Trong những ngày đầu tháng 5/2022, đoàn công tác số 6 của chúng tôi thực hiện chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với bao cung bậc cảm xúc. Sau khi thăm các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đến Nhà giàn DK1/7 - điểm dừng chân cuối cùng trong hải trình trước khi trở về đất liền.
Nhà giàn Huyền Trân. Ảnh: NSNA Duy Bằng.
Về mặt hành chính, Nhà giàn DK1/7 thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được xây dựng trên bãi đá san hô Huyền Trân – một cái tên vô cùng ý nghĩa, đặt theo tên Công chúa Huyền Trân – con gái của vua Trần Nhân Tông, người có công giúp vua Trần mở mang bờ cõi về phía Nam. Được biết, ký hiệu DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, phục vụ mục đích dân sự trên biển. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 bao hàm ý nghĩa lớn hơn nhiều, cả về khoa học, kinh tế và đặc biệt là ý nghĩa chính trị, quân sự.
Việc dành gần hết một buổi sáng tại Nhà giàn quả là một điểm nhấn đặc biệt trong hải trình của chúng tôi. Trước chuyến đi, chúng tôi cũng hơi lo về khả năng không lên được Nhà giàn nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vậy mà thật may, hôm đó sóng biển tương đối êm nên chúng tôi lên được Nhà giàn mà không gặp trở ngại nào đáng kể. Những lời nói tíu tít “Mời các anh chị lên nhà chơi” nghe thật ấm cúng và lạc quan biết bao.
Lên đến “nhà”, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được thế nào là cuộc sống “chênh vênh giữa biển và trời”. Khác với các điểm đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, các cán bộ, chiến sỹ sinh hoạt và làm việc trên 2 kết cấu nhà giàn cao khoảng 20 mét so với mặt nước biển tại vùng thềm lục địa phía Đông Nam này. Nhìn từ xa, Nhà giàn trông như cặp lều canh lúa nhỏ xíu trên cánh đồng bát ngát, vậy mà đến gần, chúng tôi đều thấy “choáng” vì những cột thép to đùng cắm chặt xuống nền san hô sâu hàng chục mét dưới lòng biển. Trên nóc “nhà” có cả bãi đỗ trực thăng mà đại biểu nào cũng háo hức trèo lên tận nơi để phóng tầm mắt ra xa, ôm trọn vào lòng hình ảnh bao la của biển trời Tổ quốc, để chụp vài kiểu ảnh không dễ lặp lại trong cả cuộc đời. Nghe các anh kể, trước đây khi mới chỉ có một nhà giàn, những khi bão to, sóng lớn có khi đánh trùm qua cả nóc nhà, khiến cả toà nhà rung lắc. Sau này, khi được gia cố, bổ sung thêm một kết cấu 3 tầng nhà, với phần móng là 6 cọc kim loại cắm xuống nền đá san hô và bê tông cứng, Nhà giàn đã có thể chịu được bão đến trên cấp 12, vững vàng như những pháo đài thép, sừng sững hiên ngang bảo vệ vùng biên cương trên biển của Tổ quốc.
Trong khuôn khổ không gian sinh hoạt và làm việc hạn hẹp trên 2 toà nhà như vậy, các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/7 đã không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm vừa canh giữ vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc, vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn quốc tế và trợ giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Thăm khu “vườn” của các anh, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những chậu rau xanh, những cây gia vị quen thuộc… được các anh nâng niu, chăm chút, che chắn như bảo vệ đàn con trước sóng gió biển khơi. Đây vừa là nơi cung cấp thêm nguồn vitamin cho bữa ăn hàng ngày, cũng vừa là nơi thư giãn của các anh ngoài khung giờ làm việc. Ngạc nhiên hơn nữa là khi chúng tôi phát hiện ra những giò lan, lồng chim treo trên nền tường vàng rực… Thật cảm phục và trân quý chất đời, chất thơ trong cuộc sống của “lính nhà giàn”.
Lần đầu gặp những cán bộ, chiến sỹ đang công tác nơi biên cương đầu sóng mà chúng tôi ngỡ như đã quen thân từ lâu lắm. Những cái bắt tay, chào hỏi, tiếng cười nói tìm nhận “đồng hương” xen những giọt nước mắt “vừa gặp gỡ đã chia tay” thật xúc động. Chia tay các anh, không biết nói gì nhiều, tôi chỉ biết viết lên vài dòng chia sẻ cảm xúc vội vã, cũng là lời hứa sát cánh cùng các anh bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
NHỚ…
Hôm nay tôi mới đến Huyền Trân
Lòng bỗng thấy bâng khuâng rất lạ
Ôi thời gian… Sao mà trôi nhanh quá!
Chưa hết hải trình đã thấy nhớ Trường Sa…
Khắc trong tim “Đây đảo là nhà,
Biển là quê…” – hiên ngang anh đứng
Giữ biển đảo, giữ chủ quyền bền vững
Ơn các anh, chúng tôi không quên…
Ngày mai tôi trở về đất liền
Mang theo cả tình yêu lính đảo
Mang nỗi nhớ, niềm thương ngày dông bão
Nguyện cùng anh VÌ ĐẤT MẸ VIỆT NAM!
Thục Lê