Trong 8 ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, chúng ta chứng kiến 3 Tổng thống Việt Nam Cộng hòa kế tiếp nhau ra vào Dinh Độc Lập, nhưng cuối cùng cũng không cứu vãn nổi sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam đã nhanh chóng đập tan từng mảng lớn bộ máy chiến tranh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giải phóng hàng loạt địa bàn rộng lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến đầu tháng 4/1975, sau 1 tháng thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn và 2 quân khu của của quân đội Việt Nam Cộng hòa, với 35% quân số, 40% lực lượng binh chủng kĩ thuật, thu và phá hủy 40% cơ sở vật chất-kỹ thuật của địch, giải phóng hoàn toàn 16 tỉnh với gần 8 triệu dân, gồm toàn bộ địa bàn Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ[1], từ Quảng Trị trở vào đến Kháng Hòa.
Đến ngày 19/4/1975, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ tiếp tục được giải phóng, trong đó có thị xã Phan Rang, tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa. Ngày 21/4/1975, Quân Giải phóng tiếp tục đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc - “cánh cửa thép” trực tiếp bảo vệ Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.
Trong cơn hấp hối, chuẩn bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ trong vòng 8 ngày, từ ngày 21 đến ngày 28/4/1975, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thay liên tiếp 03 người giữ chức vụ Tổng thống, nhằm cứu vãn tình thế và để thỏa thuận với lực lượng cách mạng về một chính phủ liên hiệp, nhưng cuối cùng, toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đồng minh Hoa Kỳ ở miền Nam vẫn phải đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Nguyễn Văn Thiệu
Ngày 21/4/1975, trước cuộc tiến công tốc chiến, tốc thắng của quân và dân ta, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải tuyên bố từ chức. Nguyễn Văn Thiệu vốn là một sĩ quan trong quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, năm 1963 đã tham gia đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm sau đó giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trong đó có chức Quốc trưởng. Đến tháng 10/1967, Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống dân sự của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Trong thời gian giữ chức Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu đã câu kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, biến miền Nam Việt Nam thành trại lính khổng lồ, lúc đỉnh điểm có hơn 500.000 lính viễn chinh Hoa Kỳ và đồng minh, cùng với quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có lúc lên tới hơn 1 triệu quân chính quy[2], 1,5 triệu phòng vệ dân sự[3] với nhiều loại vũ khí hiện đại do Hoa Kỳ cung cấp. Bên cạnh đó là các lực lượng cảnh sát, mật vụ “Phượng Hoàng”, cùng với hệ thống nhà tù, trại giam để giam giữ, đè nén nhân dân.
Nguyễn Văn Thiệu cùng với quân viễn chinh Hoa Kỳ ra sức thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với kế hoạch “tìm diệt”, “bình định” và sau đó là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” từ năm 1969, với hàng nghìn cuộc hành quân càn quét. Chỉ tính riêng năm 1973, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện gần 1.000 cuộc hành quân càn quét, lấn chiến ở các vùng tranh chấp từ cấp tiểu đoàn trở lên, cùng với 350.000 cuộc hành quân cảnh sát-bình định trong vùng chúng kiểm soát[4].
Tuy nhiên, khi buộc phải từ chức, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã nhận thức được rõ vị trí của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mang tiếng là một quốc gia trong thế giới tự do, nhưng thực chất do Chính phủ Hoa Kỳ dựng lên và phế bỏ khi không đáp ứng được những lợi ích của Hoa Kỳ. Nguyễn Văn Thiệu lên án gay gắt Hoa Kỳ đã bỏ rơi ông ta và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, Hoa Kỳ đã bắt chính quyền Việt Nam Cộng hòa làm một việc mà chính Hoa Kỳ và đồng minh với hơn nửa triệu binh hùng, tướng mạnh và chi phí tới hơn 300 tỉ đô la trong 6 năm đã không làm được. Việc Hoa Kỳ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa là “hành động vô nhân đạo của một nước đồng minh vô nhân đạo”[5].
Ngày 26/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay sang Đài Loan, lấy danh nghĩa là đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến phúng điếu Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Trung Hoa Dân quốc, người đã qua đời từ ngày 5/4/1975. Thực chất đây là hành động bỏ chạy khỏi đất nước của Nguyễn Văn Thiệu.
Trần Văn Hương -Tổng thống 5 ngày
Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, theo đề nghị của Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Trần Văn Hương[6] lên nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Tổng thống 5 ngày Trần Văn Hương
Thực chất Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Trần Văn Hương lên thay mình theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa là một đòn “chơi khăm” các thế lực chính trị trên chính trường Sài Gòn đã từ lâu đòi ông ta từ chức. Điều này sau này được Nguyễn Văn Thiệu thừa nhận. Thiệu không muốn người ra làm Tổng thống có đủ khả năng cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa để chứng tỏ mình là người đã làm hết sức, hết khả năng, nhưng sự sụp đổ là khó tránh khỏi.
Về phần mình, các lực lượng chính trị đối lập ở Sài Gòn tiếp tục đấu tranh đòi Trần Văn Hương từ chức. Họ cho rằng Chính phủ Trần Văn Hương thực chất là “Chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng cho rằng Chính phủ Trần Văn Hương, với lập trường chống cộng quyết liệt, không phải là sự lựa chọn hợp lý lúc này. Các tổ chức chính trị, đoàn thể tại Sài Gòn ra 48 bản tuyên cáo đòi Trần Văn Hương từ chức. Ngày 26/4/1975, Quốc hội Sài Gòn với 147/151 phiếu đồng ý buộc Trần Văn Hương phải chuyển giao chính quyền cho Dương Văn Minh.
Tổng thống Trần Văn Hương là ông già ốm yếu, không có uy tín trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nên trước sự phản đối mạnh mẽ của các lực lượng chính trị Sài Gòn, đặc biệt là trước sự tiến công mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam, Hoa Kỳ tiếp tục gạt Trần Văn Hương ra khỏi sân khấu chính trị của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Dương Văn Minh-Tổng thống 2 ngày
Ngày 26/4/1975, Trần Văn Hương từ chức. 22 giờ ngày 27/4/1975, Dương Văn Minh[7], người mà Hoa Kỳ và một số thế lực quốc tế khác tin rằng có thể đứng ra thương lượng với lực lượng cách mạng, được cử làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Khi Dương Văn Minh lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đã bước vào giai đoạn quyết định. 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định đã chính thức mở màn[8].
5 cách quân với tổng số 270.000 người[9] từ 5 hướng[10] bắt đầu nổ súng tiến công hướng về Sài Gòn, nơi đóng các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của Quân Giải phóng, 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng Thống Dương Văn Minh cho phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn lời tuyên bố đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng.
Tổng thống 2 ngày Dương Văn Minh
Đến 10 giờ 45 ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân Giảỉ phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập. Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh được đưa đến Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc bản tuyên bố đầu hàng, do Quân Giải phóng soạn, trong đó có đoạn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam". Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh đã được đại diện Quân Giải phóng chấp nhận.
Như vậy, trong thời gian khoảng hơn 3 giờ đồng hồ trưa ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh với tư cách là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đã 2 lần tuyên bố kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng hòa buông súng, từ chỗ đơn phương ngừng bắn đến chỗ phải đầu hàng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ chỗ bàn giao chính quyền đến chỗ phải giải tán hoàn toàn. Tuyên bố này của Dương Văn Minh góp phần làm cho lực lượng quân đội và bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhanh chóng hơn, cuộc tiến công giải phóng những địa bàn còn lại của quân và dân ta ở miền Nam thuận lợi hơn.
Đến đầu tháng 5/1975, toàn bộ các vùng đất trên đất liền và các đảo, hải đảo (trừ quần đảo Hoàng Sa và 1 số đảo thuộc quần đảo Trường Sa do nước ngoài chiếm giữ) đã được giải phóng.
Với hành động liên tục thay thế 3 người giữ chức Tổng thống trong 8 ngày cuối tháng 4/1975, Hoa Kỳ cùng với quốc gia có liên quan và chính quyền Việt Nam Cộng hòa mong muốn có được cuộc đàm phán với lực lượng cách mạng, nhằm đạt được thỏa thuận về thành lập chính phủ liên hiệp, cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Nhưng quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên, tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng, đập tan bộ máy chiến tranh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm (1945-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hải Đăng
[1] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 696
[2] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, Sđd, tr. 729
[3] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2015, tr.101
[4] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước -Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.101.
[5] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 2 (1954-1975), Sđd, tr. 712
[6] Trần Văn Hương sinh năm 1902, quê tỉnh Vĩnh Long, từng 2 lần giữ chức Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào các năm 1964-1965 và 1968-1969, Phó Tổng thống 1971-1975.
[7] Dương Văn Minh, sinh năm 1916, tại Mỹ Tho. Năm 1963, Dương Văn Minh từng cầm đầu nhóm tướng lĩnh quân sự thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng nhưng sau đó bị phế truất.
[8] Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
[9] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Sđd, tr. 713
[10] Hướng Bắc, Quân đoàn 1, hướng Đông Nam, Quân Đoàn 2, hướng Tây Bắc Quân đoàn 3, hướng Đông Bắc Quân đoàn 4, hướng Tây Nam, Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn).