Cách đây 78 năm, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên Tổng khởi nghĩa, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến trở thành một nước độc lập, thống nhất, tự do, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành làm người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ có ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa mang tầm quốc tế. Đánh giá về thắng lợi này, nhiều sử gia nước ngoài đã nhận định “đó là một sự kiện đặc biệt ấn tượng”. Sự ấn tượng đó được thể hiện trên nhiều phương diện: sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương trong nắm bắt và chớp thời cơ; trong hình thái khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; trong hình thức tập hợp lực lượng,… và hơn hết là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc Việt Nam - điều mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”[1].
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tập trung tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (Ảnh tư liệu)
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thực tiễn cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của mỗi người dân Việt Nam đã được hình thành một cách tất yếu. Đó là cảm xúc, tình cảm tự nhiên của con người Việt Nam đối với quê hương, đất nước.
Thông qua sự kiểm nghiệm của lịch sử, tinh thần yêu nước trở thành truyền thống sâu đậm và chuyển hoá thành chủ nghĩa yêu nước, trở thành một hằng số bất biến trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam; là sức mạnh nội sinh chống lại giặc ngoại xâm, là bệ đỡ vững chắc, tạo thế để tiếp thu văn hoá nhân loại và là đạo lý trong quan hệ xã hội của nhân dân ta.
Vậy nên, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với một bản sắc rất riêng có - không chỉ yêu nước chung chung mà yêu nước gắn liền với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Ở thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước còn gắn liền với chủ nghĩa xã hội - trở thành mục tiêu kiên định: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thành phương châm định hướng hành động cho mỗi người dân Việt Nam.
Trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc ấy, dưới ách gông xiềng, nô lệ thực dân, phong kiến, nhân dân ta đã vùng lên tranh đấu, người trước ngã, người sau kế tiếp.
Phong trào yêu nước những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo dã diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại đó là do những người yêu nước nhiệt thành lúc đó không thấy được sức mạnh tiềm tàng của quần chúng nhân dân, do đó không tìm được con đường giải phóng dân tộc bằng chính sức mạnh nội sinh từ tinh thần yêu nước của dân tộc, mà muốn dựa vào “sự hào hiệp” của các nước bên ngoài dẫn đến thất bại; như Trần Dân Tiên đã viết trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “ Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo của sau”[2].
Trong cảnh đất nước “chìm ngập dưới mây đen bao phủ”, lòng yêu nước kết hợp với thương dân đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới. Người tiếp cận với chân lý của thời đại. Từ ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu một cách sáng tạo để rồi đưa chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam lên tầm cao mới: hướng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam theo quỹ đạo mới, chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chủ nghĩa yêu nước từ đây đặt trên lập trường của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Cứu nước từ đây gắn liền với cứu dân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chủ nghĩa yêu nước từ đây có bước chuyển biến về chất. Nó trở thành “điểm nút” vô cùng quan trọng để động viên và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Trong một Báo cáo mà Nguyễn Ái Quốc gửi cho Quốc tế Cộng sản về tình hình Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ năm 1924, Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước”, đồng thời là tiêu chí để xây dựng đường lối chiến lược của cách mạng mà vấn đề cốt lõi là xây dựng, tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của cả dân chúng, của toàn thể quốc dân đồng bào. Phải khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào, khối đoàn kết dân tộc, sĩ, nông, công, thương lấy công - nông làm gốc nhằm tạo nên sức mạnh dân tộc để chiến đấu và chiến thắng đế quốc thực dân”.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Đảng xác định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng chủ trương tập hợp lực lượng yêu nước của cả dân tộc. Sự đoàn kết rộng rãi đó vì mục tiêu chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập, tự do cho toàn thể nhân dân Việt Nam.
Sách lược còn bao gồm tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế trong sáng. Từ đây, yêu nước thực sự gắn liền với yêu dân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; chống đế quốc gắn liền với chống phong kiến; giành độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dưới ngọn cờ cách mạng đúng đắn của Đảng, một tinh thần Việt Nam trỗi dậy, làm bùng lên nhiều cao trào cách mạng trên cả nước: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh; tiếp đến là cao trào dân chủ rộng lớn và sôi nổi khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam trong những năm 1936 - 1939.
Ngay sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng khởi nghĩa đánh chiếm Phủ Khâm sai (Ảnh tư liệu)Đến tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, câu kết với thực dân Pháp đẩy nhân dân ta vào cảnh “một cổ hai tròng”. Quyền lợi của tất cả các giai cấp đều bị Nhật - Pháp tước đoạt.
Từ tinh thần chỉ đạo của các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, tháng 11/1940 và tháng 5/1941, ngọn cờ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm sau cũng không đòi lại được”[3].
Để phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần Việt Nam, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Mặt trận Việt Minh được xem là ngôi nhà chung của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo, đảng phái, hễ ai là người Việt Nam đều được tập hợp lại cùng chung một mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, phá mọi áp bức, gồng xiềng cho toàn dân.
Ngày 12/8/1945, ngay khi nhận được tin Nhật gửi công hàm cho Mỹ chấp nhận tuyên bố của Hội nghị Posdam, chấp nhận đầu hàng, Đảng nhận định “thời cơ nghìn năm có một” đã tới và quyết định phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền với một quyết tâm: “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Người nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[5].
Sức ta ở đây chính là chủ nghĩa yêu nước, là tinh thần dân tộc quật khởi, kiên cường của toàn dân tộc Việt Nam. Tất cả đã hoà quyện trong những ngày mùa Thu tháng Tám, tạo thành “con sóng lớn” cuốn phăng bè lũ cướp nước và bán nước.
Nhà sử học nổi tiếng người Pháp Charles Fournieau cho rằng: “Cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc; là cuộc cách mạng lớn, của toàn dân tộc Việt Nam, đứng lên giành độc lập dân tộc”[6].
78 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám vẫn nguyên giá trị. Đặt trong bối cảnh hiện nay, để khơi dậy, phát huy hơn nữa chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò của nó. Trong toàn bộ đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và nhận thức của mỗi người cán bộ, đảng viên và nhân dân là không bao giờ được xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Yêu nước hôm nay là nhằm “xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; xây dựng nhà nước ta thực sự của dân, do dân và vì dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; mỗi người cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đóng góp sức mình nhằm hiện thực hoá “khát vọng phát triển đất nước”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”[7].
Trong giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa yêu nước phải được phát huy sâu rộng hơn so với thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc: Không chỉ phát huy sức mạnh vật chất mà còn phải phát huy sức mạnh tinh thần; Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng đồng thời phát huy cả trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo của từng cá nhân; Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa phương hoá, đa dạng hoá vì mục tiêu hoà bình, độc lập và phát triển; Kết hợp với cuộc đấu tranh “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8].
Cao Hiệu
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38.
[2] Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.14-15.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113.
[4] Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.212.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.596.
[6] https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9/cach-mang-thang-tam-qua-con-mat-nguoi-nuoc-ngoai-259532
[7], [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.112, 156.