Về xây dựng lực lượng cách mạng
Để cách mạng có thể đi tới thành công, cần phải chuẩn bị các lực lượng cách mạng; tiến hành huấn luyện, tập dượt họ để phát triển thành các đội quân cách mạng sẵn sàng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Các lực lượng cách mạng cơ bản cần phải xây dựng là: lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng. Việc xây dựng các lực lượng trên phải được tiến hành đồng thời và phải luôn chú ý đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ, bổ sung trong một mặt trận chung, cùng thực hiện một mục tiêu chung.
+ Xây dựng lực lượng chính trị: Đảng xác định lực lượng chính trị quần chúng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Để xây dựng lực lượng chính trị quần chúng đông đảo, mạnh mẽ, cần có đội ngũ cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo để liên kết các phong trào đấu tranh. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã chú trọng xây dựng lực lượng chính trị. Đảng đã cử nhiều thanh niên ưu tú đi học tập, đào tạo tại các trường của Quốc tế Cộng sản để sau này về nước nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong các tổ chức cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, trang bị lý luận cách mạng tiên tiến cho quần chúng nhân dân.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, ngày 19/5/1941 Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập ngày, đến ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ Mặt trận. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh xác định giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chủ trương: “liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”1. Cùng với sự ra đời của Việt Minh là sự ra đời các đoàn thể cách mạng: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... Cao Bằng được chọn làm thí điểm cuộc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc và phát triển Mặt trận Việt Minh.
Bản Quân lệnh số 1 phát động toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa
+ Xây dựng lực lượng vũ trang: Để giành chính quyền cách mạng, Đảng chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và xác định đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia giành chính quyền, có vị trí vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của cách mạng. Từ thực tiễn tình hình đầu những năm 1930, lực lượng vũ trang phát triển còn nhỏ lẻ, chưa có tổ chức quy mô, Đảng đã từng bước thành lập, huấn luyện, phát triển các đội du kích. Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 đã ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Tháng 12/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập Đội vũ trang Cao Bằng. Đây là bước đầu quan trọng trong quá trình thúc đẩy việc xây dựng lực lượng quân sự, đồng thời xác định những nguyên tắc cơ bản để tiến tới thành lập lực lượng vũ trang tập trung, làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa. Khi phong trào cách mạng phát triển, với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị một lực lượng vũ trang quy mô tổ chức lớn đón thời cơ chuyển lên Tổng khởi nghĩa, Đảng gấp rút phát triển đội quân chủ lực, thống nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các đơn vị vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945). Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu bước phát triển về quy mô tổ chức của lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, gồm ba thứ quân cơ bản được hình thành. Đây là “thanh bảo kiếm sắc bén” được Đảng dày công xây dựng, là lực lượng cách mạng nòng cốt, xung kích đi đầu sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù khi tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
+ Xây dựng căn cứ địa cách mạng: Từ kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Đảng đã tổ chức xây dựng các căn cứ địa cách mạng để tập hợp, xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng, tiến hành huấn luyện lực lượng này để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Từ những năm 1941-1944, Trung ương Đảng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, bên cạnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, sau đó phát triển thành hai chiến khu: Cao - Bắc - Lạng và Thái - Tuyên - Hà (Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang). Đến cao trào kháng Nhật, cứu nước, cùng với việc hình thành hàng loạt căn cứ địa ở nhiều địa phương, đã hình thành các chiến khu: Trần Hưng Đạo (Đông Triều), Quang Trung (Hòa - Ninh - Thanh), Vĩnh Sơn - Núi Lớn (Quảng Ngãi). Đặc biệt, ngày 4/6/1945, Chiến khu Việt Bắc (Khu giải phóng), gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên được hình thành. Việt Bắc được xây dựng thành một căn cứ địa hoàn chỉnh, thực sự trở thành những nơi trọng yếu “Đại Bản doanh” chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.
Nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa ngày 25/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Dự báo thời cơ và kiên quyết chỉ đạo chớp thời cơ
Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (14/8/1945) đến khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật (05/9/1945). Cuộc Tổng khởi nghĩa nếu diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian này, thì cơ hội để giành độc lập dân tộc là rất ít. Vì nếu diễn ra trước ngày 15/8, lúc này quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 05/9, quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, lúc đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân đội Trung Hoa dân quốc ở miền Bắc, quân đội Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng chính trị phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/1945 đến trước ngày 05/9/1945. Khoảng thời gian đó chính là thời cơ “nghìn năm có một” đối với dân tộc ta.
Ngay khi nhận được tin Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh, chớp thời cơ “nghìn năm có một”, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến ngày 28/8/1945), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch dù được thực hiện bằng những thủ đoạn tinh vi, được đầu tư nhiều công sức, tốn nhiều thời gian và tiền bạc, song không bao giờ có thể thay thế hay “bẻ cong” được “sự thật” của lịch sử. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi hoàn toàn không phải là một “sự ăn may” như các thế lực thù địch hay rêu rao mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng vĩ đại đó là một biểu tượng của tinh thần quật cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đó là sự kết tinh và toả sáng của “sức mạnh nội lực Việt Nam” được kết hợp khéo léo với “sức mạnh thời đại”. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là minh chứng hùng hồn khẳng định, Đảng đã nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp.
Quang Minh
_____________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.465.