Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng đọc lại một bài thơ trong tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác Hồ, để thêm một góc nhìn về ‘Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ’ như một câu thơ của cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez.
Hình ảnh về tập thơ 'Nhật ký trong tù' tại triển lãm chuyên đề 'Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung' vừa diễn ra tại Bến Nhà Rồng (TP.HCM)
ẢNH: TƯ LIỆU TẠI TRIỂN LÃM
Có một ngày, Bác Hồ của chúng ta phải trở thành “tân phạm” (tù mới) của nhà ngục Tĩnh Tây (Trung Quốc). Bị tù tội đày đọa thì đâu phải chuyện đùa. Nhưng khi đọc bài thơ của Bác, bài thứ 4 ở cuốn có nhan đề Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký), chúng ta chợt ngộ ra: không có một nhà tù nào có thể giam cầm được con người này, một người luôn có tự do tuyệt đối trong tâm hồn, một “khách tự do” từ bản chất. Với “vị khách” đặc biệt này, thì mọi nhà tù trở nên vô nghĩa. Xin hãy đọc bài thơ, khúc ca thứ 4 của Nhật ký trong tù:
Nguyên tác:
NHẬP TĨNH TÂY HUYỆN NGỤC
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm
Thiên thượng tình vân trục vũ vân
Tình, vũ phù vân phi khứ liễu
Ngục trung lưu trú tự do nhân
Bản dịch của Nam Trân:
VÀO NHÀ NGỤC HUYỆN TĨNH TÂY
Trong lao tù cũ đón tù mới
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa
Tạnh, mưa mây nổi bay đi hết
Còn lại trong tù khách tự do
Nhật ký trong tù (bản dịch của Viện Văn học) trong loạt ấn phẩm kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của NXB Kim Đồng ẢNH: NXB |
Chuyện trong lao tù cũ đón tù mới là chuyện thường ngày ở… tù. Có thể ở đây Bác Hồ là “tù mới”, nhưng ở nơi khác Bác lại là “tù cũ”, và ngược lại. Cũng như thế, trên trời mây tạnh đuổi mây mưa, hay mây mưa đuổi mây tạnh cũng là chuyện thường ngày trên… trời. Nói cho cùng, dù là “tình” hay “vũ” thì cũng là… phù vân cả thôi, rồi cũng “phi khứ liễu” cả thôi! Bài thơ mở đầu ung dung, trung đoạn ung dung, còn kết đoạn: “Còn lại trong tù khách tự do”. Quá ung dung!
Nguyên tác: “Ngục trung lưu trú tự do nhân”, bản dịch của nhà thơ Nam Trân hay một chữ mà lại yếu một chữ. Chữ hơi bị yếu chính là dùng “còn lại” để dịch chữ “lưu trú”. Xin lưu ý, “lưu trú” ở đây được Bác Hồ dùng với hàm nghĩa hơi hài hước. Chứ có ai muốn “lưu trú” trong tù! Chợt nhớ câu ca dao thời bao cấp: “Dù cho gió táp mưa sa/ Khách lạ tới nhà phải báo công an”. “Khách lạ tới nhà” là thuộc diện “tạm trú” còn phải báo cáo cơ quan công quyền, nữa là “khách” (nhân) tới… ở tù, hoàn cảnh nó oái oăm lắm, nó dở khóc dở cười lắm, mà dịch “lưu trú” thành “còn lại” e hơi nhẹ! Nhưng nhà thơ Nam Trân lại có một chữ dùng quá đắt cũng ngay ở câu dịch này, ấy là chữ “khách”. Dịch “tự do nhân”(người tự do) thành “khách tự do” thì quá siêu thoát, quá sang trọng (không phải ở tù sang trọng, mà tâm thế người ở tù sang trọng). Với chữ “khách tự do” nghe cứ như trong câu thơ Lý Bạch, khi nhà thơ thoát tục lên tiên.
Tuy nhiên, đọc lại nguyên cả câu trong nguyên tác: “Ngục trung lưu trú tự do nhân” thì lại có cảm giác cái “ngục trung” này đang chứa một… quả bom hẹn giờ, vì “lưu trú” ở đây là một “khách tự do”. Sự bùng nổ trong lặng lẽ, trong thanh thoát của câu thơ kết này ẩn trong chính cấu trúc chữ của nó. Như một cảnh báo. Lại như một hứa hẹn. Khách tự do là mãi mãi tự do, dù có lúc phải “lưu trú” trong tù.
Nguồn Thanh niên