Ngày 01/9/2021, Luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực, tiếp tục đưa ra những đòi hỏi vô lý về chủ quyền trên biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam tiếp tục khẳng định có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng sa, Trường Sa cũng như các phần lãnh hải trên biển Đông. Châu bản triều Nguyễn là bộ phận quan trọng trong những cơ sở lịch sử và pháp lý đó
Châu bản triều Nguyễn (1802-1945) là các văn bản hành chính được hình thành trong quản lý nhà nước bao gồm văn bản do nhà vua ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên nhà vua phê duyệt và một số văn kiện ngoại giao.
Châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập với khoảng 85.000 văn bản gốc (hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) phản ánh toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của Việt Nam từ đời vua Gia Long đến Bảo Đại.
Với những giá trị xác thực và ý nghĩa mang giá trị quốc tế, ngày 14/5/2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2017, UNESCO tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới. Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn, là những tư liệu đặc biệt quan trọng minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Đây là những chứng cứ mang giá trị kép, vừa lịch sử, vừa pháp lý, những chứng cứ có sức thuyết phục cao và không thể tranh cãi”[1].
Chứng cứ lịch sử về việc chiếm hữu thực sự, quản lý và thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Hiện nay có 19 đơn vị Châu bản triều Nguyễn phản ánh nội dung về quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được phát hiện, công bố. Nội dung các Châu bản cho thấy các vua triều Nguyễn đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như: hằng năm cử các đội thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát, trồng cây, cắm mốc, đo đạc thủy trình, đo đạc và vẽ bản đồ các đảo, bãi cát; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa; thu lượm các sản vật và vũ khí do các tàu thuyền bị đắm để lại; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chính sách thưởng phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa.
Có 06 Châu bản thể hiện đậm nét các hoạt động trong từng chuyến công vụ ra Hoàng Sa; 04 Châu bản miêu tả việc cứu hộ tàu buôn Pháp bị mắc cạn ở Hoàng Sa; 07 Châu bản thể hiện chính sách đối với những người thực thi công vụ sau các chuyến hải trình ở Hoàng Sa; 02 Châu bản xin phúc tâu về việc có đi Hoàng Sa không.
Đây là nguồn sử liệu có độ tin cậy cao, sức thuyết phục lớn về quản lý và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung các Châu bản cũng là nguồn tư liệu quan trọng để biên soạn các bộ chính sử như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, các bộ hội điển như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu…
Một góc đảo Trường Sa Lớn hôm nay (Ảnh: Nguyễn Văn Cường)
Giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia được coi là đã xác lập chủ quyền đối với một vùng đất vô chủ khi quốc gia đó đã thực sự chiếm hữu, thực thi quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách công khai, liên tục, hòa bình.
Nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã nâng tầm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên một vị thế mới về mặt quản lý nhà nước. “Nhà Nguyễn nâng công việc quản lý và thực thi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên tầm quốc gia, đặt dưới sự tổ chức và điều hành của triều đình do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và phê duyệt”[2].
Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn vẽ theo lệnh của vua Minh Mệnh, hoàn tất năm 1838) thể hiện rõ ràng hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nội dung 19 đơn vị Châu bản triều Nguyễn đã thể hiện sự tiếp nối liên tục của lịch sử, tính liên tục của chính quyền Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn trong quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào.
Là nguồn sử liệu quan trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Trong các nước, các bên tuyên bố chủ quyền và tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, không nước nào có Bộ châu bản triều đình có giá trị lịch sử và pháp lý nổi bật như Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn cung cấp những luận cứ khoa học, căn cứ pháp lý trong đấu tranh phản bác những thông tin lệch lạc, luận điệu xuyên tạc lịch sử chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Châu bản triều Nguyễn cho thấy các yêu sách và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn không có căn cứ lịch sử, pháp lý. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Là một quốc gia có nền văn minh lớn, sở hữu một di sản thư tịch cổ phong phú thuộc bậc nhất hoàn cầu, nhưng phía Trung Quốc cho đến nay vẫn không thể đưa ra được những bằng chứng lịch sử xác đáng mà chỉ đưa ra những khẳng định mơ hồ không đủ sức thuyết phục[3].
Gần 80 năm trước, trong tập diễn ca “Lịch sử nước ta” xuất bản tháng 2/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Người cũng từng đưa ra cảnh báo sâu sắc: “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài”[4]. Việc nghiên cứu, thông tin, tuyên truyền, trưng bày, triển lãm các nguồn tư liệu, bản đồ, trong đó có Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa to lớn nhằm “nuôi dưỡng quyết tâm, bồi đắp ý chí, xây dựng niềm tin”, hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có sức mạnh của chính nghĩa, lẽ phải, sức mạnh của sự thật lịch sử. Không có bất cứ một tuyên bố và hành động nào của Trung Quốc có thể thay đổi sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vạn Lý
Một số hình ảnh về Châu bản triều Nguyễn [5]
Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836)
Hai tờ châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) do nhà nghiên cứu Phan Thuận An (thành phố Huế) sưu tầm và công bố năm 2009. Nội dung cho thấy, trước khi thế chiến hai xảy ra (9/1939), quần đảo Hoàng Sa vẫn còn thuộc về chủ quyền của Việt Nam, mặc dù đất nước bấy giờ đang ở dưới sự “bảo hộ” của Pháp[6].
[1]. Phan Huy Lê: Châu bản triều Nguyễn và những chứng cứ lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, Tạp chí Xưa Nay, Đặc khảo Hoàng Sa và Trường Sa, số 449, tháng 7/2014, tr.17.
[2]. Nguyễn Văn Kết (Chủ biên): Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - sức mạnh từ tài liệu lưu trữ, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr.47.
[3]. Xem: Dương Trung Quốc: Nghĩ về Hoàng Sa, in trong sách: Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng, Nxb. Đà Nẵng, 2015, tr.193.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 671.
[5]. Nguồn: Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Học viện Chính trị khu vực III năm 2017.
[6]. Công bố của nhà nghiên cứu Phan Thuận An đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 9 (401), 2009; Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ thừa Thiên Huế, số 4 (75), 2009.