Những năm gần đây, để tạo nên điểm nhấn, thương hiệu cho xứ Quảng, tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư xây dựng các lễ hội hiện đại nhằm phát triển ngành du lịch, thu hút và phục vụ khách du lịch. Quảng Nam xác định xây dựng thương hiệu địa phương theo hướng văn hóa, sinh thái, du lịch nên việc tổ chức và duy trì các hoạt động lễ hội như một sản phẩm văn hóa riêng biệt chính là mục tiêu, nhằm thu hút khách tham quan, qua đó đánh thức các giá trị văn hóa phi vật thể để xây dựng trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù. Mùa lễ hội cũng là mùa du lịch tạo nên hình thức du lịch lễ hội được thể hiện qua các sắc thái văn hoá các địa phương, vùng miền phong phú đặc sắc.
Đèn lồng rực rỡ sắc màu ở Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Internet
Qua quá trình giao lưu văn hóa, những lớp văn hóa trong lễ hội ở Quảng Nam có sự truyền tải, dung nạp, hiện hữu, thể hiện bản sắc riêng cộng đồng sáng tạo ra nó, và cũng có những nét mới được bổ sung trong lễ hội.
Lễ hội đêm rằm phố cổ là ý tưởng độc đáo với mục đích phục dựng nguyên bản đời sống của người dân những năm đầu thế kỷ XX, với các hoạt động văn hóa đa dạng, đầy màu sắc như hát bội, cờ làng, thư pháp, trò chơi bài chòi, bịt mắt đập niêu, cờ tướng…. Năm 1998, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) bắt đầu tổ chức lễ hội đêm rằm hằng tháng, sự kiện văn hóa này đã trở thành hoạt động đặc sắc mang tính thương hiệu và góp phần khơi dậy tinh thần gìn giữ, phát huy văn hóa địa phương trong lòng mỗi người dân phố Hội.
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022 (1) được xem như điểm đáng kể nhất, là nơi hội tụ các sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh; nơi các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, các chủ thể sản phẩm nghề được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu; là dịp để Nhà nước và xã hội tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân, thợ giỏi, họ là những người luôn giữ lửa và phát triển nghề truyền thống của các địa phương.
Lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa” thành phố Tam Kỳ là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động với chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”. Cách làm của Quảng Nam là gắn kết lễ hội hiện đại với việc tái hiện không gian làng quê với những ngôi nhà tranh xưa, trưng bày nông cụ, sản phẩm làng nghề đặc trưng, các hiện vật từ xưa đến nay phản ánh quá trình hình thành và phát triển của làng quê; trình diễn các nghề truyền thống và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp.
Lễ hội sâm Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), gắn với loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân (2). Bình quân mỗi mùa lễ hội, địa phương và người dân thu được khoảng 10 tỷ đồng. Xoay quanh chủ đề sâm, một khi nâng tầm được lễ hội, miền đất hứa Nam Trà My còn sở hữu rất nhiều sản phẩm, giá trị riêng biệt đủ sức hấp dẫn du khách như: chinh phục đỉnh Ngọc Linh, khám phá công viên dây leo cổ đại, thăm làng tỷ phú vùng sâm, trải nghiệm bảo tàng sâm…
Lễ hội mùa hoa ngô đồng Cù Lao Chàm xã đảo Tân Hiệp (Hội An) tổ chức vào ngày 22 và 23 tháng 7 năm 2022 khi tiếp nối thành công của các sự kiện thuộc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Festival “Cù Lao Chàm - mùa hoa ngô đồng đỏ” là điểm nhấn để tiếp tục kích cầu du lịch biển đảo (3).
Lễ hội trái măng cụt (huyện Tiên Phước) với nhiều hoạt động đặc sắc liên quan đến loài trái cây này. Là hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, hướng đến đưa Tiên Phước là điểm đến du lịch xanh; là cơ hội kết nối nhà nông, doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế nhằm phát triển kinh tế du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư. Tổ chức Lễ hội Măng Cụt huyện Tiên Phước đã khẳng định những tiềm năng, thế mạnh của vùng trung du Tiên Phước; quảng bá, giới thiệu và làm thăng hoa giá trị sản phẩm trái cây Măng cụt cũng như những cây trái đặc sản của vùng trung du Tiên Phước. Tạo sân chơi qui mô trên lĩnh vực nông nghiệp; là cơ hội để các nhà nông giao lưu, chia sẻ, trao đổi, kinh nghiệm, những kế hoạch, những ý tưởng và trình diễn những sản phẩm do chính mình tạo ra.
Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản gắn với lịch sử 400 năm trước, khi các thương nhân Nhật Bản đến giao thương với vùng phố Hội (4). Chính vì vậy vào tháng 11 năm 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe (thời điểm năm 2017), Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An được khai trương, góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức, địa phương của Nhật Bản nói riêng, giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản nói chung. Từ đó đến nay, Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được duy trì và phát huy với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm.
Lễ hội chào đón năm mới dương lịch với điểm nhấn là tất cả hoạt động đều được diễn ra trong không gian phố cổ dưới hình thức lễ hội đường phố thông qua nhiều tiết mục hấp dẫn pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, nhằm kết nối người dân, du khách và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hội An lại với nhau.
Lễ hội làng lụa gắn với không gian văn hóa tơ lụa trên dòng sông lụa Quảng Nam, từ làng lụa Hội An, làng lụa Mã Châu, đi trên sông Thu Bồn nơi hai ven bờ đang trồng dâu, du khách được tham quan nhiều điểm trồng dâu, ươm tơ... Quảng Nam là vùng đất được “trời phú” cho những bãi bồi màu mỡ, người dân có kinh nghiệm trong trồng dâu nuôi tằm. Việc Quảng Nam tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa và thổ cẩm được xem là hoạt động hợp tác quốc tế khởi đầu cho hành trình khôi phục sản xuất dâu tằm tại Quảng Nam.
Lễ hội ánh sáng đặc sắc với kỹ thuật công nghệ trình chiếu 3D tại chùa Cầu tái hiện hình ảnh về sinh hoạt, giao thương, tiếp biến văn hóa tại Hội An qua các thời kỳ. Đây là cơ hội để người xem hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển lâu đời của Hội An (5).
Lễ hội hiện đại đã thực sự trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo du khách. Quảng Nam duy trì tổ chức thường xuyên với quy mô ngày càng chuyên nghiệp, vượt ra khỏi tầm của một địa phương. Việc định hình lễ hội du lịch gắn với tài nguyên nổi trội, đặc trưng tại Quảng Nam vừa giúp tăng sức hút cho điểm đến vừa tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương, đồng thời mở lối để quảng bá nhiều sản phẩm độc đáo được hình thành từ tài nguyên bản địa. Những lễ hội dù ở quy mô nhỏ hay lớn được duy trì, tổ chức thường niên vừa tăng thêm tần suất sự kiện du lịch và cũng sẽ góp phần vun đắp, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc xứ Quảng.
-------------------
Chú thích:
1. Festival mỗi ngày đã thu hút khoảng 10.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến tìm kiếm đối tác để liên doanh liên kết, tham quan, mua sắm, tìm hiểu nghề truyền thống... Doanh số bán hàng của các đơn vị tham gia Festival ước đạt trên 5 tỷ đồng.
2. Lễ hội này nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý, hiếm của Việt Nam. Qua đó, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung…
3. Những năm gần đây, Cù Lao Chàm hay được ví là “hòn đảo hoa ngô đồng”. Cây ngô đồng cũng gắn liền với đời sống người dân địa phương với nghề làm võng ngô đồng. Bên cạnh đó, cây ngô đồng còn có nhiều hữu dụng trong đời sống hàng ngày, hạt và vỏ là nguyên liệu để làm nhiều sản phẩm thân thiện như dầu ngô đồng, kem chống nắng, thực phẩm, túi xách… Khi hoa ngô đồng đã dần trở thành biểu tượng về vẻ đẹp của Cù Lao Chàm, việc hình thành một lễ hội gắn với loài cây này là nỗ lực để quảng bá giá trị cảnh quan biển đảo, đa dạng sinh học gắn với nền văn hóa bản địa đặc sắc cùng lối sống bền vững của người dân Cù Lao Chàm đến du khách.
4. Vào thế kỷ thứ XVII, người Nhật đã được các chúa Nguyễn cho phép lập một khu cư trú ở Hội An mà theo tài liệu của Nhật Bản ghi là Nhật Bản đinh (chữ đinh theo tiếng Nhật nghĩa là phố xá). Khu cư trú Nhật kiều ở Hội An với vai trò là một điểm trung chuyển mậu dịch ra đời do sự nỗ lực hợp tác của chính quyền hai nước.Cũng từ đây, sự giao lưu văn hoá Nhật Bản - Việt Nam được bắt đầu. Phố Nhật đã từng được hình thành và góp phần thúc đẩy cuộc sống, kinh tế, xã hội của người dân Hội An.
5. Ngoài Chùa Cầu, thành phố Hội An còn bố trí 6 địa điểm di tích trình chiếu ánh sáng như cầu An Hội, sông Hoài, công viên Kazik, điểm dừng chân số 2 Bạch Đằng và một đoạn phố trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tại mỗi địa điểm, hệ thống ánh sáng và đèn sẽ trình chiếu một hình tượng riêng trong nhóm Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Biểu tượng linh vật Long – Phụng sẽ được trưng tại công viên Kazik; Linh vật Lân trưng tại cầu An Hội; biểu tượng Quy được trình chiếu trước nhà số 31 Nguyễn Thái Học…Trung bình mỗi ngày có từ 10.000 đến 15.000 lượt du khách tìm đến với phố cổ. Các khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực nội đô thành phố và khu phố cổ cũng luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất phòng…
Trường Sơn