Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) tỉnh Hà Giang, nằm ở cực Bắc của Việt Nam là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Nằm cách thị xã Hà Giang 132km theo đường 4C, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở cực Bắc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, sở hữu hàng loạt các di sản địa chất, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm. Trên Cao nguyên đá Đồng văn có nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 - 600 triệu năm. Cao nguyên Đồng Văn là một vùng núi đá có tuổi khác nhau từ kỷ Devon cho đến Pecmi, được bao quanh bởi các núi đất. Ở đây có mưa từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng thiếu nước vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4). Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sơ bộ thống kê được 138 di sản địa chất các loại, trong đó có 19 xếp hạng địa phương, 61 xếp hạng quốc gia và 58 xếp hạng quốc tế. Theo phân loại di sản thì có 33 di sản kiến tạo, 45 di sản địa mạo, 16 di sản cổ sinh địa tầng và 54 di sản hang động, trong đó có 12 di sản vừa là di sản kiến tạo vừa là di sản địa mạo như hẻm vực Tu Sản ở sông Nho Quế, vách đứt gãy dốc đứng dạng tam giác ở Lao Và Chải.
Ảnh: Báo Hà Giang Online
Cao nguyên Đồng Văn có sự đa dạng địa chất cao cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo ra Các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú như: Vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa với muôn hình muôn vẻ; Vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) thì mỗi chóp đá, tảng đá, tháp đá lại có hình rồng cuộn, hổ ngồi,… và các loại cây địa y, lan,… Vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) có các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con, đen bóng. Sự uy nghi hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn đặc trưng bởi các dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao ngất, vách đá tai mèo,… được các nhà khoa học địa chất gọi là chóp karst kiểu Đồng Văn. Đồng thời, có 54 di sản hang động đá vôi được phát hiện và hệ thống hang động trên cao nguyên đá Đồng Văn là sản phẩm của quá trình phát triển karst có ý nghĩa và thẩm mỹ, là những điểm tham quan du lịch rất kỳ thú như: hang Dơi, động Nguyệt ở Phó Bảng, hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn),… Nhiều hang động còn ẩn mình trong các khối núi đá vôi cho đến nay vẫn chưa được khám phá.
Ảnh: Thế giới di sản.vn
Sự đa dạng sinh học trên Cao nguyên đá Đồng Văn được các nhà khoa học sinh thái đánh giá là vùng có hệ địa - sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Du Già nằm ở phía Nam Cao nguyên đá Đồng Văn có hệ động vật khá phong phú gồm 171 loài thuộc 73 họ và 24 bộ, trong đó 57 loài thú, 82 loài chim, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Có 27 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát. Những quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn có 289 loài thực vật bậc cao thuộc 83 họ trong đó có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đá, thông tre lá ngắn, thông đỏ, dẻ tùng sọc nâu, cây đỉnh tùng, hoàng đàn rủ, cây bảy lá một hoa, cây bách vàng, cây Trân châu lá dài, thảo quả, đỗ trọng, nấm hương… Đặc biệt, cây Thông đỏ ở Thài Phìn có đường kính đến 70cm được xem là lớn nhất và sống lâu năm nhất ở miền Bắc Việt Nam tính đến thời điểm phát hiện. Trên những hoang mạc đá ở Cao nguyên Đồng Văn có tới trên 40 loài lan điển hình là lan hài. Sự đa dạng động vật nuôi và động vật hoang dã trên Cao nguyên đá Đồng Văn có rất nhiều điểm khác biệt so với những khu vực khác trong cả nước. Đây là môi trường sống của hơn 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, vọoc mũi hếch, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, họa mi,… tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của vùng Cao nguyên đá.
Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cư trú ở nơi đây. Hiện nay, khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam. Trong đó, ngoài người Hmông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc ít người duy nhất sinh sống tại đây như người La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô. Trong quá trình thích ứng với điều kiện tự nhiên, đồng bào các dân tộc nơi đây đã nhận biết và ứng xử với môi trường thiên nhiên xung quanh - môi trường đá và sáng tạo nên những yếu tố văn hóa độc đáo như: các nương đá, xếp nương đá, bức rào đá quanh nhà,… cùng với các phong tục tập quán, các lễ hội đặc sắc của các dân tộc người Hmông, Dao, Lô Lô, Pu Péo,… và các làn điệu dân ca, dân vũ và âm nhạc truyền thống làm say đắm lòng người.
Ảnh: Thế giới di sản.vn
Cao nguyên đá Đồng Văn với những giá trị về diện mạo địa chất khoáng sản cổ sinh, tài nguyên thiên nhiên phong phú lưu giữ qua hàng triệu năm đã và đang được các nhà khoa học khám phá, khai mở, đem đến những ngạc nhiên lớn cho những người quan tâm và tâm huyết với thiên nhiên. Mỗi dân tộc nơi đây đều có bản sắc văn hoá truyền thống phong phú, độc đáo và ấn tượng đã đem lại cho Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn một giá trị tự thân hiếm thấy, một diện mạo văn hoá đặc sắc không lẫn với bất cứ vùng miền nào trên đất nước Việt Nam.
Khánh An