Lý Sơn (Cù Lao Ré) - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, cùng với sự phát triển phong trào cách mạng trong cả nước và tỉnh Quảng Ngãi, Chi bộ đầu tiên ở đảo Lý Sơn được thành lập (22/02/1931) do đổng chí Trần Duy Kiên làm Bí thư
Phong trào yêu nước, cách mạng trên đảo
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập phong trào yêu nước ngày càng mạnh mẽ. Từ đó xuất hiện phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản, mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập là tổ chức tiêu biểu.
Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi được thành lập. Lần lượt sau đó, các phủ, huyện trong tỉnh đều tiến hành thành lập các chi hội thuộc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Thông qua những người buôn bán từ đất liền ra đảo, nhân dân Lý Sơn bắt đầu biết đến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Một số người có tư tưởng yêu nước, nhất là tầng lớp thanh niên, đã đi vào đất liền Quảng Ngãi hoặc đi theo ghe buôn ra Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, tìm hiểu tổ chức cách mạng mới, về truyền bá cho các tầng lớp nhân dân.
Năm 1929, ông Phan Nật đi ghe ra buôn bán ở Quảng Bình gặp đưọc 2 cô trợ giáo tên là Du và Tằm, quê ở Nghệ An là những người hoạt động cách mạng[i]. Hai cô trợ giáo này tuyên truyền, giác ngộ Phan Nật về đường lối, chủ trương đấu tranh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Khi trở về đảo, ông Phan Nật bí mật mang theo tài liệu cách mạng và phổ biến cho một số người có tư tưởng tiến bộ ở đảo như Đỗ Tư, Trần Hoài...
Thông qua những hoạt động đầu tiên này, nhân dân Lý Sơn từng bước tiếp thu đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, chỉ rõ cho họ thấy sự thối nát của chế độ thực dân phong kiến và kêu gọi họ đứng lên đấu tranh, trước hết là giành đưọc quyền lợi thiết thực hằng ngày của nhân dân trên đảo. Một số tổ chức cách mạng bí mật như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ lần lượt ra đời.
Thành lập chi bộ đầu tiên
Tháng 3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập.
Tại Lý Sơn, những nhà hoạt động yêu nước tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cộng sản ở đất liền, đồng thời gấp rút thực hiện việc tuyên truyền những quan điểm chủ yếu của tư tưởng cộng sản mà họ thu nhận được cho quần chúng nhân dân.
Đánh giá cao tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của nhân dân Lý Sơn và nhận thức được việc cần phải có tổ chức đảng để lãnh đạo sâu sát và kịp thời phong trào cách mạng của nhân dân trên đảo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp bàn và đề ra chủ trương tuyên truyền, vận động, sớm thành lập chi bộ đảng ở Lý Sơn.
Toàn cảnh huyện đảo Lý Sơn hôm nay
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện uỷ Sơn Tịnh cử đồng chí Nguyễn Trợ ra hoạt động, xây dựng phong trào cách mạng ở Lý Sơn.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 22 /02 /1931, tại nhà ông Trần Hào, dưới sự chỉ đạo và chủ trì của đồng chí Nguyễn Trợ, chi bộ cộng sản đầu tiên của Lý Sơn chính thức được thành lập, gồm 5 đảng viên, là các đồng chí: Trần Duy Kiên, Phạm Lệ, Phan Nật, Trần Hoài. Đồng chí Trần Duy Kiên được phân công làm Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Lệ làm thư ký Nông hội đỏ, đồng chí Phan Nật phụ trách kinh tài, đồng chí Trần Hoài phụ trách tuyên truyền. Ông Trần Hào là cơ sở cách mạng được giao nhiệm vụ liên lạc cho chi bộ.
Thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển
Sự ra đời của chi bộ đảng ở Lý Sơn là một sự kiện lịch sử đánh dấu bước chuyển rất cơ bản của phong trào cách mạng trên đảo. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động yêu nước ở Lý Sơn đã có sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong, đó là chi bộ đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chi bộ.
Sau khi đưọc thành lập, chi bộ tích cực hoạt động đề xây dựng và củng cố tổ chức, phát triển cơ sở cách mạng và tìm ra các biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Trong một thời gian ngắn, nhiều cuộc họp bí mật của chi bộ được tiến hành tại nhà đồng chí Trần Hào. Các đồng chí đảng viên bàn nhiều vấn đề thiết thực để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng trên đảo. Từ đất liền, các cơ sở cách mạng bí mật chuyển giao nhiều tài liệu, sách báo cách mạng cho chi bộ trên đảo. Nhiều quần chúng có tư tưởng tiến bộ được chi bộ tuyên truyền, giác ngộ, kết nạp Đảng. Sau 2 tháng kề từ khi thành lập chi bộ, số lượng đảng viên ở Lý Sơn tăng lên gần 30 đồng chí.
Sự ra đời của chi bộ đảng đầu tiên ở Lý Sơn và phong trào cách mạng của quần chúng diễn ra ngày càng mạnh mẽ làm cho thực dân Pháp và tay sai lo sợ, tìm cách đối phó. Chúng lập xã đoàn, đoàn phu và đoàn thập để tuần tra, lùng sục các cơ sở cách mạng. Cả ban ngày và ban đêm, chúng kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên đảo, nghiêm cấm các cuộc tụ tập đông người. Chúng đặt thêm chức “Tộc biểu” trong từng dòng họ để buộc các Tộc biểu giám sát con em trong họ. Mặt khác, chúng kiềm soát chặt chẽ, ngăn chặn mọi sự liên lạc giữa các cơ sở cách mạng ở đảo với đất liền. Chúng bố trí mật thám trà trộn trong dân, lính khố xanh ngày đêm canh gác, tuần tra, sục sạo khắp các ngả đường, chặn bắt, khám xét những người tình nghi tham gia hoạt động cách mang.
Do sự kiềm soát gắt gao của địch, chỉ 2 tháng sau khi chi bộ đầu tiên đưọc thành lập, địa điềm họp tại nhà đổng chí Trần Hào bị lộ. Nhưng nhờ sự cảnh giác của các đồng chí đảng viên và một số cơ sở quần chúng, nên chi bộ kịp thời chuyền địa điềm họp sang nhà ông Nguyễn Đằng (thầy Linh).
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tổ chức Nông hội đỏ do đồng chí Phạm Lệ làm thư ký, Hội Cứu tế đỏ do đồng chí Nguyễn Biên làm thư ký có những hoạt động tích cực, góp phần vào sự phát triển cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi cũng như cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023) và 92 năm Chi bộ đầu tiên ra đời ở đảo Lý Sơn, chúng ta cùng “ôn cố để tri tân”, thêm tự hào truyền thống lịch sử của Đảng bộ và nhân dân đảo Lý Sơn, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Hòa Phạm
[i] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lý Sơn (2020), Lịch sử Đảng bộ huyện Lý Sơn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, trang 28.