Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ Hòn Tàu của Đặc khu ủy Quảng Đà là một trong những căn cứ cách mạng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với thắng lợi vẻ vang của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ năm 1967 đến năm 1975, đây là nơi đóng quân của cơ quan Đặc khu ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn
Địa điểm đóng cơ quan chỉ đạo cách mạng vùng Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1967-1975
Sau mùa khô 1966-1967, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng càng trở nên ác liệt hơn, cho nên cuối 1968, bộ phận tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà chuyển về đóng quân tại núi Hòn Tàu.
Hội nghị Ban Chấp hành Đặc khu ủy Quảng Đà mở rộng đã quyết định chuyển các cơ quan, đơn vị chỉ huy còn đóng xung quanh căn cứ A7 xuống đóng quân ở khu căn cứ Hòn Tàu.
Thực hiện chủ trương này, cơ quan văn phòng Đặc khu ủy (bộ phận cơ bản ở hậu cứ) đã chuyển toàn bộ xuống khu vực núi Cù Hang nhập với bộ phận tiền phương đã vào ở đây, củng cố các hang đá làm chỗ ở, làm việc, thiết lập hệ thống đường dây liên lạc đi các huyện, thị xã, thành phố phục vụ chỉ đạo cách mạng.
Các cơ quan của Đặc khu ủy như Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo; các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Dân vận… đóng trong các hang đá dưới chân núi Mặt Rạng. Cuối năm 1972, cơ quan Thường vụ và văn phòng Đặc khu ủy đã chuyển về đóng ở địa điểm Bắc Đồi Lon[1]. Đây là địa điểm đóng cơ quan cuối cùng ở miền núi của Thường vụ và văn phòng Đặc khu ủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến trước khi giải phóng Đà Nẵng cuối tháng 3 năm 1975.
Địa bàn đóng quân, tiến công địch và mở ra các vùng phụ cận
Trong khoảng thời gian hơn 2 năm (1973-1975), căn cứ Hòn Tàu với một địa bàn không rộng lắm, nhưng đã trở thành địa bàn đứng chân cho lực lượng lớn bộ đội, có lúc lên đến 2000 người[2].
Đặc biệt, nơi đây diễn ra hai sự kiện lịch sử lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Quang Nam- Đà Nẵng.
Ngày 27/01/1973, đế quốc Mỹ ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngay trong sáng hôm đó, Thường vụ Đặc khu ủy họp và quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc giữ đất, giành dân khi hiệp định có hiệu lực.
Sau chiến dịch Tây Nguyên, đón nhận mệnh lệnh của Thường vụ Quân khu V về việc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ngày 28/3/1975, đồng chí Trần Điện Thọ - Bí thư Đặc khu ủy cùng đoàn cán bộ lãnh đạo các ngành đi về địa phương để chuẩn bị đột nhập vào thành phố Đà Nẵng chỉ đạo từ bên trong. Đồng chí Phạm Đức Nam – Phó Bí thứ Đặc khu ủy cùng đồng chí Năm Công – Bí thư Khu ủy V, Đồng chí Hồ Nghinh - Thường vụ khu ủy V và đoàn cán bộ nhân viên văn phòng Đặc khu ủy ngay trong đêm 28/3 vượt núi Hòn Tàu về đến chợ Bà Rén, chuẩn bị tiến sâu và tiếp quản Đà Nẵng[3]. Đây là hai sự kiện lớn, minh chứng rõ ràng cho ý nghĩa của căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với những đóng góp của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà (tại núi Hòn Tàu – Duy Xuyên, Quế Sơn) đã đi vào lịch sử, xứng đáng là một di tích cách mạng, chứng tích lịch sử của Quảng Nam – Đà Nẵng trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Hòn Tàu
Hiện nay, căn cứ Hòn Tàu vẫn còn nhiều dấu tích để lại như nền nhà, bờ đá - nơi làm việc của Thường vụ Đặc khu ủy, các Ban, ngành, tổ chức Mặt trận trước đây.
Vị trí địa lý, địa hình, địa thế khá đặc biệt, nằm trên sườn núi có độ cao hàng trăm mét so với mặt nước biển, có rừng đồi khe suối và những vách đá, hang động đá tạo nên một cảnh quan hùng vĩ thích hợp cho việc hình thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái hấp dẫn.
Chính vì thế, căn cứ cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 59/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 24/7/2008.
Với những giá trị lịch sử to lớn, căn cứ cách mạng Hòn Tàu cần được đánh giá, nhìn nhận và tôn vinh hơn nữa, xứng tầm với vị trí, vai trò của nó trong lịch sử. Cùng với những lợi thế địa hình và cảnh quan tự nhiên nơi đây, trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị của khu căn cứ cách mạng này, cần quan tâm, khai thác và phát triển khu căn cứ này.
Lối vào Hang Dẽ, một địa điểm trong khu căn cứ địa Hòn Tàu
Trước hết, cần tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa về vị trí, vai trò lịch sử và những đóng góp to lớn của căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà. Giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và ý chí đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân Quảng Đà trong lịch sử cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay. Nhằm khẳng định nơi đây là căn cứ cách mạng quan trọng, là một địa chỉ đỏ tiểu biểu cho truyền thống vẻ vang, hào hùng trong lịch sử kháng chiến của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa lớn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Vì vậy, cần sớm có định hướng quy hoạch tổng thể khu di tích, lập dự án phục dựng các giá trị lịch sử gắn với phát triển du lịch theo hướng văn hóa - lịch sử - sinh thái, kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cần khoanh vùng để bảo vệ Di tích theo Luật Di sản văn hóa, đầu tư kinh phí để xây dựng các tuyến đường thuận lợi lên khu căn cứ, phục dựng các nhà tưởng niệm, xây dựng nhà trưng bày các hiện vật thời kỳ hoạt động và kết hợp sưu tầm rộng rãi các hiện vật liên quan đến Đặc khu ủy Quảng Đà. Hoàn thiện hồ sơ của khu căn cứ để trình lên Chính phủ công nhận Đặc khu ủy Quảng Đà là Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc gia, tạo hiệu ứng tốt cho việc thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch.
Lịch sử chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, song những giá trị lịch sử của căn cứ cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn hiện hữu, những bài học để lại vẫn con nguyên giá trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Nghiên cứu, nhìn lại quá khứ của căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Góp phần làm tường minh thêm một giai đoạn lịch sử trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung.
Hòa Phạm
[1] Tỉnh ủy Quảng Nam -Thành ủy Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
[2] Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam: Tài liệu Tọa đàm về Bảo tồn, phát huy giá trị căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà, Duy Xuyên, ngày 30/08/2011.
[3] Huyện ủy Duy Xuyên: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Xuyên, tập 2 (1954 -1975). Đảng bộ huyện Duy Xuyên, xuất bản năm 2010.