Khai thác chất liệu văn hóa đa dạng của dân tộc để xây dựng hình tượng nghệ thuật cho ra “gương mặt của thời đại” là quá trình sáng tạo đầy cam go nhưng rất vẻ vang của văn nghệ sĩ. Hình ảnh dân tộc sẽ được tái hiện qua hình tượng nghệ thuật, góp phần đẩy lùi những hiện tượng giả danh “hình tượng nghệ thuật” để tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại nền tảng văn hóa dân tộc mà các thế lực thù địch đã, đang và sẽ thực hiện.
Chương trình nghệ thuật tại Hội nghị Tuyên dương Gương Điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa Toàn quốc năm 2023. Ảnh: Vietnam+
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của Ngành Văn hoá Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2023) và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hoá toàn quốc năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn gửi đến toàn thể các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch rằng: “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất; rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”[1].
Theo đó, chúng ta thấy rõ rằng, có quá nhiều điều hấp dẫn mà môi trường văn hóa mời gọi người sáng tạo, tuy nhiên, lựa chọn chủ đề để sáng tạo không phải là điều dễ dàng. Bởi bên cạnh sự dồi dào của tiềm năng văn hóa, sự thú vị của các giá trị văn hóa, sự đa dạng và phong phú nhưng không hề dễ dàng giải mã, … thì người sáng tạo phải đối mặt với việc làm sao để những gì đã có sẵn ấy gắn với sản phẩm sáng tạo của mình sẽ trở nên lôi cuốn, sáng tạo mà không bị rơi vào thế “sáo mòn và lặp lại”. Bên cạnh đó, quá trình sáng tạo của mỗi người luôn rất cần sự dấn thân, đam mê và khai phá. Nghĩa là, người sáng tạo trước hết phải là người yêu văn hóa, phải có kiến thức sâu rộng trên nhiều khía cạnh của giá trị văn hóa mà tác giả muốn gửi gắm vào trong hình tượng nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ một loại tư duy đặc biệt: tư duy hình tượng – là một trong 03 loại tư duy: tư duy khái niệm – logic, tư duy hành động – trục quan và tư duy hình tượng – cảm tính. Hình tượng là sự hóa thân một cách hài hòa về nhân cách và cá tính của tác giả. Qua hình tượng nghệ thuật người nghệ sĩ phản ánh cuộc sống một cách sáng tạo, bằng những hình thức sinh động, cảm tính, nhằm lý giải, khái quát về đời sống gắn liền với một ý nghĩa tư tưởng, cảm xúc nhất định, xuất phát từ lý tưởng thẩm mỹ. Mỗi hình tượng là một tế bào góp phần làm nên sản phẩm nghệ thuật, trong đó chứa đựng nội dung của cuộc sống, những thông tin về đời sống, những quan niệm, tư tưởng, cảm xúc của chính tác giả. Do vậy, nhân cách trung thực, cá tính riêng độc đáo của bản thân người nghệ sĩ khi lắng sâu vào sắc màu chung của văn hóa dân tộc sẽ tạo được hình tượng mới.
Nghệ thuật là hình ảnh của cuộc sống khách quan được phản chiếu qua đôi mắt chủ quan của người nghệ sĩ tinh tế, đa cảm, sâu sắc. Yếu tố chủ quan chi phối đến cả quá trình sáng tạo của tác giả và chính điều đó đã làm nên phong cách riêng của từng nghệ sĩ. Vì thế, trong một tác phẩm nghệ thuật luôn có sự hòa quyện không thể tách rời của hai yếu tố khách quan và chủ quan. Những sản phẩm sáng tạo như vậy sẽ thấm sâu vào tiềm thức của công chúng và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người ở những thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, giá trị di sản văn hóa luôn gắn với khoảng cách giữa không gian và thời gian khá rộng nên bản thân chúng có nhiều góc khuất. Dù tồn tại ở các thời khác nhau với những cách biểu đạt khác nhau nhưng những tư tưởng lớn vẫn gặp nhau và thống nhất khi chỉ ra các phương thức phản ánh đặc thù của nghệ thuật đó là hình tượng. Ví như, khi nói đến thủ đô Hà Nội, nhiều người sẽ nhớ ngay đến giai điệu của bài ca bất hủ, gắn liền với khí phách anh hùng nhưng rất hào hoa của con người Hà Thành với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân. “Hà nội niềm tin và hy vọng” ra đời và câu chuyện của người sáng tạo ra nó đã không sợ hãi, chấp nhận hy sinh để tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh để có ca từ “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền” là mẫu hình “dấn thân” rất đẹp trong hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ. Chính điều đó cho thấy, sự xuất hiện song hành hai xu hướng sáng tác: Nghệ thuật đơn thuần và Giải trí đơn thuần ở một số bộ môn nghệ thuật trong thời gian qua là các sản phẩm chưa chín muồi về phương pháp và chưa hoàn thiện về phong cách biểu đạt nên luôn rơi vào tình cảnh “sớm nở, tối tàn”. Sự ra đời những tác phẩm có biểu hiện xa rời đời sống thực tiễn, thiếu am hiểu con người trong môi trường văn hóa dân tộc cũng như diễn biến của thời cuộc, thiếu vắng sự cách tân để đột phá về thủ pháp, bút pháp; thậm chí là lạc hậu về nhận thức lịch sử và xã hội… đã gây tác động tiêu cực đối với công chúng tiêu dùng. Công chúng tiêu dùng nghệ thuật luôn mong mỏi các hình tượng được chắc lọc từ tinh túy của hai xu hướng nghệ thuật và giải trí, vừa mang sức nặng trí tuệ vừa hàm chứa chiều sâu cảm xúc, vừa thấm sâu mỹ cảm vừa hấp dẫn tự nhiên.
Vì thế việc tìm đến để giải mã giá trị di sản văn hóa và xây dựng hình tượng không dành cho những người hời hợt và tranh thủ những “góc khuất” ấy để suy diễn một cách thiếu căn cứ! Góc khuất ấy với người sáng tạo “đủ tầm”, luôn dấn thân để khám phá sẽ là nơi để kiến giải một cách mang hàm ý tư tưởng cao, có giá trị thẩm mỹ đích thực đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa của công chúng.
Sản phẩm sáng tạo mang hình tượng để nuôi dưỡng tình yêu nước. Việc giáo dục văn hóa qua hình tượng nghệ thuật hiện nay là rất quan trọng. Điều quan trọng là hình tượng nghệ thuật đó cho ra “gương mặt của thời đại” với những góc nhìn sáng tạo mới. Khát vọng gắn liền với mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam được đề xướng gần đây rất cần sự ra đời của nhiều hình tượng nghệ thuật như thế. Từ những hình tượng đó, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận, suy ngẫm và lựa chọn cho riêng mình những mẫu hình lý tưởng để nêu gương, phấn đấu, học tập và làm theo. Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một hình tượng tiêu biểu trong rất nhiều các hình tượng khác nhau trong xu thế vận động của môi trường văn hóa mới mà văn nghệ sĩ có trách nhiệm khám phá và nêu gương trong thời gian tới. Do vậy, xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ mới, lấy lực lượng trẻ làm nòng cốt, toàn tâm, toàn ý với Tổ quốc và nhân dân để có nhiều hình tượng nghệ thuật trong môi trường văn hóa mới là yêu cầu khách quan và rất cấp thiết. Những hình tượng như vậy ra đời sẽ đủ sức vượt qua những “hình tượng” có tính chất bôi đen, lồng ghép vô lối để tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại nền tảng văn hóa dân tộc mà các thế lực thù địch đã, đang và sẽ thực hiện.
Tập trung sự quan tâm tới quá trình sáng tạo về công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân ta; biết coi trọng giá trị văn hóa của dân tộc đồng thời cũng biết chọn lọc tiếp thu những cái hay của thế giới là những đòi hỏi chung của toàn dân tộc. Tham gia xây dựng hình tượng để góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch; chống tham nhũng, làm trong sạch xã hội, xây dựng giang sơn mạnh giàu cũng như bảo vệ chủ quyền đất nước luôn là những chủ đề bao quát, cần sự vào cuộc của nhiều và ngày càng nhiều các văn nghệ sĩ “đủ tầm”, dám dân thân giúp công chúng trong xã hội được thưởng thức những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật “xứng tầm” để cùng suy ngẫm, cùng hành động vì một môi trường văn hóa văn minh, hiện đại trong xu thế phát triển mới.
[1]Nhiệm vụ chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài; http://baovannghe.com.vn/fcviet-1-2-28544.html
Phương Nam