Hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết bài hát Cô gái mở đường của nhạc sỹ Xuân Giao với những câu hát “Đêm đã về khuya, sương rơi ướt áo. Tiếng hát em vẫn vọng núi rừng. Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng, em vẫn mở đường để xe tiến tới! Ơi biết bao cô gái đang ngày đêm vui mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường. Em đang bước tiếp chặng đường, theo những anh hùng Tổ quốc yêu thương, góp công cùng chiến thắng thù. Góp công cùng tiền phương cùng chiến thắng thù”. Bài hát nói về những cô gái thanh niên xung phong nói chung và 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc nói riêng. Ngày 24/7/1968, các em đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.
Khi nhận định về cuộc chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Quân và dân ta, nhất là lực lượng TNXP trên trận tuyến Ngã ba Đồng Lộc đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh hùng quyết tâm đánh thắng Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (...) góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để lại tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc trở thành một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác”.
Chiến thắng Đồng Lộc với sự hy sinh bi tráng của 10 cô gái thanh niên xuong phong đã để lại cho chúng ta những giá trị lịch sử và hiện thực to lớn.
Chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ Hà Tĩnh đối với mặt trận giao thông vận tải
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam muốn thắng lợi, phải xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trong đó, “Bảo đảm giao thông ở miền Bắc thường xuyên thông suốt trở thành nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn dân”. Từ năm 1965 đến năm 1968, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tri, quyết định, gửi nhiều bức điện cho các cấp khu, tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giao thông vận tải của miền Bắc, trong đó tập trung chỉ đạo công tác giao thông vận tải ở Khu IV. Từ đầu năm 1968, khi nhu cầu chi viện miền Nam tăng cao, Trung ương Đảng xác định giao thông vận tải trở thành công tác số một của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Quán triệt quan điểm của Đảng, tháng 3/1966, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ra Nghị quyết đặc biệt, thể hiện quyết tâm bảo đảm sự thông suốt con đường huyết mạch chi viện cho các chiến trường. Nghị quyết ghi rõ: “Bất kỳ tình huống nào xảy ra, dù phải trả giá với bất kỳ giá nào, kể cả phải hy sinh xương máu, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta cũng phải bảo đảm kế hoạch giao thông vận tải”. Tháng 6-1968, Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc, chi viện tiền tuyến là nhiệm vụ số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hà Tĩnh”.
Sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quán triệt, vận dụng của Đảng bộ Hà Tĩnh trong lãnh đạo, chỉ đạo là nguồn gốc thắng lợi của mặt trận giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu IV nói chung, địa bàn Hà Tĩnh nói riêng.
Ngã ba Đồng Lộc, nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa quân và dân ta với đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải
Tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ luôn tập trung ném bom, bắn phá hòng phá hủy hệ thống giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, gây tâm lý hoang mang, làm lung lay quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, sau đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại miền Nam, tuy buộc phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, song, đế quốc Mỹ lại thâm độc huy động cao độ phương tiện và hoả lực quyết liệt đánh phá dải đất dài và hẹp miền Trung, hòng chẹn ngang tuyến đường bộ chi viện cách mạng miền Nam và các chiến trường khác.
Nhận thấy tầm quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc, Mỹ tập trung liên tục đánh phá trọng điểm giao thông này. Ngã ba Đồng Lộc trở thành “tọa độ lửa”. Vùng đồi nhỏ hẹp, trong hơn 7 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10-1968), không quân Mỹ tập trung đánh vào khu vực này bằng tổng số lần đánh vào toàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm 1965, nhưng về số lượng bom đạn thì tăng gấp đôi, với 1.863 lần, thả gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20 mm. Bình quân một tháng, địch đánh phá 28 ngày, ngày cao nhất là 103 lần chiếc máy bay với trên 800 quả bom. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Chúng ta đang tập trung ném bom vào khu vực đó gần 3.000 lần chiếc trong tháng hai (1968) tăng lên 5.000 lần trong tháng ba, 7.000 lần trong tháng tư và bây giờ trong tháng năm thì đã trên dưới 10.000 lần chiếc trong một tháng”.
10 cô gái đang lấp hố bom ở ngã ba Đồng Lộc (ảnh được nhà báo Hoàng Văn Sắc chụp trước khi các cô hi sinh một tuần)
Đồng Lộc là nơi tập trung các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, với sự tham gia của lực lượng dân quân du kích và nhân dân các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc…Lúc cao điểm, nơi đây tập trung tới 16.000 người làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, các lực lượng bám trụ tại đây đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, kiên cường bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này. Tiêu biểu nhất là Tiểu đội thanh niên xung phong của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55 TNXP của Tỉnh. Tiểu đội đã kiên cường bám trụ liên tục trực chiến để kịp thời san lấp hố bom, sửa chữa đường, kịp thời thông xe ngay sau những đợt oanh kích của địch.
Ngã ba Đồng Lộc, trọng điểm của tuyến lửa miền Trung, là nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh với sự tàn bạo và sức huỷ diệt khủng khiếp bom đạn của kẻ thù. Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng sức chi viện bền bỉ và kiên cường của hậu phương miền Bắc, của hình ảnh người con gái Việt Nam hồn nhiên và quả cảm, của sức trẻ và oai hùng một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ.
Ngày 24/7/1968, trong lúc đang san lấp hố bom, 10 cô gái TNXP Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường đã bị bom Mỹ vùi lấp.
Sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái Đồng Lộc lại trở thành biểu tượng của Chiến thắng Đồng Lộc, đó là chiến thắng trước âm mưu nham hiểm, hành động điên cuồng, tàn bạo của kẻ thù. Nguồn sức mạnh từ miền Bắc, qua Đồng Lộc vẫn luôn mãnh liệt dồn vào miền Nam. Sự hi sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong càng củng cố ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Tượng đài 10 nữ Anh hùng liệt sỹ tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh Internet)
Ý nghĩa lịch sử, những bài học, kinh nghiệm cho hôm nay
Chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng; ý chí, trí tuệ, sự kiên cường, bền bỉ, hiên ngang của con người Việt Nam chiến thắng vũ khí tối tân của đế quốc Mỹ; biểu tượng của ý chí, quyết tâm vì hòa bình, độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Những chiến sỹ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Cuộc sống và chiến đấu của các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại những bài học, kinh nghiệm quí báu cho hôm nay.
Đó là bài học, kinh nghiệm về công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và nhân dân trên địa bàn. Đó là bài học, kinh nghiệm về phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, niềm tin tất thắng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Bài học về vun đắp tình đồng chí, đồng đội trong bối cảnh chiến tranh ác liệt. Những người lính của các quân binh chủng, những đội viên thanh niên xung phong, lực lượng công an, lực lượng bảo đảm giao thông của Bộ Giao thông vận tải, nhân dân địa phương đã đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày và trong chiến đấu. Bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo, về động viên, huy động sức dân thực hiện và hoàn thành cho được nhiệm vụ đã đề ra. Chiến thắng Đồng Lộc là một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh của lòng dân, của chân lý dân là gốc.
Phát huy giá trị di sản Ngã ba Đồng Lộc
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn tự hào, vinh dự là địa phương lưu giữ, bảo tồn di tích Ngã ba Đồng Lộc, góp phần quan trọng để tiếp tục lan tỏa giá trị, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Đồng Lộc.
Tháng 7/2009, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ khởi công tượng đài 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc và hoàn thành hơn 1 năm sau đó. Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc năm 2018, nhiều hạng mục công trình của khu di tích cũng đã được tôn tạo và xây dựng. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của đất nước, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, quảng bá cho khu di tích còn thấp; việc khai thác các tiềm năng về nhiều mặt của di tích còn hạn chế, cần phải được khắc phục để phát huy hơn nữa ý nghĩa, giá trị của Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, cũng là thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay với các chiến sỹ đã hy sinh thân mình vì độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Phát huy tinh thần và ý chí của chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, Đảng bộ và nhân dân địa phương đã không ngừng bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây không chỉ là điểm đến của tâm linh, của tri ân, mà còn là nơi tham quan, du lịch, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bình Nguyễn
Nguyễn Văn Ân