Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945). Trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn đã có một hệ thống văn bản hành chính do Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình được gọi là Châu bản triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn có giá trị độc đáo về hình thức, xác thực về nội dung, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế đã phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế - xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Tháng 5/2015 Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và vào ngày 30/10/2017 đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới.
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính do các quần thần hoặc các cơ quan trong chính quyền triều Nguyễn soạn thảo đệ trình nhà vua và được nhà vua phê chuẩn bằng mực son trên văn bản để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội. Châu bản Triều Nguyễn bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiến,… Ngoài các văn bản có bút tích ngự phê còn có các bản Thượng dụ hoặc Chiếu chỉ do đích thân nhà vua ra ý chỉ ban hành và một số quốc thư trao đổi hay hòa ước ký kết với ngoại quốc. Đến nay, số lượng Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ gồm 773 tập gốc của 11/13 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Ảnh: Châu bản Triều Nguyễn về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa ngày 13 tháng 7 năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (ngày 13/8/1837)
Loại hình văn bản được sử dụng trong Châu bản triều Nguyễn rất đa dạng và phong phú, mỗi loại đều có quy định và chức năng sử dụng cụ thể đáp ứng nhu cầu công việc và đối tượng ban hành. Theo thống kê, có hơn 20 loại hình văn bản được sử dụng trong Châu bản triều Nguyễn như: chiếu, dụ, chỉ, tấu, khải, bẩm, tư trình, phúc trình, phiến trình, thông tri, phiếu nghĩ,… Đây là những loại hình văn bản được sử dụng nhiều, thẩm quyền ban hành và công dụng được phân biệt cụ thể:
Chiếu, Dụ, Chỉ: Là những loại hình văn bản hành chính thường được nhà vua dùng để công bố cho thần dân biết chủ trương, quyết sách, mệnh lệnh hoặc những chỉ thị mang tính pháp quy.
Tấu: Là loại hình văn bản do các bộ nha ở trung ương và địa phương dùng để tâu bày với nhà vua những nội dung công việc trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Khải, Bẩm: Là loại hình văn bản do các bầy tôi, thần dân trình lên các bộ, nha xin tấu lên nhà vua.
Tư trình, Phúc trình, Phiến lục, Thông tri: Là những loại hình văn bản dùng để trao đổi, phúc đáp, giải quyết công việc giữa các cấp hoặc văn bản của các nha môn gửi cho cơ quan cấp dưới.
Phiếu nghĩ: Là loại hình văn bản ghi ý kiến của các Bộ, Nha hoặc Nội các khi tiếp nhận giải quyết công việc do các địa phương, nha môn đệ trình trước khi chuyển nhà vua xem duyệt.
Các nhà vua triều Nguyễn thường có các hình thức ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn như:
Châu điểm: Là một nét son được nhà vua chấm lên đầu văn bản sau khi xem duyệt và chuẩn tấu nội dung văn bản trùng với quan điểm của nhà vua.
Châu phê: Là một đoạn văn, một câu hoặc một vài chữ do nhà vua trực tiếp viết thường ở đầu hoặc cuối văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo, cũng có khi nhà vua phê xen vào giữa các dòng văn bản khi cần cho ý kiến.
Châu khuyên: Là những vòng son được nhà vua khuyên quanh điều khoản, tên người hoặc vấn đề được chấp thuận.
Châu mạt: Là nét son được nhà vua phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn của nhà vua hoặc có thể là sự không chấp thuận của nhà vua về vấn đề trình tấu.
Châu sổ: Là nét gạch xoá trực tiếp của nhà vua lên các đoạn văn, các câu hoặc những chữ trong văn bản tấu trình phải sửa chữa hoặc không được nhà vua chuẩn y.
Châu cải: là những nét son chấm bên cạnh hoặc gạch sổ lên dòng chữ mà nhà vua có ý phủ nhận, bác bỏ trong văn bản và viết chữa lại bên cạnh thể hiện quan điểm của nhà vua.
Châu bản triều Nguyễn với ngự phê của vua Tự Đức - Ảnh: tienphong.vn
Châu bản là khối văn thư hành chính của triều đình nhà Nguyễn đã phản ánh bao quát gần như toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế, xã hội và con người ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,…
Hoạt động quân sự và an ninh xã hội: những cuộc xung đột giữa quân đội triều đình với quân đội Pháp, các cuộc đàn áp quân nổi dậy chống chính quyền của triều đình, các cuộc khởi nghĩa ủng hộ phong trào Cần Vương, xung đột tại các vùng biên giới,…
Hoạt động về tổ chức chính quyền: Tổ chức bộ máy chính quyền ở trung ương và địa phương, chế độ lương thưởng, quan ngạch, thưởng phạt, thăng giáng chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ,…
Chính sách về ngoại giao: phái sứ bộ, trao đổi thư từ thăm hỏi với các quốc gia và hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh xã hội tại các vùng biên giới, trợ giúp cứu nạn tàu thuyền của các quốc gia qua lại trên hải phận của Việt Nam,…
Chính sách về kinh tế: Các chính sách về thuế và thúc đẩy sản xuất hàng hoá, xây dựng đường, cầu, cống, đê điều trị thuỷ, quản lý ruộng đất, đồn điền, doanh điền, khai hoang, lấn biển,…
Chính sách về văn hóa giáo dục: Thực hiện cải cách chế độ thi cử, xây dựng Quốc Tử giám, Quốc Sử quán và mở thêm nhiều trường dạy nghề, tổ chức biên soạn các bộ sách lịch sử, điển chế mang tính chính thống quốc gia,…
Các vấn đề về y tế: Tình trạng sức khỏe, các bài thuốc bổ, quý hiếm và chữa bệnh cho nhà vua, việc sinh tử của nhà vua và những người thân thích trong hoàng tộc,…
Các vấn đề của hoàng tộc: Việc tấn phong, kết hôn của các hoàng tử, hoàng tôn, công chúa và những sự việc xảy ra trong hậu cung,…
Những nội dung, sự kiện được ghi chép trong Châu bản mang tính xác thực cao. Đây là những thông tin phục vụ cho công tác quản lý xã hội và được các vua triều Nguyễn tiếp nhận, xử lý trong từng giai đoạn cụ thể của đất nước và các vua triều Nguyễn đã để lại bút tích trên văn bản như chữ viết của nhà vua, con dấu,... Châu bản được sử dụng là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ chính sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Minh Mệnh chính yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Tự Đức chiếu dụ, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập… Châu bản triều Nguyễn cũng góp phần làm chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số những Châu bản được lưu giữ có khoảng 19 Châu bản ghi lại cụ thể về việc triều Nguyễn hàng năm đã cử thủy quân Hoàng Sa ra 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật,… Những châu bản này đã thể hiện Việt Nam là một quốc gia rất có trách nhiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền bè của các nước gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Châu bản triều Nguyễn còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc và có ý nghĩa quốc tế. Châu bản triều Nguyễn lưu giữ nhiều bút tích phê duyệt trực tiếp của các vua triều Nguyễn bằng mực son và hệ thống ấn triện phong phú. Châu bản được soạn thảo và viết tay bằng bút lông với các hình thức ngự phê độc đáo, bút pháp tinh hoa, chữ viết đa dạng bởi các thư lại có khả năng văn chương, chữ viết đẹp và sử dụng 4 loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ (chữ Việt) trên những chất liệu văn bản đặc trưng truyền thống. Hệ thống chữ viết trên Châu bản phản ánh những chuyển biến trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 và những biến động trong hệ tư tưởng xã hội, sự tác động của văn hóa từ các quốc gia xâm chiếm tới các quốc gia thuộc địa. Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Singapore, Philippin, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha,…
Châu bản triều Nguyễn với 773 tập là khối tài liệu hành chính lưu giữ đầy đủ và hoàn chỉnh thông tin về một triều đại phong kiến ở Việt Nam. Đây là tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới khi lưu giữ những bút tích trên văn bản của các nhà vua triều Nguyễn phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước. Những nội dung trên các văn bản và bút tích phê duyệt của các vua, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết, chất liệu giấy, mực,… là những tư liệu có giá trị, cung cấp thông tin hữu ích trong nghiên cứu phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử.
Châu bản triều Nguyễn mặc dù bị hư hỏng và xuống cấp do khí hậu, chiến tranh và điều kiện bảo quản nhưng với những giá trị về lịch sử, có ý nghĩa quốc tế, tính toàn vẹn và độc đáo được lưu giữ đến hôm nay đã trở thành một trong những khối tài liệu lưu trữ quý hiếm, là di sản tư liệu rất có giá trị của Việt Nam.
Khánh An