Tháng 7 năm 1946, trong bối cảnh chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài đang âm mưu “Diệt cộng cầm Hồ” lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh, dưới sự điều hành của Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước, lực lượng Công an Nhân dân đã phá tan âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng của các phần tử Việt Nam Quốc dân Đảng phản động câu kết với một số phần tử phản động trong chính quyền Pháp tại Hà Nội.
Bối cảnh lịch sử
Sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, dã tâm xâm lược của thực dân Pháp vẫn không thay đổi. Chúng thường xuyên gây hấn để tạo cớ tiến công lật đổ chính quyền cách mạng. Lúc này quân đội Trung Hoa Trung Dân Quốc đã rút về nước, nhiều phần tử phản động cũng đã theo chân dân quân đội Trung Hoa Dân Quốc rời khỏi Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều phần tử phản động tiếp tục ở lại để chống phá cách mạng.
Mặc dù có chân trong Chính phủ Liên hiệp, trong Quốc hội khóa I, nhưng những phần tử phản động này thường xuyên tìm mọi cách chống phá chính quyền. Để giải quyết khó khăn về tài chính, chúng còn tổ chức việc bắt cóc, tống tiền những gia đình giàu có, kể cả người Pháp, tại Hà Nội và không ngừng tìm cách chống phá chính quyền cách mạng bằng việc xây dựng kế hoạch ám sát những lãnh tụ của chính quyền mới, đồng thời phối hợp với một số phần tử phản động trong chính quyền Pháp tại Hà Nội âm mưu mượn tay Quân đội liên hiệp Pháp lật đổ chế độ, đưa chúng lên cầm quyền.
Kiên quyết, kịp thời trấn áp lực lượng phản cách mạng, bảo vệ chế độ mới
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng Công an Nhân dân khẩn trương được xây dựng và củng cố. Một trong những nhiệm vụ lực lượng Công an Nhân dân đặc biệt chú ý trong thời gian này là việc nắm tình hình hoạt động chống phá của các đảng phái chính trị và các lực lượng phản động thân Trung Hoa dân quốc, thân Pháp, đang hiện diện trong Chính phủ và Quốc hội.
Nắm được nguồn tin về hoạt động bất hợp pháp của những phần tử phản động Việt Nam Quốc dân Đảng tại một số trụ sở tại Hà Nội cũng như tại một số tỉnh lân cận, đặc biệt là âm mưu câu kết với một số phần tử phản động Pháp phá cuộc diễu binh của Quân đội Liên hiệp pháp nhân ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 tại Hà Nội, sau đó đổ tội cho Việt Minh và mượn tay quân đội Pháp xóa bỏ chính quyền cách mạng, đưa những phần tử Việt Quốc, Việt Cách lên cầm quyền, Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng Công an Nhân dân kiên quyết và khẩn trương phá án.
Ngày 12 tháng 7, hai ngày trước khi cuộc diễu binh của Quân đội Liên hiệp Pháp tại Hà Nội dự định diễn ra, lực lượng Công an Nhân dân, được sự phối hợp của Công an xung phong, dân quân và quần chúng yêu nước, đã tiến công vào những cơ sở chính yếu của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Hà Nội là số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), số 132 Đuy-vi-nhô (Nay là phố Bùi Thị Xuân) và số 80 Quán Thánh, bắt giữ hơn 100 tên phản cách mạng tại những trụ sở này, trong đó có những phần tử có quyền "bất khả xâm phạm" vì đang là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đội trinh sát đặc biệt của Công an tham gia khám xét, bắt bọn Quốc dân đảng ngày 12-7-1946. Ảnh tư liệu
Các bằng chứng được tìm thấy cho thấy những phần tử này không chỉ phạm tội phản cách mạng mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước bằng việc tiến hành các hoạt động bắt giữ, tra tấn, giết người, đòi chuộc tiền đối với một số người trong giới thượng lưu tại Hà Nội, đồng thời tàng trữ trái phép nhiều loại vũ khí để sẵn sàng cho các hoạt động vũ trang chống chính quyền cách mạng khi cần thiết.
Ngay sau đó lực lượng công an cũng đã tiến hành các vụ khám xét bắt giữ chữ tại trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng tại một số tỉnh lân cận, nhằm triệt phá tận gốc hoạt động chống phá của tổ chức phản cách mạng này. Tổng cộng đã có hơn 300 tên phản động bị bắt trong đợt truy quét này. Hệ thống tổ chức phản động Việt Nam Quốc dân Đảng cơ bản bị phá vỡ.
Ý nghĩa nghĩa của chiến công lớn đầu tiên
Chiến công của lực lượng Công an Nhân dân tháng 7 năm 1946 phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng về tổ chức và xây dựng lực lượng cũng như phương thức hoạt động của lực lượng Công an Nhân dân. Chiến công này góp phần bảo vệ chế độ mới, đập tan âm mưu của các lực lượng phản động quốc tế và trong nước câu kết chống phá Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ mới được củng cố vững chắc hơn. Niềm tin của nhân dân đối với lực lượng công an nhân dân cũng được nâng lên. Đây là chiến công xuất sắc đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân, mở đầu những trang lịch sử hào hùng của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam từ đó về sau.
Bình Thi