Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng khẳng định tầm quan trọng của công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng với quan điểm “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, thể hiện trong tác phẩm Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt, được Người viết tháng 10/1963
Cách đây 40 năm, ngày 31/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt, đăng trên Báo Nhân dân, số 3503, khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”[1].
Chi bộ có vai trò quan trọng như vậy, muốn thực hiện tốt đường lối của Đảng phải chăm lo củng cố chi bộ. Chi bộ tốt thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng mới được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng và ngược lại, nếu chi bộ yếu kém thì chủ trương, đường lối của Đảng không đi được vào cuộc sống.
Khẳng định vai trò của chi bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của chi bộ đối với công tác xây dựng Đảng và trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng: “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”[2] và “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”[3].
Chi bộ có vai trò quan trọng như vậy, do đó, Người chỉ rõ nhiệm vụ của Chi bộ là: “Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng. Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân…Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân,…”[4].
Người còn đi sâu phân tích, đưa ra những luận điểm mới về nhiệm vụ của chi bộ. Đối với chi bộ cơ quan, Người chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể là: “Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính; làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái với luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động…”[5].
Đối với chi bộ ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã... Phải nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ của xã viên... Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng. Phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu)
Về cách tổ chức và nhiệm vụ của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, phải tổ chức các chi bộ sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình ở Việt Nam, vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân chiếm đa số trong dân chúng, giai cấp công nhân còn nhỏ yếu.
Không những thế, trong từng giai đoạn cách mạng, yêu cầu nhiệm vụ và hình thức tổ chức của chi bộ phải thay đổi sao cho thật phù hợp. Người khẳng định: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”[7].
Vai trò của chi bộ dù ở giai đoạn cách mạng nào cũng là hạt nhân, do vậy, trong công tác lãnh đạo, phải bảo đảm nguyên tắc đoàn kết nội bộ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và muốn làm tốt việc ấy nội bộ phải dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình.
Người thường xuyên nhắc nhở các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Hơn nữa, nhằm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của chi bộ trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải không ngừng hoàn thiện phương thức hoạt động, lối làm việc cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng loại đơn vị cơ sở.
Nêu rõ những nhiệm vụ của chi bộ, của đảng viên
Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương. Để xây dựng chi bộ vững mạnh, trước hết, cần phải tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957 (Ảnh tư liệu)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên của chi bộ cần thực hiện tốt 10 nhiệm vụ sau: Một là, tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao; hai là, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng; ba là, phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng; gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia; bốn là, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình; năm là, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sáu là, luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng; ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng; bảy là, gương mẫu trong lao động, sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô; tám là, thực hành tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng; chín là, tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng; mười là, giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà nước và luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch[8].
Cùng với chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán trong các chi bộ cơ sở. Chính Người đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, duy trì, đẩy mạnh phong trào này trong toàn Đảng cho đến phút cuối đời.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn, muốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”; “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [9]. Để làm được điều đó: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[10].
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr 193.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr .285.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 285.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr 286.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr 453.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr 467.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr28 .
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr 243 .
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 612 .
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 612 .