêu lên các công tác lớn củng cố hợp tác xã: mở rộng quy mô hợp tác xã, phát triển sản xuất, đưa một bộ phận cán bộ trong biên chế nhà nước về nông thôn dài hạn giúp cơ sở củng cố hợp tác xã.
Cảnh lao động tập thể của nông dân miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Hội nghị Trung ương 5 tháng 7 /961 bàn về hợp tác hóa phát triển sản xuất nông nghiệp và cuộc vận động hợp tác xã theo tiêu chuẩn “4 tốt”
Nhận định về nguyên nhân đạt được thắng lợi đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể "nhanh lành mạnh, nói chung là tốt" là do Đảng ta có uy tín lớn, có tổ chức rộng khắp trong nông thôn, nông dân lao động nước ta tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp địa chủ phong kiến đã bị đánh đổ, nhà nước nắm trong tay những then chốt kinh tế là chỗ dựa cho phong trào.
Mặt yếu của hợp tác hóa được Ban Chấp hành Trung ương phân tích là:
Về quan hệ sản xuất: quản lý yếu, trình độ cán bộ thấp, có nơi không biết điều hành, để sót ruộng, không xác định được phương hướng và kế hoạch sản xuất, cày sau cấy muộn, năng suất thu hoạch thấp. Quản lý lao động yếu, lãng phí ngày công. Quản lý tài vụ không minh bạch, tham ô, lãng phí xảy ra phổ biến, vốn tích lũy ít, có nơi đem vốn chia cho ngày công. Mất dân chủ, coi thường ý kiến xã viên, kết nạp xã viên gò ép, không cho xã viên ra hợp tác xã, phong tỏa người ra hợp tác xã, không trả ruộng, thậm chí có nơi trói người đòi ra hợp tác xã, gây căng thẳng ở nông thôn. Xã viên không có điều kiện kiểm tra công việc hợp tác xã, phân phối bình quân không khuyến khích tính tích cực của xã viên.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật: vốn hợp tác xã rất nghèo, bình quân 178 đồng trên 1 ha ruộng đất, ruộng đất rất ít, ba sào trên một người, độc canh, công cụ thô sơ (38% cày và 5% bừa cải tiến), 40 hộ mới có một con trâu, một trâu bò phải cày 1,5 hecta canh tác (Theo báo cáo của Ban Công tác nông thôn tại Hội nghị Trung ương 5 tháng 7 /1961). Đó là điểm xuất phát hết sức thấp kém về sức sản xuất khi chúng ta đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể.
Về đường lối chính sách: Nguyên tắc cùng có lợi bị vi phạm, đất 5% cho xã viên không được dành đầy đủ, công hữu hóa tràn lan, định giá thấp, gây phản ứng trong nông dân, làm thiệt hại sản xuất (chặt phá vườn cây, giết mổ, bán chạy trâu bò), phân phối lưu thông bất hợp lý, thị trường xơ cứng.
Từ những nhận định trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hànhTrung ương đề ra nhiều giải pháp củng cố hợp tác xã và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Về tổ chức hợp tác xã: củng cố hợp tác xã quy mô thôn ở đồng bằng, miền núi phạm vi một bản, đưa hợp tác xã lên bậc cao, quy mô lớn, phải bảo đảm các điều kiện có một hợp tác xã khá làm nòng cốt, quần chúng có yêu cầu, có cán bộ quản lý tốt. Việc kết nạp xã viên không được gò ép, mệnh lệnh.
Về quản lý hợp tác xã: phải xây dựng được kế hoạch sản xuất theo đúng kế hoạch nhà nước. Quản lý và sử dụng tốt lao động xã viên, tăng số lượng và giá trị ngày công. Chia hoa lợi công bằng, tài chính minh bạch. Bảo đảm quản lý tập trung thống nhất việc phân phối thực hiện chế độ sở hữu một cấp ở hợp tác xã, hợp tác xã khoán cho đội, đội khoán cho lao động.
Về mục tiêu phát triển sản xuất trong thời kỳ 1961-1965, Trung ương đề ra đưa hệ số sử dụng ruộng đất lên hai lần, năng suất lúa bình quân 24 tạ 1 ha. Đưa sản lượng lương thực từ 4,6 triệu tấn năm 1960 lên 9,5 triệu tấn năm 1965. Đưa diện tích cây công nghiệp lên 10%, phát triển1,8 triệu trâu bò, 8 triệu con lợn. Đưa mức sống xã viên lên ngang mức sống trung nông lớp trên. Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi (thực tế mục tiêu này không đạt được).
Trống giong cờ mở đưa máy cày về làng (Ảnh tư liệu)
Về lý luận hợp tác hóa, ở hội nghị này, Trung ương đã nêu rõ: "Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp nước ta là cải tạo toàn bộ phương thức sản xuất, biến nền sản xuất cá thể thành nền sản xuất tập thể quy mô lớn. Vì vậy, phải tập trung sức lao động và tư liệu sản xuất của bần nông và trung nông để xây dựng một phương thức sản xuất mới, có một tổ chức lao động mới sự phân công lao động mới... Chỉ việc tập trung tư liệu sản xuất lại tổ chức lao động tập thể đã có thể tạo ra một lực lượng sản xuất mới. Muốn cho việc tập trung sức lao động lại để thành một lực lượng sản xuất mới thì sức lao động phải đạt đến một số lượng nhất định để tạo ra sự phân công lao động mới, do đó, có sự nhảy vọt về lực lượng sản xuất. Vì vậy, vấn đề mở rộng quy mô là khâu chính trong việc củng cố hợp tác xã. Có thể so sánh việc mở rộng quy mô hợp tác xã hiện nay như giai đoạn công trường thủ công trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản (Lê Duẩn - Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa III).
Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, Trung ương phát động phong trào thi đua xây dựng hợp tác xã “4 tốt” trên toàn miền Bắc với các nội dung: Đoàn kết tốt, sản xuất tốt, tăng thu nhập xã viên, tích lũy xây dựng hợp tác xã tốt, làm tốt nghĩa vụ nhà nước.
Qua cuộc vận động này, phong trào hợp tác hóa trong hai năm 1961-1962 đạt được một số kết quả nhất định: đưa nhiều hợp tác xã lên bậc cao, quy mô của hợp tác xã tăng nhanh, công tác quản lý hợp tác xã có những tiến bộ nhất định, quản lý tài vụ được chấn chỉnh một bước, 89% số hợp tác xã đã quyết toán được thu chi, công tác đào tạo cán bộ được chú ý hơn (ở 18 tỉnh đã huấn luyện được 39.947 cán bộ các loại, bình quân 4 người một hợp tác xã). Các hợp tác xã đã khai hoang 16 vạn hecta, chăn nuôi tập thể được chú ý phát triển (9% hợp tác xã nuôi lợn, 10% hợp tác xã nuôi bò, 47% hợp tác xã nuôi cá). Tuy nhiên, sản xuất vẫn phát triển chậm, sản lượng lương thực vẫn dậm chân tại chỗ, thấp hơn nhiều so với mức đạt được năm 1959, số hộ nông dân ở trong hợp tác xã năm 1962 giảm 2% so với năm 1961.
Tình hình nông thôn lúc bấy giờ diễn ra hai trạng thái, một bên là quyết tâm củng cố hợp tác xã với khâu chính là mở rộng quy mô hợp tác xã nhằm tạo ra sức sản xuất mới, một bên là do dự, quần chúng không thực sự phấn khởi, các mặt quản lý yếu, đời sống nông dân giảm sút. Thực trạng đó tạo ra những phân vân, những quan điểm khác nhau về đánh giá phong trào hợp tác hóa.
Thái Trần