Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) viết bài thơ "Con cá, chột nưa" khi mới tròn 20 tuổi. Nhân việc một người tù cộng sản ở Nhà lao Lao Bảo bị bọn cai ngục đánh chết, những tù cộng sản đã tìm cách đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực không ăn, không uống. Nhà thơ Tố Hữu là một trong những người tù cộng sản tham gia vào cuộc đấu tranh tuyệt thực đó. Tuy mới 20 tuổi nhưng do sớm được tôi luyện trong phong trào cách mạng nên nhà thơ đã hình thành nhân cách của người cộng sản chân chính. Nhân cách đó thể hiện ở nhận thức cách mạng và sứ mệnh của người làm cách mạng:
Bài thơ "Con cá, chột nưa" thể hiện danh dự và ý chí của người cộng sản. Ảnh minh họa
Từ khi chân dấn bước
Trên con đường đấu tranh
Tôi sẵn có trong mình
Đôi mắt thần: chủ nghĩa.
Đã đứng trong đoàn thể
Bênh vực lợi quyền chung
Sống chết có nhau cùng
Không được xa hàng ngũ”
Trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, nhà thơ và những người những cộng sản không tiếc máu xương, không nề hà sống chết để bảo vệ đoàn thể và nhân dân. Thà hi sinh bản thân chứ không làm điều gì dù là nhỏ nhất để tổn hại đến đoàn thể, đến cuộc đấu tranh chung. Cuộc đấu tranh với kẻ thù không chỉ là giặc ngoại xâm và tay sai bằng xương bằng thịt mà nó còn bao gồm cả cuộc đấu tranh với chính bản thân mình cho sự nghiệp cách mạng. Bài thơ "Con cá, chột nưa" đã miêu tả về một trong các cuộc đấu tranh đó: cuộc đấu tranh âm thầm, quyết liệt giữa 2 phần trong một con người, giữa tiếng gọi của bản năng tầm thường và việc bảo vệ danh dự, lý tưởng cách mạng cao cả. Nhắc lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ con cá chột nưa, nhà thơ Tố Hữu đã kể: đó là lần đầu tiên trong đời mới hiểu thế nào là “đói đến chết”: “Cho đến ngày thứ mười thì chỉ còn xương với da nhăn nheo, hơi thở rất yếu, tim thoi thóp”, và bài thơ con cá chột nưa hình thành trong tâm trí ông ở ngày thứ mười hai tuyệt thực và là ngày thứ hai bị biệt giam khi bên ngoài địch nấu món canh cá với chột nưa (một loại cây cùng họ với cây môn), mùi thơm rất kích thích.
“Năm sáu ngày mệt xỉu
Thuốc làm khuây mấy điếu
Vài ba hớp nước trong
Suy nghĩ chuyện bao đồng
Vẫn không ngoài chuyện đói.
Đầu sân, canh bốc khói
Chén cá nức mùi thơm
Lên hoạ với mùi cơm
Sao mà như cám dỗ”
Cuộc đấu tranh giữa bản năng, nhu cầu ăn uống với việc bảo vệ, giữ tròn khí tiết của người cộng sản thông qua một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa nhà thơ và cái bụng của chính mình.
Cái bụng cứ nằn nì:
“Ăn đi thôi, ăn đi
Chết làm chi cho khổ!”
…
“Đời mới hai mươi xuân
Chết làm chi cho khổ!”
…
“Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết ai ngờ?
Thế vẫn tròn danh dự
Không can chi mà sợ
Có hôi miệng hôi mồm
Còn có nước khi hôm
Uống vô là sạch hết!”
Nhưng dù “cái bụng” có “nằn nì”, có “tha thiết van lơn”, có “lý sự” mách nước cho nhà thơ cách mấy thì ông vẫn kiên quyết:
“Không thể gì quyến rũ
Mua bán được lương tâm
Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí
Phải giữ gìn tỉ mỉ
Như tròng mắt con ngươi
Đến cạn máu tàn hơi
Không xa rời kỉ luật
Phải trải lòng chân thật
Không một nét quanh co
Không một bóng lờ mờ
Không một nhăn ám muội”
Và cuối cùng, danh dự và ý chí người cộng sản đã giành phần thắng trong cuộc đấu tranh với bản năng sinh tồn.
“Bụng nghe chừng biết tội
Từ đó hết nằn nì
Không dám thở than chi
Và tôi cười đắc thắng”.
Bài thơ chỉ kể về một trong vô vàn cuộc đấu tranh của những người công sản nhưng lại là cuộc đấu tranh khó khăn nhất. Mặc dù cuộc đấu tranh trong bài thơ đã từng diễn ra từ 80 năm về trước nhưng nó vẫn để lại nhiều bài học cho những người cán bộ, đảng viên hôm nay. Đó là bài học về danh dự và đấu tranh bảo vệ danh dự của người cộng sản. Người cán bộ, đảng viên khi đã đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản thì không chỉ là danh dự của cá nhân một con người mà còn là danh dự của Đảng:
“Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí”
Danh dự là những giá trị tốt đẹp nhất của một con người, một tổ chức, nó được biểu hiện bằng sự coi trọng của xã hội đối với cá nhân, tổ chức đó. Danh dự của Đảng và của mỗi người đảng viên thể hiện ở sự tin yêu của quần chúng nhân dân. Danh dự của Đảng được hình thành từ những việc làm tốt đẹp của mỗi người đảng viên. Những việc làm gây tổn hại đến danh dự của mỗi người đảng viên cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến danh dự của Đảng. Mỗi người cán bộ, đảng viên cần có nhận thức sâu sắc rằng: Danh dự là tài sản lớn nhất, quan trọng nhất, cao quý nhất, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian”. Chỉ khi nào mỗi người cán bộ, đảng viên có nhận thức thật sự sâu sắc: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” và “Danh dự của riêng thân/Là của chung đồng chí” thì mới có thể đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tuy nhiên, danh dự của Đảng và của mỗi người đảng viên không tự nhiên mà có. Để có được sự tin yêu của quần chúng nhân dân là cả quá trình phấn đấu cho lợi ích nhân dân của toàn Đảng. Nó là kết quả đấu tranh, rèn luyện hàng ngày của mỗi đảng viên. Nó đòi hỏi mỗi người đảng viên phải kiên quyết đấu tranh với kẻ thù không chỉ ở bên ngoài mà còn ở ngay bản thân mỗi chúng ta, trong đó đấu tranh với kẻ thù bên trong là quá trình đấu tranh khó khăn nhất. Bài thơ con cá chột nưa đã kể về một trong những cuộc đấu tranh với kẻ thù bên trong để bảo vệ danh dự của Đảng và người đảng viên. Những cuộc đấu tranh đó vẫn đang tiếp diễn đến tận hôm nay với những “con cá”, những cái “chột nưa” ngày càng hấp dẫn. Đấu tranh vượt qua chính mình cho danh dự, lý tưởng của Đảng đang là cuộc đấu tranh cam go của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay. Điều đáng buồn là trong cuộc đấu tranh đó, không ít cán bộ, đảng viên đã thất bại. Những lời xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân thốt ra từ miệng những cựu quan chức trước vành móng ngựa trong các phiên tòa chống tham nhũng cũng là bài học, là lời cảnh cáo chung cho tất cả chúng ta.
Bảo vệ danh dự của Đảng, gìn giữ danh dự của mỗi người đảng viên là cuộc đấu tranh cam go, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Nó đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu của Đảng và ý chí thép của mỗi người đảng viên. Có như vậy thì Đảng ta mới ngày càng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Việt Hòa