Từ năm 1961, với nòng cốt là lực lượng công an nhân dân, quân và dân miền Bắc đã lập những chiến công đầu tiên trong cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích được Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam tung ra phá hoại miền Bắc. Thắng lợi đầu tiên này là cơ sở cho những thắng lợi tiếp theo trong cuộc đấu tranh đầy mưu trí, gian khổ này
Trong khi nhân dân miền Bắc đang tập trung vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì ở miền Nam, Hoa Kỳ quyết định tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm trong khuôn khổ chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đồng thời tăng cường tiến hành các hoạt động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Ngày 11/05/1961, tổng thống Hoa Kỳ J. Kenedy ra lệnh triển khai một chiến dịch “Chiến tranh bí mật” phá hoại miền Bắc Việt Nam
Mục tiêu của Hoa Kỳ trong chiến dịch này là nhằm làm cho miền Bắc Việt Nam mất ổn định về chính trị, suy yếu về kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, thực hiện điều mà Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn gọi là “đánh vào nguồn gốc xâm lược từ Bắc Việt Nam”.
Để tiến hành chiến dịch này, Hoa Kỳ chủ yếu sử dụng “lực lượng đặc biệt” Nam Việt Nam (biệt kích) do CIA và lực lượng đặc biệt Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ đạo
Lực lượng này mang tên Liên đội quan sát số 1, thuộc Sở Liên lạc, Phủ Tổng thống Việt Nam cộng hòa.
Phần lớn thành phần của lực lượng này được tuyển chọn từ những phần tử ác ôn trong ngụy quân, ngụy quyền, những phần tử phản động trong Thiên chúa giáo và trong dân tộc thiểu số ở miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954.
Một số phần tử phản động người Việt sống lưu vong ở Lào, Campuchia cũng bị Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn lôi kéo, mua chuộc tham gia hoạt động này.
Nhiệm vụ của lực lượng gián điệp biệt kích xâm nhập vào miền Bắc nước ta là liên lạc với các phần tử phản cách mạng tại chỗ, tăng cường hoạt động điều tra, phá hoại, ám sát cán bộ ,gây cơ sở phản cách mạng tại một số nơi, làm cho tình hình miền bắc mất ổn định.
Lò Văn Piếng, thành viên toán biệt kích Castor bị bắt (Ảnh tư liệu)
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã cải tạo, nâng cấp trung tâm huấn luyện biệt kích cũ của Pháp ở Nha Trang và xây dựng thêm một số trung tâm khác ở Long Thành, (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng) và ở nước ngoài, tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines, Okinawa, đảo Guyam.
Từ đầu năm 1961, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn bắt đầu tung các toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc, liên hệ với lực lượng phản cách mạng ở địa phương, để tổ chức xây dựng “đội quân ngầm” chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc.
Đêm 27/5/1961, sau nhiều lần xuất phát không thành công, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn cho toán biệt kích đầu tiên mang mật danh Castor nhảy dù xuống điểm cao 828, thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, châu Phú Yên, tỉnh Nghĩa Lộ.
Máy bay xuất phát từ Đà Nẵng, do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ làm Cơ trưởng.
Toán nhảy dù gồm Hà Văn Chấp, Đinh Văn Anh, Lò Văn Piếng, Quách Thức, là những người dân tộc thiểu số quê miền Bắc, được tuyển chọn kỹ càng.
Các biệt kích được trang bị đầy đủ vũ khí, tiền bạc và các vật dụng cá nhân để hoạt động lâu dài như tiền miền Bắc, tiền Kíp Lào, bạc trắng hoa xòe, đèn pin, bật lửa, la bàn, lương khô, diêm Thống Nhất, thuốc lá Hoàn Kiếm…
Do có sự chuẩn bị về mọi mặt sẵn sàng đối phó với âm mưu và hoạt động của kẻ thù, nên chỉ sau 4 ngày, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng quân và dân trong tỉnh đã bắt toàn bộ toán biệt kích gồm 4 tên, thu toàn bộ điện đài vũ khí và các phương tiện hoạt động của chúng.
Nhằm tìm hiểu sâu âm mưu phương thức và thủ đoạn hoạt động gián điệp, biệt kích của địch, đồng thời nghiên cứu kế hoạch đánh địch, trên cơ sở đấu tranh khai thác toán biệt kích Caster, lãnh đạo Bộ Công an quyết định thành lập chuyên án gián điệp, biệt kích đường không đầu tiên mang bí số PY 27.
Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao cho đồng chí Nguyễn Tài, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị, thành lập và trực tiếp chỉ đạo Đội Trinh sát chống gián điệp, biệt kích. Đồng chí Nguyễn Duy Hạc, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị được cử làm Đội trưởng
Với chiến thuật “dùng định đánh địch”, “dùng địch nhử địch”, Đội Trinh sát đã khống chế toán Castor, kiểm soát đường liên lạc vô tuyến điện của toán này với trung tâm chỉ huy ở miền Nam.
Sau khi nghiên cứu tính toán một cách thận trọng, ngày 9/6/1961, Ban chuyên án quyết định cho hiệu thính viên của toán Castor truyền bức điện đầu tiên về trung tâm chỉ huy với nội dung báo tin Castor đã đến được mục tiêu và đang sẵn sàng chờ lệnh hành động cũng như đồ tiếp tế.
Bốn ngày sau, trung tâm chỉ huy biệt kích của địch tại miền Nam điện trả lời sẽ tiếp tế cho Castor
Đêm 1/7/1961, chiếc máy bay Dakota C47 của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn trên đường ra tiếp tế cho toán Castor bị nạn rơi xuống vùng đầm lầy gần nông trường Bình Minh, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Trước tình hình đó, Ban chuyên án khẩn trương chuẩn bị các phương án nhằm đối phó với sự kiểm tra, thẩm định của trung tâm chỉ huy địch tại miền Nam, giữ bí mật chuyên án, đồng thời điều trinh sát của ta cùng một số thành viên của toán Castor di chuyển, thay đổi địa điểm trú đóng đúng như yêu cầu của trung tâm chỉ huy.
Nhóm Castor liên lạc về Trung tâm chỉ huy tại Sài Gòn dưới sự giám sát của trinh sát chuyên án PY 27 (Ảnh tư liệu)Đây là quãng thời gian đầy khó khăn, vất vả và hiểm nguy đối với cán bộ chiến sĩ ta. Ban chuyên án với nhiệm vụ trực tiếp giám sát và điều hành toán Castor đã phải mang theo vũ khí, máy móc, lương thực, vượt qua những địa hình rừng núi hiểm trở xa xôi, với quãng đường dài gần 80 km.
Để gây thêm niềm tin của trung tâm chỉ huy địch, Ban chuyên án đã tiến hành một vài hoạt động gây tiếng nổ như phá cầu Tà Vài, cắt dây điện thoại, cung cấp những tin tức (giả) cho trung tâm chỉ huy biệt kích địch tại miền Nam.
Đến 21giờ ngày 16/5/1962, khi toán biệt kích mang mật danh Tourbillon nhảy dù xuống bãi thả ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La theo yêu cầu của toàn Castor (nằm trong kế hoạch đấu tranh chuyên án của Bộ Công an) bị bắt gọn, cũng là thời điểm đánh dấu thành công bước đầu của chuyên án PY 27 trong việc xóa tan sự nghi ngờ của địch, giữ được bí mật, vừa có tác dụng đánh lạc hướng địch, hỗ trợ chuyên án phát triển, bảo vệ được địa bàn vùng Tây Bắc.
Sau này, trong cuốn "Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật", tác giả Sedgwick Tourison đã viết về tình cảnh của toán Tourbillon khi vừa đặt chân xuống miền Bắc: "Những biệt kích quân toán Tourbillon nhảy dù xuống đất mà không hề biết, ở dưới mặt đất, ngoài toán biệt kích Castor còn có ít nhất một đại đội công an vũ trang và cả chó nghiệp vụ đang chờ họ. Vào thời điểm đó có gió thổi mạnh, các thành viên biệt kích quân Tourbillon bị trôi dạt đi xa bãi đáp khiến cho đơn vị công an vũ trang phải đuổi theo. Những biệt kích quân khác đều mạnh ai nấy chạy, cố tìm lối thoát thân khi đáp đất. Nhưng chỉ hai hôm sau tất cả đều bị bắt".
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, do sơ suất của ta trong đấu tranh, trung tâm chỉ huy của địch nghi ngờ hoạt động của toán Castor đã bị miền Bắc kiểm soát và gọi toán Castor trở về.
Trước tình hình đó, ngày 28/12/1966, Bộ Công an quyết định kết thúc chuyên án PY 27.
Thắng lợi của chuyên án đầu tiên đấu tranh chống biệt kích chính quyền Sài Gòn tung ra phá hoại miền Bắc đã để lại một số kinh nghiệm về chỉ đạo và biện pháp đấu tranh, góp phần đưa cuộc đấu tranh chống biệt kích phá hoại miền Bắc tiếp tục thu được những thắng lợi lớn trong thời gian sau này.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa được củng cố, bảo vệ vững chắc, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn chi viện tiền tuyến lớn miền Nam.
Bình Nguyễn