Sin Suối Hồ là một bản của người Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Bản nằm cheo leo trên đỉnh Sơn Bạc Mây cao gần 1.500m so với mực nước biển. Trong sự biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, người dân Sin Suối Hồ đã có nhiều cách thức mới để củng cố tính cộng đồng của bản.
Bản Sin Suối Hồ nằm cheo leo trên đỉnh Sơn Bạc Mây cao gần 1.500m. Ảnh: laichau.gov.vn
Cùng nhau phát triển kinh tế
Trước đây, người dân Sin Suối Hồ chỉ sống bằng nghề nương rẫy nên thu nhập thấp. Từ năm 2010, người dân trong bản đã nghĩ đến làm du lịch cộng đồng. Những gia đình có điều kiện thì đầu tư sửa nhà để mở dịch vụ homestay. Họ cùng các gia đình khác cử người đi học tiếng Anh, dịch vụ buồng/phòng, lái xe, hướng dẫn du lịch, nấu ăn (món Âu, Á...), tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách... Hiện nay, bản có 20 hộ làm dịch vụ homestay, 6 hộ gia đình làm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Các gia đình khác không trực tiếp tham gia vào làm du lịch cộng đồng thì trồng rau, củ, nuôi lợn, gà, cá, làm bánh phở... cung cấp cho các gia đình và hợp tác xã làm du lịch.
Năm 2011, trưởng bản Vàng A Chỉnh và một số người thấy lan rừng đẹp thì mang về trồng để làm đẹp cho ngôi nhà và cảnh quan của bản. Sau khi bán được lan cho du khách, trưởng bản đã bày cho người dân trong bản cùng trồng để tăng thu nhập. Đến nay, 135 hộ dân trong bản đều có địa lan với hơn 36.000 chậu. Cùng với việc trồng 20.000 cây hoa đào, 15.000 cây táo mèo từ đầu đến cuối bản đã tạo nên một không gian rất thơ mộng cho bản Sin Suối Hồ, góp phần thu hút khách du lịch đến với bản.
Việc tổ chức các hoạt động kinh tế mới rất được chính quyền địa phương ủng hộ. Họ đã hỗ trợ người dân làm 5km đường dẫn vào bản và 4km đường nội bản. Bộ đội biên phòng cũng hướng dẫn bà con tổ chức dịch vụ tốt hơn và đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Sin Suối Hồ là điểm du lịch thân thiện đối với du khách. Ảnh: laichau.gov.vn
Cùng tham gia vào các hoạt động kinh tế mới, người dân trong bản cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả và những thành quả thu được. Điều đó đã góp phần quan trọng gắn kết các thành viên trong cộng đồng.
Xây dựng chợ
Bản Sin Suối Hồ vốn không có chợ. Người dân phải đi chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) hoặc ngược về chợ trung tâm ở xã Mường So (huyện Phong Thổ) cách bản 20-30km. Trước kia, đường đi khó khăn, người dân phải mất một ngày mới đi được đến chợ. Năm 2014, người dân Sin Suối Hồ lập chợ tại bản. Để lập được chợ, trưởng bản đã hiến gần 1.000m2 đất của gia đình. Các hộ trong bản cùng nhau san đất, kê đá, đóng cọc, trồng cây, dựng gian hàng... Chợ họp thành phiên vào thứ 7 hàng tuần. Chợ là nơi để người trong và ngoài bản đến mua bán và phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, chợ phiên nơi đây không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi người dân thể hiện các giá trị văn hóa đặc sắc. Ngay đầu chợ có một sân khấu nhỏ để người dân trong bản biểu diễn các tiết mục văn nghệ, trình diễn và để du khách trải nghiệm cách làm bánh dầy, in sáp ong... Trong chợ có nhiều nông sản do người dân tự nuôi trồng hoặc thu hái từ rừng, rất nhiều hàng thổ cẩm do bàn tay khéo léo của người dân làm ra như khăn, quần áo, hoa tai... đều mang hoa văn đặc trưng của người Mông hoa. Người dân đến chợ (mua hoặc bán) thường mặc trang phục truyền thống.
Chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: laichau.gov.vn
Có thể nói, mở chợ là công sức của tất cả người dân trong bản. Chợ cũng chính là không gian để người dân thể hiện văn hóa đặc sắc của mình. Họ thể hiện văn hóa truyền thống trong một tâm thức đầy tự hào, gần gũi và mộc mạc.
Quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của tất cả người dân
Phát triển loại hình kinh tế mới, đời sống được nâng lên rất nhiều, các gia đình đều có thiết bị kết nối mạng thông tin toàn cầu, người dân lại tiếp xúc với những nét văn hóa khác nhau do du khách mang tới nên có rất nhiều cái mới, lạ tác động đến cuộc sống của họ. Điều đó cũng gây nên những xáo trộn về tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng và hành động của người Mông bản Sin Suối Hồ.
Để tránh những điều không mong muốn xảy ra, trong bất kỳ việc gì, người dân đều được tham gia tìm hiểu, bàn bạc, khi thống nhất ý kiến thì mới triển khai thực hiện. Chính điều đó đã khiến mọi người dân trong bản đều thấy mình được làm chủ, và cũng làm tăng tính trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Những việc mới có ích cho cộng đồng đều được mọi người tự nguyện, vui vẻ thực hiện.
Tại không gian sinh hoạt chung của cộng đồng, bên ngoài ngôi nhà chính có nhiều bàn ở xung quanh. Mỗi bàn này đều được gắn biển đề những nội dung cơ bản như: tìm hiểu về vệ sinh môi trường, làm kinh tế, chuyện gia đình, không muốn sống... Người dân khi muốn tìm hiểu hoặc bày tỏ chuyện gì thì đến ngồi vào chiếc bàn tương ứng. Hoặc bất kỳ người trong bản nhận thấy người khác có chuyện buồn, chuyện cần được làm sáng tỏ đều đưa đến ngồi vào bàn phù hợp. Khi có người đến, những người có trách nhiệm, có uy tín, có học thức trong bản sẽ đến chia sẻ những điều người dân cần.
Các tiết mục văn nghệ do chính người dân trong bản biểu diễn và mô phỏng lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Ảnh: laichau.gov.vn
Với những cách thức mới này, người dân thêm cởi mở, chân thành, thân thiện và gắn bó với bản của mình. Điều đó đã tạo nên một sức mạnh to lớn để biến một bản nghèo, nhiều người nghiện thuốc phiện thành một bản sạch đẹp với 5 không “không rác, không hút thuốc phiện, không hút thuốc lá/thuốc lào, không uống rượu, không cờ bạc”. Sin Suối Hồ không còn là bản nơi xa xôi hẻo lánh nữa mà đã trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thanh Bình