Cách mạng tháng Tám năm 1945 tạo ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học quý giá, trong đó có bài học về đại đoàn kết dân tộc
Đại đoàn kết - nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến đại đoàn kết dân tộc từ rất sớm. Ngay từ tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người đã nêu rõ vai trò của nhân dân trong cách mạng: “cách mệnh là việc chung của dân chúng, chứ không phải là việc của một hai người”.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, người chỉ rõ đối tượng rộng rãi và nòng cốt của khối đại đoàn kết: “Trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”1.
Bàn đến đại đoàn kết trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi”2.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Thật vậy, do vị trí địa lý và đặc điểm của nền kinh tế nước ta nên trong lịch sử dân tộc ta liên tục phải đương đầu với những thử thách cam go - chống ngoại xâm và chống thiên tai, làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, với cây lúa nước là cây trồng chủ yếu. Từ nhu cầu đó xuất hiện yêu cầu cố kết cộng đồng, trong mối quan hệ ba tầng nhà-làng-nước một cách chặt chẽ.
Truyền thống đại đoàn kết quý báu của dân tộc ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như một quy luật: Khi nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta được độc lập, tự do. Trái lại, khi nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”3 .
Các đội du kích từ chiến khu về Hà Nội, ngày 30/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Trước khi Đảng ra đời, với truyền thống yêu nước, nhân dân ta đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng chưa giành được thắng lợi. Một trong những nguyên nhân thất bại là chưa phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn tộc.
Khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng giai đoạn 1930-1945, đường lối, chủ trương đại đoàn kết đã được triển khai, kiểm nghiệm trong xây dựng lực lượng cách mạng và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh.
Đường lối đại đoàn kết được Đảng xác định ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Trong văn kiện quan trọng này, khi đề cập tới lực lượng cách mạng Đảng ta đã mở tới biên độ rộng nhất, với mẫu số chung là yêu nước. Khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân.
Chủ trương đại đoàn kết của Đảng còn được tiếp tục bổ sung, phát triển trong Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương tháng 10/1936 và đặc biệt là Hội nghị Trung ương tháng 5/1941.
Từ chủ trương của Đảng, để đoàn kết và tập hợp lực lượng, Đảng đã chỉ đạo thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất với các tên gọi khác nhau. Hội phản đế đồng minh (11/1930), Phản đế liên minh (3/1935), Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (10/1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (6/1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939), Mặt trận Việt Minh (5/1941).
Đại đoàn kết – cội nguồn thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945
Chủ trương đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám được Đảng ta quán triệt, chỉ đạo thực hiện trong Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945), rõ nhất là quyết định tổng khởi nghĩa – huy động sức mạnh của cả dân tộc.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết của Đảng và Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 triệu đồng bào Việt Nam đã vùng lên, lật đổ ách thống trị của Pháp, Nhật và chế độ phong kiến trong thời gian ngắn. Điều này được thể hiện rõ ở mấy điểm lớn sau đây:
Thứ nhất, lực lượng tham gia Cách mạng tháng Tám là toàn dân. Lực lượng cách mạng gồm 2 bộ phận: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong đó, lượng chính trị là chủ yếu và đấu tranh chính trị là cơ bản làm nên thắng lợi. Lực lượng chính trị bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, không phân biệt già - trẻ, gái - trai, giàu -nghèo, dân tộc, tôn giáo, đảng phái. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định rõ điều này: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” 4 và “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”5.
Quân Đồng Minh vào Hà Nội khi Cách mạng tháng Tám đã thành công (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, trong chủ trương của Đảng và quá trình chỉ đạo thực hiện, về mặt phương pháp, là khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Vì thế, từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa tất yếu phải huy động sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có kinh nghiệm: “Toàn dân nổi dậy trên nền tảng liên minh công – nông”. “Cách mạng tháng Tám thắng lợi là nhờ cuộc đấu tranh yêu nước anh hùng của hơn 20 triệu người Việt Nam. Nhưng cuộc nổi dậy của toàn dân chỉ có thể thực hiện được khi có đạo quân chủ lực là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đạo quân chủ lực này được xây dựng, củng cố qua ba cao trào cách mạng và lớn mạnh vượt bậc trong tổng khởi nghĩa. Dựa trên đạo quân chủ lực làm nền tảng, Đảng xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, động viên toàn dân tổng khởi nghĩa thắng lợi”6.
Giá trị bài học đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Trong tình hình mới, Đảng ta xác định phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải hết sức nỗ lực, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác giáo dục tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc phát huy cao nhất thế trận lòng dân để gần 100 triệu người dân Việt Nam là bấy nhiêu chiến sỹ.
Việc thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được phát huy. Nhờ vậy, toàn dân tiếp tục đoàn kết, sức mạnh của cả dân tộc được huy động tới mức tối đa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện hại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, tình trạng tham nhũng, mất dân chủ... xảy ra ở một số cơ quan, chi bộ, địa phương; tác động của mặt trái cơ chế thị trường (lối sống ích kỷ, thực dụng, quá coi trọng lợi ích vật chất...) và nguy hiểm hơn là âm mưu chia rẽ, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch bằng con bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc…nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc ta. Vì thế, tiếp tục phát huy bài học đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Để thực hiện thắng lợi bài học đại đoàn kết, thời gian tới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần làm tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, học tập về cội nguồn thắng lợi của bài học đại đoàn kết trong lịch sử dân tộc, trong đó có thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Tiếp tục thực hiện thật tốt đại đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm làm cho đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao.
Lãnh đạo đẩy mạnh công tác đối ngoại, theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, trên cơ sở đó, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại của Việt Nam với bè bạn khắp năm châu, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảy mươi tám năm qua, bài học đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng tháng Tám đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy cao độ, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, trong những năm tới, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy được sức mạnh đoàn kết vĩ đại của cả dân tộc, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trên con đường tiến lên: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Văn Minh
________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr 35.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.53.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 38.
4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 1,2.