Trên cơ sở kết quả bước đầu đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể những năm 1958-1959, Trung ương Đảng quyết định đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trong những năm 1959-1960 và cơ bản hoàn thành công cuộc tập thể hóa nông nghiệp trong năm 1960
Quyết định của Đảng về xây dựng hợp tác xã
Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa II) họp tháng 4 năm 1959 nhận định: nông thôn miền Bắc vào những năm cuối thập kỷ 1950 có hai mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất giữa hợp tác hóa với những thế lực ngăn cản công cuộc hợp tác hóa, thể hiện chủ yếu là mâu thuẫn hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa tập thể với cá thể, xét cho cùng là mâu thuẫn giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất. Mâu thuẫn thứ hai là mẫu thuẫn giữa yêu cầu cần tăng năng suất lao động với kỹ thuật lạc hậu. Ban Chấp hành Trung ương chủ trương kiên quyết đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể, chính là biện pháp hữu hiệu để giải quyết những mâu thuẫn đó.
Từ nhận định trên, Ban Chấp hành Trung ương kết luận: “Còn chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lối làm ăn riêng lẻ thì vẫn còn cơ sở vật chất và điều kiện cho khuynh hướng tư bản chủ nghĩa phát triển. Vì vậy, tiến hành hợp tác hóa là biện pháp cần thiết để kịp thời chặn đứng con đường tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, cứu nông dân khỏi nanh vuốt của tư bản góp phần củng cố khối liên minh công nông”.
Nhằm làm rõ những thuận lợi khó khăn và bối cảnh quốc tế trong nước ở giai đoạn tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, Trung ương Đảng nhận định rằng: một mặt, chúng ta có kinh nghiệm quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa, mặt khác nông dân ta tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hợp tác hóa là phù hợp với nguyện vọng của nông dân, cải tạo xã chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Bắc nhằm hậu thuẫn cách mạng miền Nam. Cách mạng miền Nam phát triển, đang cổ vũ nông dân miền Bắc đi vào làm ăn tập thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân (Ảnh tư liệu)
Từ nhận định trên, Trung ương Đảng nêu rõ đường lối giai cấp ở nông thôn trong quá trình hợp tác hóa là; Dựa hẳn vào bần nông, cố nông, trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, hạn chế, đi đến xóa bỏ bóc lột phú nông, ngăn chặn địa chủ ngóc đầu dậy, tiếp tục mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới, kiên quyết đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ về nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, quản lý dân chủ và nguyên tắc kết nạp xã viên là ưu tiên kết nạp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới. Khi hợp tác xã có nề nếp mới kết nạp trung nông, không được bố trí trung nông vào cán bộ quản lý hợp tác xã, nhất là cán bộ chủ chốt.
Hình thức, bước đi của phong trào hợp tác hóa là từ tổ đổi công lên hợp tác xã bậc thấp, đi dần lên hợp tác xã bậc cao. Tiêu chí để đánh giá tính chất của hợp tác xã được Trung ương nêu rõ là: tổ đổi công mà mong xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã bậc thấp nửa xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã bậc cao hoàn toàn xã hội chủ nghĩa. Trung ương đã thảo luận và đề ra các chủ trương về tổ chức hợp tác xã như sau:
Ruộng đất, ao cá, vườn cây, trâu bò, công cụ đưa vào hợp tác xã thống nhất sử dụng, hợp tác xã bậc thấp trả hoa lợi, ruộng đất, tiền thuê trâu bò, công cụ; khi lên bậc cao thì xóa hoa lợi, ruộng đất, xóa tiền thuê trâu bò.
Về phân phối: hợp tác xã đóng thuế, trích lập các quỹ, bù chi phí sản xuất, trả hoa lợi ruộng đất, còn lại chia cho ngày công.
Về chế độ quản lý: lao động tập thể, hợp tác xã giao khoán cho đội sản xuất, đội hoặc tổ điều hành đến từng lao động. Về sản xuất, hợp tác xã phải kinh doanh nhiều mặt, nhiều nghề, hợp tác xã phải lập kế hoạch tài chính thu, chi minh bạch, công bố cho xã viên biết.
Về cơ quan quản lý hợp tác xã: Trung ương Đảng nêu rõ: Đại hội xã viên là cơ quan quyền lực cao nhất, Đại hội bầu ra Ban quản trị. Tổ chức hợp tác xã theo đơn vị lãnh thổ hành chính, Ban quản trị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.
Sau hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 04 năm 1959, một phong trào sôi nổi tổ chức, vận động nông dân tham gia hợp tác xã. Liên tiếp trong các tháng 7, 8, 9, 10 năm 1959. Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập nhiều hội nghị thúc đẩy phong trào hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Các chủ trương của Trung ương Đảng được triển khai với tốc độ nhanh ở bước thí điểm cũng như giai đoạn mở rộng phong trào. Cụ thể là: kế hoạch xây dựng 244 hợp tác xã thí điểm, nhưng trong năm 1958 đã thực hiện 4.723 hợp tác xã, tăng gấp 20 lần. Khi mở rộng phong trào hợp tác hóa, số lượng hợp tác xã tăng nhanh, tháng 4/1959 có 7.000 hợp tác xã, đến tháng 8 năm 1959 đã lên đến 16.000 hợp tác xã, chiếm 21% số hộ nông dân.
Một cảnh lao động sản xuất của nông dân miền Bắc năm 1960 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Cơ bản hoàn thành hợp tác hóa trong nông nghiệp
Mặc dù tiến trình hợp tác hóa được thực hiện nhanh, đạt được kết quả khả quan nhưng không vững chắc, ngay trong thời gian đầu đã bộc lộ những mặt yếu kém. Trong 13 tỉnh đã có 23 hợp tác xã tan vỡ, số hộ xin ra lên đến 9.535 hộ.
Trước tình hình đó, Trong Chỉ thị số 154-CT/TW, tháng 8/1959, Ban Bí thư nhận định “Phải củng cố các hợp tác xã đã có trên các mặt chính trị, kinh tế, tổ chức, phải coi công tác củng cố hợp tác xã là một công tác lâu dài”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định Ban hành Điều lệ mẫu hợp tác xã bậc thấp, tổ chức cho xã viên học tập Điều lệ, huấn luyện cán bộ hợp tác xã nâng cao trình độ quản lý để khắc phục các mặt yếu kém.
Trong vòng 1 năm, từ tháng 8/1959 đến tháng 8/1960, Ban Bí thư đã ban hành 7 chỉ thị để uốn nắn, củng cố hợp tác xã, mà nội dung và phương châm chỉ đạo là "phát triển kết hợp với củng cố" hoặc "củng cố đi đôi với phát triển, lấy củng cố làm chính".
Cùng với các biện pháp khắc phục nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương mở cuộc tranh luận hai con đường trong nội bộ nông dân, tập trung trên mấy quan điểm chủ yếu: làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc tranh luận hai con đường nhằm nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho nông dân, song trên thực tế, nhiều nơi lại rơi vào tình trạng chỉ đạo mệnh lệnh, gò ép một chiều, trù dập người có ý kiến khác. Một số nơi, nông dân không vào hợp tác xã thì tổ chức “lễ đưa ma chủ nghĩa cá nhân”, “thả thuyền trôi sông”, “dạ khốc” (khóc đêm) trước cổng nhà những hộ nông dân chưa vào hợp tác xã. Vì vậy, nhiều hộ nông dân tuy không muốn, cũng buộc phải làm đơn xin vào hợp tác xã.
Để bảo đảm hoàn thành hợp tác hóa trong năm 1960 theo mục tiêu đã định, trong các tháng 4, 6, 8 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở 3 hội nghị kiểm điểm phong trào hợp tác hóa.
Ngày 18/8/1960, Ban Bí thư ra Chỉ thị 221 - CT/TW hướng dẫn về việc căn bản hoàn thành hợp tác hóa. Chỉ thị bổ sung nội dung cho phép kết nạp trung nông lớp trên vào hợp tác xã, có thể linh hoạt kết nạp nông dân chưa qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã đưa quy mô to hơn trước, có thể sáp nhập các hợp tác xã nhỏ lên quy mô 200 hộ.
Được sự động viên và cổ vũ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), đợt phát triển, củng cố hợp tác xã mùa Thu 1960 diễn ra sôi nổi và kết thúc nhanh gọn. Đến tháng 12 năm 1960 toàn miền Bắc đã cơ bản hoàn thành hợp tác hóa bậc thấp. 41.400 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được xây dựng với 2,4 triệu hộ tham gia, chiếm 85,8% tổng số hộ và 76% diện tích canh tác. Có 3.643 hợp tác xã bậc cao chiếm 10%. Có 10% số hợp tác xã quy mô trên 100 hộ. Một số nơi đã xây dựng hợp tác xã toàn xã.
Ở miền núi, sau cải cách dân chủ, phong trào hợp tác hóa theo mô hình đồng bằng cũng được áp dụng cả vùng thấp và vùng cao.
Ở miền biển, cuối năm 1960, đã có 78% lao động nghề cá và 75% thuyền ngư lưỡi cụ cũng được đưa vào làm ăn tập thể. Cùng thời điểm này, đã có 212 hợp tác xã mua bán với 1,8 triệu xã viên, 4.690 hợp tác xã tín dụng thu hút 2 triệu xã viên tham gia.
Như vậy, đến cuối năm 1960, miền Bắc đã cơ bản hoàn thành công cuộc tập thể hóa nông nghiệp.
Thái Trần