Đúng như dự đoán của Trung ương Đảng, hai kẻ thù không thể chung mãi miếng mồi béo bở Đông Dương, ngày 9/3/1945, quân phiệt Nhật đã thực hiện đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời, sáng tạo ban hành bản chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, mở ra bước chuyển quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình thế giới và tình hình Đông Dương biến đổi nhanh chóng. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đi đến giai đoạn kết thúc với những thắng lợi liên tiếp của quân đội Liên Xô và Đồng Minh cùng các lực lượng dân chủ, hoà bình trên thế giới.
Trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật bị bao vây, uy hiếp. Tại Đông Dương, quân Pháp, một mặt thể hiện sự yếu thế đối với quân Nhật, một mặt, ráo riết hoạt động chuẩn bị đón thời cơ hòng khôi phục những quyền lợi đã mất.
Cuối năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh dự báo: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt... Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”[1].
Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận định, mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng sâu sắc và tất yếu “phát xít Nhật sẽ hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”. Trong bài "Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!" đăng trên báo Cờ Giải phóng (ngày 15-2-1944), Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra”. Đúng như dự đoán của Trung ương Đảng, đêm 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương.
Ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng, xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính, trước mắt của nhân dân Đông Dương. Bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ban hành ngày 12-3-1945) nhận định chuẩn xác tình hình; chỉ ra những cơ hội tốt giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi. Bản Chỉ thị nêu rõ kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật. Do đó, phải thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật, Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật" chống lại chính quyền Nhật và chính phủ thân Nhật. Chỉ thị nhấn mạnh, cuộc đảo chính đã tạo ra ở Đông Dương "một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc", tuy nhiên, "những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi"[2] vì quân Pháp tan rã, song quân Nhật chưa đến mức hoang mang cực độ, các tầng lớp trung gian chưa ngả hẳn về phía cách mạng, đội quân tiên phong chưa sẵn sàng.
Sĩ quan, binh lính Pháp quỳ gối đầu hàng Nhật, ngày 9/3/1945 (Ảnh Tư liệu)
Trên cơ sở phân tích tình hình, bản Chỉ thị vạch rõ những điều kiện của cuộc khởi nghĩa Đông Dương đang đi tới chín muồi nhanh chóng và quyết định "Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị phá phách cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy võ trang, du kích v.v... và "sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện"[3].
Bản chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện ngay những công việc cần kíp trong công tác tuyên truyền, công tác tổ chức, đấu tranh để sẵn sàng chớp thời cơ giành chính quyền trên tinh thần chủ động, dựa vào sức mạnh của chính nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng chỉ đạo của Đảng là “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”[4]. Căn cứ vào nội dung bản Chỉ thị, các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật mạnh mẽ, tạo tiền đề cho Tổng khởi nghĩa.
Bản Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta thể hiện tư duy khoa học, bản lĩnh cách mạng, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đảng đã xác định đúng kẻ thù, dự báo chuẩn xác thời cơ cách mạng, chủ động, sáng tạo, chuẩn bị mọi điều kiện làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến.
Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” không chỉ xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa, mà còn chỉ ra các tình thế cách mạng “có thể” tạo thành thời cơ cách mạng một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa thể hiện khả năng tư duy chiến lược của Đảng, vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Điều cực kỳ quan trọng là sau khi khẳng định cuộc đảo chính Nhật – Pháp đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, Ban Thường vụ Trung ương sáng suốt chỉ ra: điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chưa thực sự chín muồi. Ban Thường vụ Trung ương chỉ ra 3 cơ hội tốt giúp điều kiện khởi nghĩa chín muồi: Chính trị khủng hoảng; nạn đói ghê gớm; chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt.
Những nhận định sáng suốt đó của Ban Thường vụ Trung ương được đưa ra ngay khi cuộc đảo chính còn chưa kết thúc, là những chỉ dẫn kịp thời cho nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, quần chúng, tránh xu hướng khởi nghĩa non, hoặc chờ thời.
Đây chính là sự điều chỉnh chiến lược và sách lược hết sức mau lẹ, linh hoạt, chính xác của lãnh đạo Đảng, trong thời điểm có tính bước ngoặt. Hai điểm mấu chốt nhất là phát động phong trào phá kho thóc Nhật cứu đói, đồng thời tiến hành khởi nghĩa từng phần ở các địa phương có điều kiện chín muồi, tạo đà tiến tới tổng khởi nghĩa.
Bản Chỉ thị nêu những phán đoán và chỉ dẫn quan trọng liên quan đến thời cơ của tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Có nhiều khả năng thời cơ của tổng khởi nghĩa xuất hiện khi quân Đồng Minh tiến vào tiêu diệt quân Nhật ở Đông Dương. Lực lượng cách mạng tranh thủ thời cơ, đóng vai trò chủ động. Bản Chỉ thị nhấn mạnh: Dù sao không thể xem việc quân Đồng Minh vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho Tổng khởi nghĩa.
Những chỉ dẫn này thành kim chỉ nam cho cán bộ Đảng và Việt Minh trong đấu tranh giành chính quyền, góp phần mở đường cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Khi nhân dân đã sẵn sàng hành động “giải phóng cho ta”, thì Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa; đổi mới hình thức tuyên truyền, cổ động cho thích hợp với thời kỳ tiền Tổng khởi nghĩa (như: Biểu tình, bãi công, phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân, đẩy mạnh xây dựng đội tự vệ cứu quốc...).
Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[5], chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 8-1945, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Cả dân tộc muôn người như một vùng lên, tạo ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào các cơ quan đầu não, làm tê liệt mọi sự kháng cự của phát xít Nhật và các thế lực thù địch, giành chính quyền về tay nhân dân.
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc với thắng lợi của phe Đồng Minh trước chủ nghĩa phát xít tạo ra thời cơ cho các nước đấu tranh giải phóng. Nhưng vào thời điểm lịch sử thuận lợi đó, ở châu Á, Đông Nam Á, không nước nào giành được thắng lợi như Việt Nam.
Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời, trí tuệ cách mạng và năng lực tư duy chính trị nhạy bén cũng như bản lĩnh chính trị cao của Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, phong trào toàn dân kháng Nhật, cứu nước đã phát triển thành cao trào cách mạng, hình thành tổ chức và vận dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh; trong đó, lấy đấu tranh vũ trang làm cơ sở là bước phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng, tạo tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.505-506.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 7, tr.365.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.367.
[4] Trường Chinh: “Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2-1992.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.2011, tập 3, tr.596.