Kể từ khi ra đời ngày 20/7/1962 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng cảnh sát nhân dân đã qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ vững chắc chế độ và sự bình yên cho nhân dân
Ngay từ khi lực lượng Công an nhân dân ra đời (19/8/1945), Đảng xác định Công an nhân dân là công cụ bạo lực của chính quyền cách mạng, nên giao cho Công an nhân dân Việt Nam nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp các đối tượng phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân.
Thực hiện Hiệp định Geneva, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an nhân dân vừa bảo đảm an ninh trật tự ở miền Bắc, vừa chuẩn bị nguồn cán bộ cũng như phương tiện, vũ khí, kỹ thuật chi viện lực lượng an ninh miền Nam chiến đấu, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tình hình an ninh trật tự xã hội diễn biến rất phức tạp. Trung ương Đảng chỉ đạo ngành công an nhanh chóng củng cố các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên tinh thần đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công an xác định là xây dựng ngành cảnh sát nhân dân và lực lượng công an nhân dân vũ trang nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để xây dựng lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 20/6/1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30/CT-TW về việc thành lập ngành Cảnh sát nhân dân và Cục cảnh sát.
Chỉ thị nêu rõ: Cảnh sát nhân dân là lực lượng vũ trang và nửa vũ trang thuộc ngành công an quản lý và lãnh đạo. Thành lập ngành cảnh sát nhân dân là một công tác quan trọng trong việc củng cố bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam[1].
Một buổi diễn tập phòng chống bạo loạn của lực lượng cảnh sát cơ động
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg Về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, Nghị định ghi rõ: Thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công An để thống nhất việc xây dựng, quản lý, huấn luyện, giáo dục các loại cảnh sát nhân dân gồm có Cảnh sát hành chính ( hộ tịch, giao thông, cứu hỏa), Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát vũ trang (Điều 1). “Việc canh gác các trại giam và các trại lao cải hiện do Bộ Cảnh vệ phụ trách, nay giao cho Cảnh sát nhân dân phụ trách” (Điều 2). “Cảnh sát nhân dân là lực lượng vũ trang và nửa vũ trang thuộc biên chế ngành Công an. Cảnh sát viên được hưởng lương và phụ cấp như công chức và được cấp phát quần áo, vũ khí và những thứ trang thiết bị khác theo tiêu chuẩn và kiểu mẫu” (Điều 3).
Lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát nhân dân..
Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 10/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Thông tư số 1001/TTg quy định về tổ chức, nhiệm vụ, cấp phát quần áo, trang bị vũ khí cho Cảnh sát nhân dân.
Sự ra đời của Cục Cảnh sát nhân dân đánh dấu bước phát triển mới về xây dựng lực lượng Công an nhân dân và lực lượng cảnh sát – lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đề ra nhiệm vụ: “Phải thực hành chuyên chính với bọn phản cách mạng, nghiêm trị những kẻ chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[2]. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, phải kiện toàn cơ quan công an nhân dân và các cơ quan thực hiện chuyên chính vô sản.
Thực hiện chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an quy định thống nhất tên gọi của các lực lượng cảnh sát gồm: Cảnh sát khu vực (cảnh sát hộ tịch cũ); Cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ thường trực, dẫn giải can phạm, tuần tra, canh gác bảo vệ… giữ gìn trật tự nơi đông người; Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy giao thông ở các thành phố, thị xã; Cảnh sát trên sông, làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ, trật tự trị an trên sông; Cảnh sát đường sắt, làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an ngành đường sắt.
Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ này luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển. Để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thành một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống các lực lượng phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, nhằm góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam;
Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố hai Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân: “Cảnh sát nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công An, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và những kẻ phạm tội khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà được tiến hành thuận lợi”[3].
Hai pháp lệnh này là sự thể chế hóa Nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân theo hướng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại. Với ý nghĩa đặc biệt quan trong đó, ngày 20/7 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát nhân dân ngày càng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, phát huy truyền thống vẻ vang, lực lượng Cảnh sát nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để thực hiện hai nhiệm vụ đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, kiên quyết thanh loại những cán bộ sa sút ý chí chiến đấu, năng lực kém và vi phạm phẩm chất đạo đức...
Tập trung tiến công liên tục tội phạm hình sự, nhất là các đối tượng nguy hiểm, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; giữ gìn trật tự an toàn xã hội…
Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát nhân dân là một trong những lực lượng tuyến đầu cùng cả nước phòng, chống đại dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 1991; gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol) năm 1995 và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan Cảnh sát các nước láng giềng, đối tác lớn trên thế giới, tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết những vấn đề phi truyền thống các quốc gia cùng quan tâm, góp phần tạo môi trường ổn định cho thế giới, khu vực và trong nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử nhưng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, tội phạm gia tăng, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Minh Phương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 17, tr. 235
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr. 933
[3] Bộ Công an, Lịch sử biên niên tổ chức cán bộ Công an nhân dân (1954-1975), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 175