75 năm đã qua, thế giới và Việt Nam đã có nhiều đổi thay, nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực của cuộc Cách mạng tháng Tám vẫn đang hiện hữu
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định “Đối với nước ta, thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn, thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại”. Một trong những thành lập đó là “thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Cách mạng tháng Tám 1945 kết thúc thắng lợi quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam chống xâm lược và ách thống trị của chủ nghĩa tư bản Pháp và phát xít Nhật kéo dài hơn tám mươi năm. Trải qua nhiều thế hệ vừa đấu tranh, vừa tìm tòi, thể nghiệm nhiều con đường cứu nước, nhân dân Việt Nam mới đi tới con đường giải phóng dân tộc do Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập. Con đường đó đáp ứng những yêu cầu đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lấy chủ quyền dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân, đưa đất nước phát triển theo hướng đi của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên quy mô toàn thế giới được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
Bão táp Cách mạng tháng Tám, hiện thân sức mạnh quật khởi của toàn dân thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chí Minh: mang sức ta mà tự giải phóng cho ta, diễn ra dồn dập từ những cuộc khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, dâng cao thành đỉnh điểm tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, rồi lan toả nhanh chóng từ Bắc vào Nam, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất đất nước, thành lập Nhà nước Cộng hoà dân chủ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát lớn Hà Nội
(Ảnh Tư liệu/TTXVN)
Cách mạng tháng Tám trút bỏ ách nô lệ và đưa nhân dân Việt Nam lên vị trí của những người làm chủ đất nước, giải phóng và nâng cao năng lực, ý chí của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cứu nòi giống Việt Nam khỏi hiểm hoạ suy kiệt, tàn lụi vì sự tước đoạt đến xương tuỷ và chính sách đầu độc, ngu dân kết hợp với hành động đàn áp, khủng bố man rợ của thực dân, phát xít Pháp, Nhật. Những giá trị văn hoá cao đẹp, giàu bản sắc sáng tạo, độc đáo của dân tộc được khôi phục, bảo vệ và phát triển.
Về ý nghĩa dân tộc và quốc tế của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
"Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".
Cách mạng Tháng Tám khẳng định xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới bằng sức mạnh được nhân lên gấp bội. Dân tộc được giải phóng cũng là khởi điểm của những cuộc giải phóng lực lượng sản xuất, xoá bỏ mọi trở lực của phương thức bóc lột thực dân, phong kiến, khai thác những tiềm năng to lớn của đất nước và con người; phát triển dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền văn hoá dân tộc, tiên tiến; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, bình đẳng, hữu nghị với các nước và các tổ chức quốc tế.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tạo nên sức bật mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn chồng chất và thử thách nghiêm trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng chế độ mới, ghi tiếp nhiều chiến công to lớn và thành tựu quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển của dân tộc.
Lý luận và phương pháp cách mạng giải phóng dân tộc mang đậm những giá trị độc lập tự chủ và sáng tạo trong Cách mạng tháng Tám là di sản vô cùng quý giá, vô cùng hữu ích cho Đảng ta và nhân dân ta thực hiện những chiến lược mới, mục tiêu mới trên con đường cách mạng đã lựa chọn.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành chính quyền, thành Đảng cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tạo lập Nhà nước cộng hoà dân chủ, thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội văn hoá, giáo dục; bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các dân tộc.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám khẳng định trên thực tế khả năng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, một tổ chức chính trị chiến đấu hy sinh trước hết vì lợi ích thiêng liêng nhất, thiết tha nhất của dân tộc là độc lập, tự do. Biết bao xương máu, trí tuệ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã làm nên một sự tích kỳ diệu của dân tộc Việt Nam trong những ngày cách mạng Tháng Tám 1945, một mốc son quan trọng trên con đường cách mạng do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định từ khi thành lập Đảng và những chặng đường sau đó chỉ là bước nối tiếp trên con đường phấn đấu giành độc lập, tự do đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám xác lập và nâng cao vị trí quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong, thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội. Cho đến năm 1945, lịch sử thế giới đã tôn vinh các cuộc cách mạng đánh dấu những bước ngoặt của tiến bộ xã hội và văn minh như cách mạng Anh (thế kỷ XVII), cách mạng Mỹ (thế kỷ XVIII) và cách mạng Pháp (thế kỷ XVIII) mở ra thời đại tư bản chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám là bước nối tiếp của cuộc cách mạng vĩ đại đó và mang nhiều nét độc đáo, sáng tạo của một dân tộc thuộc địa trong điều kiện thuận lợi do thắng lợi của phe Đồng Minh chống phát xít đưa lại, đã vùng dậy giành độc lập dân tộc, tự giải phóng khỏi gông cùm nô lệ của chế độ thực dân, sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến, phấn đấu cho những giá trị cao đẹp của nhân loại: tự do, độc lập, hoà bình, hữu nghị và phát triển.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám khiến loài người tiến bộ ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam kiên cường, sáng tạo làm nên một trong những kỳ tích ở thế kỷ XX và gắn liền với cuộc cách mạng đó là thắng lợi vẻ vang của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 30 năm để bảo vệ những thành quả của Cách mạng tháng Tám.
Cách mạng tháng Tám là một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã giành được thắng lợi, chặt đứt một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa kiểu cũ; cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do.
Cách mạng tháng Tám đập tan ách thống trị của chế độ thực dân và chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam độc lập, dân chủ, cộng hoà. Sự kiện đó nêu gương khích lệ, cổ vũ các dân tộc thuộc địa tự tin ở sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi xích xiềng nô lệ, mà hiện thực của phong trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai là minh chứng sống động.
Nhận xét của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson góp phần làm sáng tỏ ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám đối với sự tan rã của hệ thống thuộc địa "Cách mạng Việt Nam quan trọng và không chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh khác sau chiến tranh: đó là quá trình phi thực dân hoá. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất".
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng góp phần tăng cường sức mạnh của lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Lễ đài Độc Lập, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh Tư liệu/TTXVN)
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là minh chứng giàu sức thuyết phục về vai trò lãnh đạo của một Đảng Cộng sản, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để xác định đúng đường lối và phương pháp cách mạng, xây dựng đảng trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt do sự đàn áp, khủng bố dã man của kẻ thù. Đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, trong đó Đảng đặt vấn đề giải phóng dân tộc ở vị trí hàng đầu, tập hợp, đoàn kết và tổ chức mọi lực lượng dân tộc trong hàng ngũ đấu tranh lật đổ chế độ thực dân. Sức mạnh làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là sự kiểm nghiệm thành công con đường cách mạng giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là con đường cách mạng vô sản do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định với mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám đánh dấu thắng lợi đầu tiên của con đường đó và ghi nhận thành quả hiện thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần chủ động cách mạng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, về xây dựng lực lượng cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng giành chính quyền khi thời cơ xuất hiện.
75 năm đã qua, trong những ngày tháng 8 này, hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam càng cảm nhận rõ ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám. Khí thế hừng hực của những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám từ Bắc chí Nam như đang hiện hữu, nhắc chúng ta tri ân các lớp người đi trước đã làm nên thắng lợi vĩ đại, cuộc đổi đời của dân tộc Việt Nam. Mỗi chúng ta càng thấy được trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta tốn bao xương máu, hy sinh mới giành được và hơn hết chung tay xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiếp nối và phát huy giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám 1945.
PV