Nhiều chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh; Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hà Tĩnh: Nhiều chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Theo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong những năm qua, tất cả các lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được chỉ đạo và quản lý khá chặt chẽ, có sự phối hợp liên ngành, đảm bảo diễn ra văn minh, an toàn, lành mạnh.
Cụ thể, các lễ hội được tổ chức trang trọng, không có các tập tục gây phản cảm, bức xúc cho dư luận. Phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian truyền thống được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức các giải thể thao, văn hóa văn nghệ quần chúng rất sôi nổi gắn liền với hoạt động lễ hội. Các hoạt động này vừa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa tạo ra sự giao lưu, kết nối cộng đồng, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của địa phương cho nhân dân và du khách gần xa.
Các Ban quản lý lễ hội đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, hạn chế các hiện tượng như hành khất ăn xin, chèo kéo khách viết tấu sớ, làm lễ, kiểm soát khá tốt các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm, vàng mã…. Công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan tại các di tích diễn ra lễ hội được quan tâm, tạo ấn tượng tốt cho du khách.
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý di tích và lễ hội được tiến hành thường xuyên. Hàng năm, Sở VHTTDL thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Qua công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội từ năm 2015 đến 2019, Sở đã chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị, địa phương trong việc quy hoạch hàng quán, vệ sinh môi trường, kinh doanh hàng hóa…
Nhìn chung, việc bảo tồn phát huy giá trị di tích, di sản gắn với lễ hội tại Hà Tĩnh được thực hiện khá tốt. Hệ thống di tích, lễ hội đang ngày càng phát huy giá trị trong việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
Quảng Bình: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh
Nhằm nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Sở Văn hóa và Thể thao đã thống nhất Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, một số nội dung và giải pháp sẽ được thực hiện gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân ở khu dân cư thực hiện nội dung quy ước, hương ước của cộng đồng, các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng mô hình gắn kết các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản, xây dựng đô thị văn minh ở khu phố. Tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở cộng đồng dân cư (18/11) đảm bảo vui tươi, ý nghĩa, thiết thực; chú trọng các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao mang tính truyền thống, đặc sắc của các địa phương; biểu dương, tôn vinh các di sản văn hóa mang đậm tính đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương trên địa bàn tỉnh…
Quảng Trị: Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước
Sau 15 năm thực hiện, Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" đã nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Các nội dung về công tác gia đình đã được đưa vào các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Kinh tế hộ gia đình được đẩy mạnh, các gia đình được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn khác nhau phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo kết quả bền vững của chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.
Thông qua phong trào xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa, xây dựng "Hương ước làng, xã" những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được kế thừa, phát huy mạnh mẽ, các giá trị gia đình tiên tiến được xây dựng, các hủ tục lạc hậu dần dần được loại bỏ, tệ mê tín dị đoan được hạn chế và từng bước đẩy lùi. Các gia đình tích cực xây dựng tình làng nghĩa xóm gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; các gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… được biểu dương và kịp thời nhân rộng.
Những giá trị nhân văn mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội ngày càng được đề cao. Đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triền khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Luật bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…
Nguồn: Toquoc.vn