Chiến dịch Biên Giới (16/9-14/10/1950) có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi thể phải “chiến đấu trong vòng vây” và chuyển thế cuộc kháng chiến từ phòng ngự lên phản công, tiến công
Khái niệm và loại hình chiến dịch
Trong quân sự, chiến dịch là toàn bộ các trận chiến đấu diễn ra trên một chiến trường và trong một thời gian, tiến hành theo kế hoạch và ý định thống nhất, nhằm thực hiện mục đích chiến lược nhất định.
Có chiến dịch phòng ngự, chiến dịch phản công, chiến dịch tiến công.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành 46 chiến dịch. Nếu như Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 là chiến dịch phản công thì Chiến dịch Biên Giới 1950 là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta.
Bối cảnh tình hình
Trải qua hơn 4 năm kháng chiến, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, làm thay đổi rõ rệt so sánh lực lượng giữa ta và địch. Ta đang từng bước tiến tới giành chủ động về chiến lược trên chiến trường chính. Song địch cũng thực hiện được một phần Kế hoạch Revers, gây cho ta không ít những khó khăn mới.
Trước tình hình đó, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên Giới, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II.
Mục đích của chiến dịch là: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng biên giới phía Đông Bắc, khai thông đường giao thông với phe xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng tư lệnh, được cử làm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch. Tháng 8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp Đảng bộ lãnh đạo quân dân địa phương đánh địch mạnh để tiêu hao lực lượng địch, kiềm chế địch, phối hợp với “một chiến dịch lớn” “do Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo và do Hồ Chủ tịch ra lệnh phát động”[1], đồng thời phát động trong toàn quốc tuần lễ “Thi đua giết giặc lập công”.
Toàn bộ quân địch ở Liên khu biên giới Đông Bắc có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội lẻ, đại bộ phận là quân Âu-Phi tinh nhuệ, trong đó có 3 tiểu đoàn Maroc, thuộc lực lượng cơ động chiến lược. Các vị trí địch đều có công sự kiên cố, hoả lực mạnh, được bố trí cách xa nhau trên một tuyến dài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương
mở Chiến dịch Biên Giới, tháng 6/1950 (Ảnh: TTXVN)
Chủ trương của Đảng
Để bảo đảm chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung một lực lượng lớn, mạnh hơn hẳn địch và thực hiện phương châm chiến dịch là đánh điểm, diệt viện. Lực lượng ta tham gia chiến dịch tương đương 2 đại đoàn chủ lực, gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209 và 4 đại đội sơn pháo thuộc Bộ, cùng một số tiểu đoàn độc lập của Liên khu Việt Bắc và hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Đảng bộ Liên khu Việt Bắc đã động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch, huy động trên 120.000 dân công thuộc các dân tộc Việt Bắc phục vụ tiền tuyến.
Ngày 2/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi về chiến dịch Cao- Bắc-Lạng gửi các chiến sĩ trong toàn quốc, tỏ rõ niềm tin quyết thắng trong Chiến dịch và trong cuộc thi đua “Giết giặc lập công”.
Lúc đầu, ta chủ trương chọn mục tiêu trận mở đầu chiến dịch là Cao Bằng, nhằm kéo quân viện của địch lên để tiêu diệt. Song, sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển hướng xuống đánh Đông Khê, một cứ điểm yếu hơn Cao Bằng, vừa bảo đảm chắc thắng mà vẫn cô lập được Cao Bằng và có thể diệt viện để tiêu diệt.
Trung tuần tháng 9/1950, công tác chuẩn bị chiến dịch cơ bản hoàn tất. Hơn 4.000 tấn vũ khí, lương thực, thuốc men đã được quân và dân ta vận chuyển tới chiến trường, bảo đảm cho 30.000 bộ đội có thể chiến đấu dài ngày.
Diễn biến chiến dịch
Sáng sớm ngày 16/9/1950, quân ta bắt đầu tiến công cụm cứ điểm Đông Khê của địch, mở màn chiến dịch. Sau hơn 2 ngày chiến đấu gay go, quyết liệt, trận đánh kết thúc với thắng lợi giòn giã của bộ đội ta. Địch đứng trước tình thế nguy hiểm: thị xã Cao Bằng ở thế bị cô lập và hàng loạt vị trí địch trên tuyến phòng thủ đường 4 bị uy hiếp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể đem quân lên lấy lại Đông Khê để giữ Cao Bằng hoặc để đón quân ở Cao Bằng rút về, do đó, sau khi đánh điểm, phải kiên trì chờ viện binh địch lên để tiêu diệt chúng. Đúng như phán đoán, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng với kế hoạch: một mặt, tổ chức một binh đoàn, do Lơ Pagiơ (Le Page) chỉ huy, từ phía Thất Khê tiến lên đón quân ở Cao Bằng do Sáctông (Charton) chỉ huy, rút về; mặt khác, dùng gần hết lực lượng cơ động dự bị còn lại ở Bắc Bộ mở một cuộc hành binh lớn mang tên Phôcơ (Phoque) đánh lên Thái Nguyên hòng thu hút lực lượng ta quay về đối phó, đỡ đòn cho quân ở biên giới.
Binh đoàn Lơ Pagiơ lên tới cửa ngõ Đông Khê thì bị quân ta chặn lại. Binh đoàn Sáctông cũng bắt đầu rút từ Cao Bằng xuống hòng hội quân với binh đoàn Lơ Pagiơ. Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm không cho hai cánh quân địch hội quân và tiêu diệt từng cánh quân một; quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cánh quân Lơ Pagiơ trước, đồng thời kiềm chế cánh quân Sáctông, rồi sau đó tiêu diệt cánh quân Sáctông vì một khi cánh quân Lơ Pagiơ bị diệt thì cánh quân Sáctông bị bao vây sẽ dễ tan vỡ.
Các trận đánh diễn ra theo đúng dự kiến của ta. Sau 8 ngày đêm chiến đấu liên tục và ác liệt bằng vận động chiến, đến ngày 8/10/1950, bộ đội ta đã tiêu diệt và bắt sống cả hai binh đoàn Lơ Pagiơ và Sáctông, đồng thời đánh lui một cánh quân địch từ Thất Khê lên cứu viện.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ Chỉ huy Pháp vội ra lệnh cho quân Pháp tháo chạy khỏi các cứ điểm Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Ninh, Đình Lập, An Châu. Hệ thống phòng thủ biên giới Pháp dày công xây dựng nhanh chóng sụp đổ.
Sau 29 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Biên Giới đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu tiêu diệt sinh lực địch: tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống 8.300 tên địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, xoá sổ Liên khu Biên giới Đông Bắc của Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các chiến sỹ bộ đội trên đường đi
Chiến dịch Biên Giới năm 1950 (Ảnh: TTXVN)
Chiến trường phối hợp
Trong khi chủ lực của Bộ tiến công địch ở biên giới thì trên các hướng phối hợp, quân và dân ta cũng giành nhiều thắng lợi.
Cuộc hành binh của địch đánh lên Thái Nguyên chẳng những không thực hiện được ý đồ kéo quân chủ lực của ta về, mà còn bị chặn đánh kịch liệt và bị tổn thất nặng. Ngày 8/10/1950, Pháp phải rút khỏi thị xã Thái Nguyên.
Quân và dân Tây Bắc vừa hoàn thành nhiệm vụ nghi binh địch, vừa tiêu diệt và bức rút hàng loạt vị trí, buộc địch phải bỏ chạy khỏi thị xã Lào Cai và thị trấn Sa Pa ngày 4/11/1950, co về Lai Châu và Sơn La, giải phóng một vùng biên giới Tây Bắc rộng lớn có hàng vạn dân.
Quân và dân Liên khu III mở chiến dịch Trần Hưng Đạo từ ngày 8/9/1950, tiêu diệt gần 700 tên địch, bức rút 44 vị trí, khôi phục một loạt khu du kích và căn cứ du kích trong vùng sau lưng địch, buộc chúng phải rút chạy khỏi thị xã Hoà Bình ngày 6/11/1950 để tránh bị tiêu diệt và co về giữ đồng bằng Bắc Bộ.
Quân và dân Bình - Trị - Thiên kéo dài chiến dịch Phan Đình Phùng thêm một tháng để phối hợp với chiến dịch Biên giới, đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn phía Nam Quảng Bình.
Quân và dân Liên khu V tiêu diệt gần 1.000 tên địch, đánh thắng nhiều trận phục kích trên đèo Hải Vân.
Quân và dân Nam Bộ đẩy mạnh tiến công, diệt trên 1.000 tên địch, phá hơn 40 tháp canh, làm thất bại kế hoạch lập ngụy quân, ngụy quyền ở các vùng có đạo Hoà Hảo, đạo Cao Đài...
Tính chung trong cả nước, trong cuộc tiến công Thu - Đông năm 1950, quan và dân ta đã tiêu diệt gần 12.000 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 400.000 dân.
Ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Biên Giới
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.
Đối với Pháp, đây là thất bại nặng nề chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương với gần 10 tiểu đoàn, đại bộ phận là quân Âu – Phi tinh nhuệ, bị diệt gọn trong một chiến dịch; kế hoạch Revers bị phá vỡ; ý chí xâm lược bị giáng một đòn nghiêm trọng.
Đối với quân và dân Việt Nam, thắng lợi của chiến dịch mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống Pháp với quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ); biên giới phía Bắc được khai thông, chấm dứt tình thế phải “chiến đấu trong vòng vây”, có điều kiện thuận lợi giao lưu quốc tế, tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố; ta có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng về mọi mặt.
Về nghệ thuật quân sự, “Chiến dịch Biên giới là một điển hình thành công về đánh tiêu diệt lớn, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ta về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật chiến dịch, một sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội về trình độ tác chiến tập trung, về chiến thuật, kỹ thuật. Trong chiến dịch, Bộ chỉ huy ta đã đề ra phương châm chiến dịch đúng, lựa chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, tạo được thế trận hiểm, có cách đánh hay và trải qua nhiều hình huống phức tạp của chiến dịch, về cơ bản đã có những xử trí kiên quyết, chủ động và chính xác. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đều nêu cao tinh thần anh dũng, mưu trí chiến đấu, có khả năng tiến công liên tục vài ngày, giỏi cả đánh vận động và đánh công kiên”[2].
Từ đây, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính của nhân dân Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn phản công và tiến công, kết thúc với thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954.
Lê Minh