Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng tiếp tục thực hiện cải cách ruộng đất nhằm hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
Tính đến tháng 6 năm 1955 cải cách ruộng đất đã được tiến hành trong 735 xã bao gồm 1.608.294 nhân khẩu. Tuy nhiên một bộ phận nông dân miền Bắc vẫn còn bị địa chủ bóc lột và chưa thực sự làm chủ ruộng đất.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương căn bản hoàn thành cải cách ruộng đất trước tháng 7 năm 1956. 1/4 cán bộ trong biên chế Đảng và Nhà nước được huấn luyện bồi dưỡng tăng cường cho công tác cải cách ruộng đất. Một số điểm cần thiết trong chính sách ruộng đất được bổ sung cho phù hợp với tình hình mới được Quốc hội thông qua.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng cải cách ruộng đất quan hệ đến củng cố miền Bắc. Cải cách ruộng đất chẳng những đưa lại quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân mà còn tạo điều kiện cho công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng, củng cố cơ sở của Đảng và chính quyền ở nông thôn, củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
Tháng 12/1955, cải cách ruộng đất đợt 5 được triển khai ở 1.726 xã, có trên 6 triệu người trong 20 tỉnh và hai thành phố. Tháng 7/1956, cải cách ruộng đất đợt 5 kết thúc ở toàn bộ vùng đồng bằng trung du và 280 xã miền núi. Số xã còn lại ở miền núi tiến hành cuộc vận động hợp tác hóa kết hợp với cải cách dân chủ.
Cuộc vận động cải cách ruộng đất năm 1956 đã đạt kết quả: Chia một số ruộng đất cho nông dân 334.000 ha; Xóa bỏ hoàn toàn giai cấp địa chủ xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến ở miền Bắc; Nâng cao quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn.
Trong quá trình cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài.
Tháng 4/1956, Đảng phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và ban hành chỉ thị sửa chữa những sai lầm ấy.
Tuy nhiên, kết quả sửa chữa thời gian đầu rất hạn chế vì chưa có tổng kết, phân tích về sai lầm và chưa có phương hướng và biện pháp sửa chữa sai lầm một cách cụ thể.
Ngày 18/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cải cách ruộng đất là thắng lợi to lớn, nhưng đã mắc những khuyết điểm, sai lầm. Người viết: “Ai bị vạch sai lên thành phần địa chủ, phú nông cần phải vạch lại cho đúng.
Đảng viên cán bộ và nhân dân, ai đã bị xử trí sai thì cần phải khôi phục đảng tịch quyền lợi và danh dự cho họ.
Đối với địa chủ, thì phải đối xử theo đúng với 8 điều quy định, phải chiếu cố những địa chủ kháng chiến, ủng hộ cách mạng, và địa chủ có con là bộ đội cán bộ.
Những nơi đã nâng diện tích hoặc sản lượng quá mức cần phải điều chỉnh lại cho đúng.
Việc sửa chữa phải kiên quyết và có kế hoạch. Việc gì sửa được ngay thì phải làm ngay. Việc gì chưa sửa được ngay thì phải kết hợp trong kiểm tra lại mà làm.
Chúng ta cần phát huy những thắng lợi đã thu được, đồng thời chúng ta phải kiên quyết sửa chữa những sai lầm”[1].
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt một mốc quan trọng trong việc sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất.
Cắm thẻ nhận ruộng trong cải cách ruộng đất (Ảnh tư liệu)
Tháng 9/1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II đã thảo luận kỹ và kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị cho rằng: cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ phản phong kiến ở miền Bắc. Nông dân lao động đã thấy rõ: chính Đảng ta và chế độ ta đã đưa lại ruộng đất cho họ. Sức sản xuất to lớn ở nông thôn được giải phóng, quan hệ sản xuất ở nông thôn đang đổi mới, do đó sản xuất nông nghiệp bước đầu đẩy mạnh, đời sống nông dân bước đầu được cải thiện, mở đường cho công thương nghiệp phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế và văn hóa của nước nhà. Nhưng trong cuộc vận động này, chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trên một vấn đề có tính chất nguyên tắc.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1958 nói rõ thêm các sai lầm ấy như sau:
- Vi phạm đường lối giai cấp nông thôn, xâm phạm lợi ích trung nông, không liên hiệp phú nông, không phân biệt đối đãi với các loại địa chủ, không chiếu cố địa chủ kháng chiến.
- Cường điệu việc trấn áp phản cách mạng.
- Không dựa vào tổ chức cũ, không giao cho tổ chức Đảng địa phương lãnh đạo cải cách ruộng đất, mắc chủ nghĩa thành phần và khuynh hướng trừng phạt.
- Lạm dụng các biện pháp phát động quần chúng, nặng về đấu tố, nhẹ về giáo dục, phổ biến hóa cách làm “bắt rễ xâu chuỗi”, không kết hợp biện pháp hành chính với phát động quần chúng.
- Sai lầm nghiêm trọng nhất là trong việc chỉnh đốn tổ chức.
Nguồn gốc chủ yếu của sai lầm là không nắm vững những biến đổi ở nông thôn miền Bắc từ sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp[2], dập khuôn một cách máy móc kinh nghiệm nước ngoài.
Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng chủ trương kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.
Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng khẳng định: chúng ta không sợ vạch rõ sai lầm, khi đã thấy sai lầm thì chúng ta kiên quyết sửa chữa và nhất định sửa chữa được.
Hội nghị đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm như xóa bỏ các quyết định đối với những chi bộ bị giải tán sai; khôi phục đảng tịch, quyền lợi chính trị danh dự công tác và quyền công dân đối với đảng viên và nhân dân bị xử trí sai; sửa lại thành phần cho những người bị quy lầm là địa chủ, phú nông; bỏ lệnh quản chế những người bị quy oan là phản động; chấp hành nghiêm túc chính sách đối với quân nhân cách mạng, gia đình cách mạng, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc; lấy giáo dục làm chính đối với cán bộ phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất. Những đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm chính trong sai lầm cải cách ruộng đất đã tự phê bình và miễn nhiệm.
Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng ta, một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khácm có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi kịp thời đưa nông thôn miền Bắc tiến lên.
Đến cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đưa lại kết quả tốt, nông thôn dần dần ổn định, nội bộ Đảng đoàn kết, nhất trí, niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Năm 1957 là năm được mùa lớn, khối liên minh công - nông được củng cố, chính quyền nhân dân ổn định, sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, kết quả sửa sai làm cho cuộc cách mạng ruộng đất hoàn thành thắng lợi.
Năm 1994, Bộ Chính trị khóa VII kết luận về cải cách ruộng đất như sau:
“Căn cứ trên những kết quả đạt được và căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ thì việc tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất, xóa bỏ những tàn dư của chế độ phong kiến là cần thiết.
Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất, căn cứ tác hại rất nghiêm trọng của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương cải cách ruộng đất như đã làm là không cần thiết. Đó là vì trước khi tiến hành cải cách ruộng đất giai cấp địa chủ chế độ phong kiến đã căn bản bị xóa bỏ và mục tiêu người cày có ruộng đã căn bản được thực hiện với tỷ lệ hơn 2/3 ruộng đất đã về tay nông dân, với quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn đã được thực hiện từ Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp. Kinh nghiệm ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng cho thấy, mặc dầu vấn đề ruộng đất có những phức tạp nhưng có thể thực hiện mục tiêu người cày có ruộng bằng con đường thích hợp nhất”[3].
Như vậy, Đảng ta đã có cái nhìn đúng đắn, khoa học, góp phần chấm dứt những tranh cãi về một trong những sự kiện còn nhiều ý kiến khác nhau trong lịch sử thế kỷ XX.
An Lê
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 412.
[2] Theo sách 30 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Tổng cụ Thống kê, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1978 trang 94 cho biết: sau Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, 71,7% ruộng đất do nông dân lao động sử dụng, trong đó trung nông 39%, bần nông 25,4%, cố nông 6,3%, thành phần khác 1%. Theo tài liệu này, ruộng đất của địa chủ chỉ còn 18% , ruộng công 4,3%, ruộng nhà chung 1,3%, tổng là 23,6%
[3] Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận về tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ và một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1954-1975, ngày 25/5/1994.