Sau Cách mạng tháng Tám, chế độ mới đứng trước những thử thách to lớn, được mô tả ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Đảng đã ban hành một chỉ thị quan trọng, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua những ngày đầu đầy khó khăn, thử thách
Tình hình khó khăn, phức tạp
Cách mạng tháng Tám thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, chế độ mới sớm phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Nạn đói chưa được khắc phục thì lụt lội, hạn hán dẫn đến mất mùa liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống hằng ngày của hàng triệu người dân từ thành thị đến nông thôn.
Nền công nghiệp vốn nhỏ bé, trang bị cũ kỹ, sản xuất lại bị đình đốn vì thiếu nguyên liệu, bị phân tán và còn nằm trong tay giới chủ ngoại quốc, phụ thuộc nặng nề vào tư bản nước ngoài.
Ngoại thương bế tắc, buôn bán với nước ngoài đình trệ, hàng hoá trong nước khan hiếm, giá cả tăng vọt.
Nền tài chính quốc gia khánh kiệt, kho bạc trống rỗng.
Hậu quả về mặt xã hội cũng rất nặng nề. Trên 90% số dân không biết chữ.
Về quan hệ ngoại giao, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa được một nước nào trên thế giới công nhận, ở vào thế đơn độc, không có một lực lượng nào bên ngoài hỗ trợ.
Sau cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang cách mạng đang trong bước đầu xây dựng. Các đơn vị quân đội chính quy được gấp rút xây dựng nhưng phần lớn cán bộ chỉ huy chưa được đào tạo về kỹ thuật, chiến thuật quân sự và chưa có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu. Trang bị của bộ đội còn thô sơ, thiếu thốn và không đồng bộ. Tại Nam Bộ, nơi sớm phải đương đầu với cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, lực lượng vũ trang cách mạng được tổ chức thành các sư đoàn chính quy, dưới danh nghĩa các sư đoàn “cộng hoà vệ binh”, “dân quân cách mạng”, tuy nhiên, lực lượng này hết sứ phức tạp cả về thành phần và tư tưởng chính trị, tinh thần chiến đấu kém, nhanh chóng phân hoá, tan rã trước sức tiến công mạnh mẽ của kẻ thù.
Cách mạng vừa thành công, mặc dù hệ thống chính quyền các cấp đã được thành lập từ Trung ương tới địa phương trên địa bàn cả nước, song hiệu lực quản lý, điều hành còn hạn chế.
Hệ thống tổ chức Đảng đã được xây dựng ở phần lớn các tỉnh, thành trên cả nước, nhưng vẫn còn một số tỉnh như Hải Ninh, Sơn La… chưa có cơ sở Đảng, đảng viên.
Những khó khăn nói trên hết sức to lớn, nhưng nghiêm trọng hơn cả là nạn “thù trong giặc ngoài”, trực tiếp đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Những ngày đầu tháng 9/1945, trên đất nước ta, gần 30 vạn quân gồm quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa, quân đội Anh và quân đội Pháp núp bóng quân đội Anh tràn vào nước ta. Lực lượng này chiếm đóng các địa bàn có tầm quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế; đặc biệt là thủ đô Hà Nội, các thành phố, thị xã và các tuyến giao thông huyết mạch. Đất nước rơi vào nguy cơ “lửa cháy hai đầu”. Theo gót quân đội nước ngoài, các thế lực phản động người Việt cũng kéo về trong nước, ra sức hoạt động chống phá cách mạng.
Quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Ảnh tư liệu)
Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, được sự hỗ trợ của quân đội Anh, quân Pháp bất ngờ đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ, Sở cảnh sát, Trại cộng hoà vệ binh, cơ quan Quốc gia tự vệ cuộc (cơ quan công an), nhà Ngân hàng, Khám lớn, Sở bưu điện... khởi đầu cuộc xâm lược nước ta một lần nữa.
Từ Nam Bộ, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp dần dần lan ra một số tỉnh Nam Trung Bộ. Đánh chiếm tới đâu, quân Pháp chiêu tập tất cả các tổ chức và những phần tử phản động, lập ngụy quân, ngụy quyền tới đó.
Chưa có thời kỳ nào, cách mạng nước ta cùng một lúc phải đối mặt với những thách thức lớn lao như những năm 1945, 1946. Trên khắp cả nước có tới 24 đảng phái và tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, trong đó 11 đảng phái thân Pháp; một số thân Mỹ - Trung Hoa dân quốc, Nhật và một số lập trường ngả nghiêng, xu thời. Hầu hết các đảng phái phản động trên đây đều đòi giải tán Đảng Cộng sản, đòi tham gia chính quyền, nắm giữ các cơ quan quan trọng, hòng từng bước chiếm đọat thành quả của Cách mạng Tháng Tám từ tay Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh.
Những khó khăn, thách thức về mọi mặt nêu trên đặt chính quyền dân chủ nhân dân và vận mệnh đất nước vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Chỉ thị quan trọng
Cân nhắc khó khăn và thuận lợi cơ bản, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc vào 25/11/1945.
Chỉ thị nhận định tình hình thế giới, tình hình trong nước, thái độ của các nước đế quốc đối với cách mạng Đông Dương, trên cơ sở đó, đề ra những vấn đề cơ bản về chủ trương, đường lối và phương pháp cách mạng.
Chỉ thị nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” và tiếp tục đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”, nhưng nội dung vấn đề dân tộc lúc này là phải giữ vững chính quyền vừa mới giành được. Thấm nhuần quan điểm của Lênin, Đảng ta xác định nhiệm vụ này rất khó khăn vì giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó khăn hơn nhiều.
Mặt khác, để tránh rơi vào tình thế một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Đảng đã lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để phân hoá chúng, từ đó, chỉ thị chỉ rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”. Đồng thời, Đảng chủ trương mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tăng cường đoàn kết nhân dân Việt - Miên –Lào chống thực dân Pháp xâm lược.
Chỉ thị đề ra hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Hai nhiệm vụ này có quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau.
Để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, Đảng đề ra một số nhiệm vụ cấp bách:
Về đối ngoại, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ của nhân dân tiến bộ.
Về đối nội, củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, chống thực dân Pháp xâm lược, cải thiện đời sống nhân dân.
Đơn vị trinh sát đặc biệt trấn áp lực lượng Quốc dân Đảng phản động
tại phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946 (Ảnh tư liệu)
Chỉ thị đề ra một loạt các chủ trương, biện pháp có tầm chỉ đạo chiến lược toàn diện để củng cố chính quyền, làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh chung.
Về quân sự, động viên toàn dân kháng chiến; tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; kết hợp chiến thuật chiến tranh du kích và sự bất hợp tác với Pháp; giữ vững liên lạc, thống nhất chỉ huy, tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ; xây dựng kế hoạch tiến công, phòng thủ; phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang Miên, Lào…
Về chính trị, tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân; nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, ban hành những sắc lệnh mang lại quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ở các địa phương, kiên quyết đấu tranh chống các thế lực phản quốc; …
Về kinh tế-tài chính, huy động các nguồn lực nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển thương nghiệp, xây dựng hệ thống ngân hàng, thuế, ngân quỹ, phát hành giấy bạc…
Về văn hoá- xã hội, bài trừ nạn mù chữ, cải cách hệ thống giáo dục và xây dựng nền giáo dục mới, xây dựng nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá. Tổ chức các quỹ cứu tế, cứu đói cho nhân dân, kêu gọi “sẻ cơm nhường áo”, lòng yêu nước thương nòi trong đồng bào, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tiến tới xoá bỏ nạn đói.
Về ngoại giao, thực hiện nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ” nhằm thêm bạn, bớt thù đồng thời chú ý vấn đề biểu dương thực lực để chứng tỏ sức mạnh và ý chí dân tộc. Trước mắt, đối với quân đội Trung Hoa dân quốc, chủ trương Hoa- Việt thân thiện; đối với thực dân Pháp, thực hiện độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Trong tuyên truyền quốc tế, phải tách riêng và chỉ công kích thế lực thực dân Pháp xâm lược, không công kích nước Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp; mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ với các nước đế quốc khác.
Về Đảng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Đảng, duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, phát triển đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan, xí nghiệp, trong quân đội; giữ vững sinh hoạt Đảng; mở rộng các tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác; sử dụng linh các hình thức hoạt động bí mật và hoạt động công khai …
Về Mặt trận Việt Minh, phát triển các tổ chức cứu quốc, thống nhất hệ thống các tổ chức cứu quốc lên toàn xứ và toàn quốc, không ngừng mở rộng thành viên Mặt trận nhằm đoàn kết rộng rãi hơn nữa các lực lượng yêu nước và tiến bộ; khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các tổ chức thành viên Mặt trận; chấn chỉnh Tổng bộ Việt Minh; xây dựng và duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Việt Minh thông qua các đảng đoàn…
Với những nội dung quan trọng trên đây, Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc là cương lĩnh hành động trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta. Nội dung văn kiện thể hiện rõ sự vững vàng, nhạy bén về chính trị và khả năng lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Chỉ thị phản ánh đúng quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám là xây dựng chế độ mới phải tiến hành đồng thời với bảo vệ chế độ mới. Ngược lại, muốn bảo vệ chế độ mới, phải trên cơ sở xây dựng chế độ mới. Đây chính là ánh sáng, là sức mạnh để con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua được những thác ghềnh nguy hiểm và lướt tới.
Đến tháng 12/1946, chế độ dân chủ nhân dân đã được củng cố vững chắc, chúng ta đã đủ sức mạnh đương đầu với hành động mở rộng xâm lược của thực dân Pháp, chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.
Bình Thi