Mặc dù đã ký Hiệp định sơ bộ 06/03/1946, rồi Tạm ước 14/09/1946, nhưng với dã tâm xâm lược trở lại Việt Nam, cuối năm 1946, thực dân Pháp tăng cường các hành động khiêu khích, gây chiến tranh. Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng là chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, đánh dấu bằng Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ngày 12/12/1946
Bối cảnh tình hình
Sau khi chiếm Tây Nguyên và một phần Đông Bắc, Tây Bắc, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm, khiêu khích nhằm tạo cớ phát động chiến tranh trên toàn cõi Việt Nam.
Hành động đầu tiên của kế hoạch này là đánh chiếm một số vị trí quan trọng có tính chiến lược ở miền Bắc. Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn hai cửa ngõ đường thủy và đường bộ vào miền Bắc, được Pháp chọn làm khởi điểm tấn công trong cuộc đánh chiếm này.
Kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng được hoàn tất ngay từ tháng 10-1946. Trước đó, thực dân Pháp không ngừng tăng quân, tăng chiến phí chiến tranh, đưa tổng số quân đội tiếp phòng của Pháp ở Hải Phòng từ 1.750 quân (theo Hiệp định Sơ bộ) lên 3.000 quân.
Lấy cớ bảo vệ cộng đồng Hoa kiều theo Hiệp ước Hoa- Pháp (ký ngày 28-2-1946) và “bảo vệ” quyền thu thuế quan của Pháp ở Hải Phòng, cùng với việc gây ra hàng loạt những sự kiện tiếp theo vi phạm trắng trợn chủ quyền dân tộc ta, thực dân Pháp thực hiện việc tiến công Hải Phòng.
Ngày 20-11, Valuy (Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương) ra lệnh cho Moóclie (Morlière) chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ thiết lập quyền kiểm soát thuế quan ở cảng Hải Phòng. Chúng còn cho quân khám xét trái phép một chiếc canô của người Trung Quốc đã được Sở Thuế quan Hải Phòng cho vào cảng. Ta phản đối hành động vi phạm chủ quyền này, lính Pháp xả súng vào công an và nhân viên hải quan Việt Nam. 10 giờ 30 phút cùng ngày, Đại tá Đépbơ (Debes), chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng, ra lệnh cho xe tăng, xe bọc thép và bộ binh mở những cuộc tiến công lớn vào nhiều nơi trong thành phố, trong đó có cả trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố.
7 giờ sáng ngày 23-11-1946, Đépbơ gửi cho Uỷ ban Hành chính Hải Phòng tối hậu thư, đòi phải rút lực lượng vũ trang chính quy và tự vệ trước 9 giờ sáng 23-11. Tối hậu thư thực chất là lời tuyên chiến của phía Pháp.
Ngày 20-11-1946, cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, thực dân Pháp lấy cớ tìm hài cốt lính Pháp bị Nhật giết hồi tháng 3-1945, kéo quân lên chiếm các cao điểm quanh thị xã Lạng Sơn. Ngay sau đó, chúng dùng cả xe tăng, đại bác, thiết giáp, máy bay khu trục chi viện cho bộ binh đánh chiếm khu vực nhà ga, nhà bưu điện.
Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, thực dân Pháp cho hàng ngàn quân đổ bộ lên Đà Nẵng.
Ngay sau những cuộc xung đột xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên hệ với Chính phủ Pháp, nhằm tìm một cơ hội cho hòa bình, nhưng những cố gắng cuối cùng để vãn hồi hòa bình đó không có kết quả.
Không còn con đường nào khác, nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến và quan trọng là phải không để rơi vào thế bị động khi mở đầu cuộc chiến đấu.
Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ra đời trong bối cảnh đó.
Chủ động kháng chiến với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến
Ngay sau khi diễn ra sự kiện quân Pháp tiến công Hải Phòng và Lạng Sơn, “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương” ra Lời kêu gọi, chỉ rõ: “Thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14-9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc!”. Vì thế, Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương kêu gọi toàn dân: “Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào ! Mỗi người dân Việt Nam lúc này phải hăng hái gánh nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc".
Mặt khác, trước mưu đồ và hành động mở rộng xâm lược của thực dân Pháp tới Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ động và kịp thời đề ra những chủ trương và biện pháp cụ thể chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.
Ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Đây là một văn kiện rất quan trọng, bao gồm những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến của Đảng.
Chỉ thị nêu lên mục đích cuộc kháng chiến của nhân dân ta là đánh phản động thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập. Tính chất của cuộc kháng chiến là trường kỳ kháng chiến, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Về cách đánh, bước đầu sử dụng triệt để cách đánh du kích vận động chiến. Vừa chiến đấu vừa phải bảo toàn thực lực để kháng chiến lâu dài. Vừa chiến đấu vừa tự trang bị, vừa đào tạo thêm cán bộ để bổ sung lực lượng. Trong hoàn cảnh so sánh lực lượng ban đầu có sự chênh lệch lớn, cần tổ chức các hoạt động phá hoại, làm cho quân địch đói, khát, què, mù, câm, điếc; bị tiêu hao, mệt mỏi, chán nản. Dự kiến cuộc kháng chiến sẽ diễn ra ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương xác định chính sách đoàn kết chặt chẽ toàn dân để kháng chiến; tự cấp, tự túc về mọi mặt; đoàn kết với nhân dân các nước Miên, Lào và thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do, hoà bình, liên hiệp với dân tộc Pháp, chống thực dân phản động Pháp.
Ngoài ra, Chỉ thị đề ra “Chương trình kháng chiến” gồm 12 điểm. Cơ quan chỉ đạo kháng chiến là Đoàn thể (tức Đảng), Chính phủ kháng chiến, Quốc hội và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Chỉ thị còn nêu ra “Những điều răn trong khi kháng chiến” đối với bộ đội và nhân dân, bao gồm những ứng xử và hành động cụ thể của quân đội và nhân dân ta, xây dựng mối đoàn kết giữa quân đội và nhân dân, đoàn kết trong quân đội, kỷ luật quân đội.. bảo đảm kháng chiến thắng lợi.
Chiến sỹ tự vệ và nhân dân Hà Nội đào hầm hào, xây dựng công sự để chuẩn bị chiến đấu (Ảnh: TTXVN)
Sự đính chính cần thiết
Khoảng năm 1995 về trước, không rõ vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến được viết trong các công trình lịch sử ra đời ngày 22-12-1946, sau ngày toàn quốc kháng chiến. Có thể có quan điểm cho rằng, sau khi Thực dân Pháp gây hấn, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Đảng mới đề ra đường lối kháng chiến. Điều này được cho là có vẻ hợp lô gic và bảo đảm yếu tố chính trị là nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, chỉ đứng lên chiến đấu khi không còn con đường nào khác. Theo lô gic “bối cảnh tình hình và chủ trương của Đảng” đó, ngày ra đời Chỉ thị toàn dân kháng chiến được lùi đến sau ngày toàn quốc kháng chiến.
Tuy nhiên, lịch sử phải chân thực, nhận thức lịch sử tiệm cận chân lý, ngày ra đời Chỉ thị Toàn dân kháng chiến được đính chính lại và chính thức in trong bộ Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 150-155.
Việc trả lại ngày ra đời chính xác cho Chỉ thị Toàn dân kháng chiến không ảnh hưởng gì đến tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, ngược lại, nó càng cho thấy sự chủ động, sáng tạo của Đảng trước bối cảnh tình hình của giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khẳng định thêm nhận định chính xác của Trung ương Đảng trong Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng ngày 19/10/1946 là “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.
Cùng với những văn kiện Công việc khẩn cấp bây giờ, ra đời trước đó và văn kiện Kháng chiến nhất thắng lợi, được ban hành sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là một bước hoàn thiện đường lối kháng chiến của Đảng và đặc biệt, chỉ thị ra đời chỉ trước ngày toàn quốc kháng chiến một tuần, cho thấy sự chủ động của Đảng trong việc chủ đề ra và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.
Lê Minh