Gần 70 năm đã qua, vẫn có những quan điểm tranh luận về vai trò quyết định của Trung Quốc đối với thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sự thực lịch sử chỉ có một: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam
Ngày 8/5/2023, tác giả Dương Quốc Chính có bài viết trên báo điện tử Tiếng Dân, một tờ báo điện tử không thuộc hệ thống báo chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam, với nhan đề “Canh bạc tất tay của Trung Cộng”.
Nội dung bài báo cho rằng: Trung Quốc phải giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến thắng bằng mọi giá tại Điện Biên Phủ nhằm qua đó, bước ra vũ đài chính trị thế giới với tư cách một nước lớn để giải quyết các vấn đề quốc tế.
Bài báo viết: “Trận Điện Biên Phủ (ĐBP) chấn động địa cầu lâu nay người Việt, thậm chí cả Tây, vẫn nghĩ là sự thần thánh của đạo quân chân đất Việt Minh (VM). Nhưng thực ra đó là một canh bạc lớn của Trung cộng, họ phải dồn nguồn lực vào đó, hỗ trợ bằng được ông em (về tuổi tác còn là ông anh) VNDCCH để đánh thắng Pháp.
Bởi vì, Trung Cộng từ khi hình thành 4 năm trước vẫn mang tiếng là thổ phỉ đi lên, dạng khởi nghĩa nông dân cướp chính quyền của giới tinh hoa Quốc Dân Đảng. Chính danh chả có, không phải đánh đổ thực dân, phong kiến gì cả. Nên chẳng có vai trò trong mắt quốc tế.
Để khuếch trương thanh thế, tỏ ra một nước lớn, sau cả trăm năm bị coi là Đông Á bệnh phu, bị Tây, Nhật ức hiếp, Trung Cộng bắt buộc phải “xuất khẩu cách mạng” sang Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Đem làn sóng đỏ lan ra các nước lân bang, cũng chính là vùng đệm (thuộc quốc) cũ của TQ. Bề ngoài thì coi là tình hữu nghị vô sản cùng xây dựng thế giới đại đồng, nhưng bản chất là Trung Cộng muốn vợt lại thuộc địa cũ”.
Thực tế việc Trung Quốc sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn trỗi dậy với tư cách một nước lớn là có, nhưng gắn nó vào thắng lợi Điện Biên Phủ của Việt Nam thì rõ ràng là khiên cưỡng, không xác đáng.
Lịch sử đã chứng minh, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua chín năm kháng chiến trường kỳ chứ nó không phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Dương Quốc Chính đưa ra lập luận: Nếu không có vũ khí và cố vấn Trung Quốc thì quân và dân Việt Nam không thể chiến thắng trên chiến trường. Quan điểm này sai lầm vì chiến thắng giành được không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cố vấn và vũ khí.
Trong những năm 1954-1964, tiền của, vũ khí, cố vấn Hoa Kỳ ùn ùn đổ vào miền Nam, nhưng làm sao giúp chính quyền Ngô Đình Diệm chiến thắng được nhân dân yêu nước miền Nam, buộc Hoa Kỳ năm 1965 phải trực tiếp đưa quân viễn chinh vào mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.
Trở lại trận Điện Biên Phủ, con người là yếu tố quyết định thắng lợi, ở đây là con người Việt Nam. Quân và dân Việt Nam chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược thực lực hơn hẳn quân đội Pháp tại đây.
Cụ thể, quân đội Pháp có 16.200 quân tại Điện Biên Phủ, tiếp tế hậu cần bằng máy bay từ sân bay Gia Lâm, Cát Bi, Bạch Mai.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 (Ảnh tư liệu dựng lại)
Trong khi đó, Quân đội nhân dân Việt Nam có 4 đại đoàn, gồm trên 55.000 bộ đội tham gia chiến dịch, được sự hỗ trợ vận chuyển tiếp tế của 260.000 dân công từ hậu phương và nhân lực tại chỗ.
Đội ngũ này với hàng triệu ngày công, đã vận chuyển ra chiến trường hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược.
Tương quan lực lượng, riêng về quân sự, quân đội nhân dân Việt Nam gấp 4 lần quân đồn trú Pháp tại Điện Biên.
Về vũ khí cộng đồng, phá0 binh Việt Minh trội hơn một chút, nhưng phía Pháp lại có ưu thế hoàn toàn về xe tăng và máy bay chiến đấu, những thứ mà Việt Minh không có.
Rõ ràng về tương quan lực lượng, quân và dân Việt Nam đã tập trung lực lượng cần thiết bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi.
Việc viện trợ vũ khí có tác động tích cực nhưng không phải là quyết định đến chiến thắng. Có thể bộ đội ta hy sinh nhiều hơn, có thể thời gian chiến dịch sẽ diễn ra dài ngày hơn, nhưng chắc chắn cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng tại Điện Biên Phủ.
Thứ hai là phương thức tác chiến, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng dẫn đến thắng lợi, là của người Việt Nam chứ không phải của cố vấn Trung Quốc.
Chúng ta vẫn biết rằng, do dân số dồi dào, phương thức tác chiến của cố vấn Trung Quốc là “đánh nhanh, giải quyết nhanh” với chiến thuật biển người.
Nên đoàn cố vấn Trung Quốc chủ trương sử dụng phương thức tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” tại Điện Biên Phủ.
Lúc đầu, quân đội nhân dân Việt Nam cũng chuẩn bị chiến dịch theo hướng đó.
Nhưng những khó khăn của ta về vận tải, sự tăng cường phòng thủ của Pháp và đặc biệt là việc nắm tình hình chiến trường do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy Mặt trận thấy rằng: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không bảo đảm chắc thắng, bộ đội sẽ hy sinh nhiều, quân đội ta mới xây dựng, chưa nhiều kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm kiên cố…
Vậy nên ngay trước ngày nổ súng theo phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” một ngày, Bộ Chỉ huy mặt trận đã quyết định chuyển sang phương thức “đánh chắc, tiến chắc” để hạn chế thương vong và bảo đảm giành thắng lợi.
Tất nhiên đoàn cố vấn Trung Quốc cũng được tham khảo ý kiến, nhưng họ phải điện về xin chủ trương của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và trả lời nhất trí phương án “đánh chắc, tiến chắc” với Việt Nam sau khi vấn đề đã được quyết định.
Lần đầu tiên quyết định một vấn đề lớn liên quan đến thắng bại của một trận đánh quyết định, mà trái với ý kiến của cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã coi đây là “quyết định khó khăn nhất” trong sự nghiệp cầm quân của ông.
Ngoài ra, tác giả Dương Quốc chính còn khá nhiều lập luận sai lầm.
Tác giả viết: “Như vậy, trận ĐBP chấn động địa cầu cũng chính là thời điểm mấu chốt mà Việt Minh ký vào giấy vay nợ Trung cộng. Người ta đầu tư tiền bạc, trí lực, xương máu nhiều như vậy thì đâu dễ mà để mình tuột khỏi tay”.
“Trung cộng đầu tư cho thuộc quốc không khác gì đại ca giang hồ cho đàn em vay tiền, sao mà dễ bùng nợ, dù không hề có giấy vay nợ. Đại ca không bao giờ muốn đệ tử trở nên mạnh mẽ, để nó tranh ngôi đầu đàn sao?”.
Từ một cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tác giả đã cố tình hạ thấp cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và sự giúp đỡ của Trung Quốc, một quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã và đang hình thành và phát triển, thành quan hệ vay nợ giữa chủ nợ và con nợ trong giới giang hồ.
Đây là quan điểm cố tình hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Nhưng chiến thắng của nhân dân Việt Nam không bị hạ thấp, bởi cả thế giới đều biết đến. Trong những năm sau đó, thế giới biết đến Việt Nam với chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ.
Người ta chỉ thấy danh từ Điện Biên Phủ gắn liền với Hồ Chí Minh, với Võ Nguyên Giáp chứ không thấy Điện Biên Phủ gắn liền với Vi Quốc Thanh hay bất kỳ cái tên nào đó trong đoàn cố vấn Trung Quốc.
Và số xe vận tải mà Trung Quốc viện trợ (715 chiếc) cũng không được nhắc đến.
Các nhà sử học Pháp chỉ nhắc rằng: Về việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ, máy bay vận tải của Pháp đã không thắng được “đôi bồ dân công của Việt Minh”.
Bài viết của Dương Quốc Chính chỉ có một ý nhỏ là trong bối cảnh do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có kinh nghiệm ngoại giao quốc tế nên để Trung Quốc can thiệp khá sâu vào quá trình bàn thảo, quyết định các vấn đề quan trọng của Hội nghị Geneva về Việt Nam, đặc biệt là vấn đề vĩ tuyến tạm thời.
Nhưng đó là một nội dung khác, không liên quan đến chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Người ta sẽ thấy dễ hiểu khi giới sử học Trung Quốc cố thuyết phục dư luận rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng của Trung Quốc hay sự giúp đỡ của Trung Quốc có ý nghĩa quyết định.
Chứ ít khi thấy người Việt Nam coi đây là chiến thắng của Trung Quốc, bằng mọi giá, như bài viết của Dương Quốc Chính đã nêu.
Lê Tình