Phản ánh của các DN du lịch, lữ hành cho thấy, với những quy định này, Bộ Y tế đang siết chặt hơn với khách quốc tế. “Những quy định này sẽ một lần nữa đưa du lịch quốc tế về lại vạch xuất phát và hiệu quả truyền thông cho chủ trương lớn của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 sẽ không còn nhiều ý nghĩa”, đại diện một DN du lịch nói. Theo các DN, sau 2 năm hoạt động cầm chừng, tạm nghỉ và thậm chí là rời thị trường, họ đang rất kỳ vọng chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15/3 tới đây. Thế nhưng, nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Y tế thì không thể có khách quốc tế bởi quá nhiều quy định khắt khe và và không phù hợp. Hiệp hội lữ hành Việt Nam cũng khẳng định, quan điểm của ngành du lịch vẫn nhất quán, đó là nên tháo gỡ các quy định cách ly chặt chẽ với người nước ngoài sang Việt Nam du lịch đã tiêm vắc xin và có kết quả test PCR âm tính trước khi khởi hành. Do đó, cần cân nhắc lại yêu cầu đối với khách du lịch để làm sao vừa đảm bảo chống dịch, nhưng vẫn đủ các điều kiện cần thiết, tạo sự thuận lợi để ngành du lịch phát triển. Bởi khi mở cửa lại hoạt động, các DN đã tuân thủ quy định, phương án đảm bảo an toàn. Đồng thời tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch. Du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam. Phục hồi du lịch sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế xã hội. Riêng năm 2022, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 65 triệu lượt khách. Trong đó, có 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, việc cải thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế được coi là chìa khóa giúp ngành du lịch phát triển nhanh, có được lợi thế cạnh tranh, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, nhất là khi các nước trong khu vực cũng đang khẩn trương tích cực cho việc mở cửa, phục hồi du lịch.