Đó là những vấn đề được Thủ tướng nêu tại phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Và đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm.
Có thể nói rằng, tinh thần của bộ máy hành chính liêm chính và hành động đã được thể hiện rất rõ với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Như nhiều ý kiến người dân, DN nhận định, công tác cải cách hành chính (CCHC) của các cấp, các ngành ngày càng đạt kết quả tích cực, giúp “bớt phiền hà” hơn với nhiều thủ tục được rút gọn, được minh bạch hóa; hệ thống một cửa - một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến được triển khai.
Thực tế cho thấy, đây không phải là việc quá tốn nhiều tiền bạc, chỉ cần sự quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cán bộ công chức, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hoàn toàn “trong tầm tay”. Trong thời gian vừa qua, việc tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi, cắt giảm hàng loạt các quy định thủ tục đã giúp thay đổi tư duy của chính cán bộ, công chức thực thi. Đồng thời kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách, nhìn thẳng vào thực trạng về "những giấy phép con", "những cây đinh dưới tấm thảm đỏ" để đổi mới, tháo gỡ những điểm nghẽn…
Thống kê cho thấy, năm 2021, các Bộ, ngành đã ban hành gần 800 thông tư… cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh. Đây quả là con số không hề nhỏ, đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc cho người dân, DN và từ đó tạo ra những hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng thực tế, những việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại, một số lĩnh vực có tỷ lệ trễ hẹn cao… Ngay trong công tác phòng, chống dịch, cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu thông thoáng về thủ tục hành chính, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho người dân...
Như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm, trong các khâu đột phá về CCHC, phải quan tâm nhất là các thủ tục hành chính đối với người dân, DN, để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực để phát triển. Các bộ, ngành phải chung tay, các thủ tục hành chính phải thực hiện nhanh, phải suy nghĩ để cải thiện cách làm việc. Không nên chỉ ngồi "nói cải cách mà không làm gì", không phải là "nói xong để đó". Trong tư duy, trong đầu mà không cải cách thì không thể cải cách được. Tinh thần bám rất sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ.
Năm 2022 với chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương - Chủ động - Thích ứng - An toàn - Hiệu quả - Phục hồi - Phát triển”, công tác CCHC càng được quan tâm hơn, thực sự giảm phiền hà, sách nhiễu, làm cho bộ máy hành chính thực sự lấy việc phục vụ người dân, DN và nâng cao hiệu quả điều hành làm thước đo.
Khi các ngành, địa phương đã xác định rõ “trung tâm phục vụ” và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu ấy, nhiều TTHC nữa sẽ tiếp tục được rà soát, cắt giảm, chắc chắn sẽ tạo nên thêm những bước chuyển lớn. Đồng thời, không chỉ dừng ở cắt giảm cơ học về số lượng đúng quy trình, đi kèm với đó là sự đồng hành, thấu hiểu để tháo gỡ khó khăn, cùng người dân, DN vượt qua những khó khăn hiện tại, cùng khơi thông nhiều nguồn lực, CCHC phải "đã nói là làm". Chính điều này cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đối với các mục tiêu, định hướng phát triển chung./.
Theo Kinh tế và Đô thị