Chiến thắng Đồn Nhất (25/9/1952 – 25/9/2022) là một chiến thắng quan trọng của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên địa bàn Đà Nẵng và Trung Bộ
Đồn Nhất và bối cảnh trận đánh
Đồn Nhất là một chòi canh trên đỉnh đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, có một tháp canh rất cao, nhằm để canh gác, theo dõi các hoạt động phía dưới chân đèo ở hai bên Đà Nẵng và Huế.
Khi trở lại xâm lược nước ta, mở rộng khu vực chiếm đóng ở Trung Bộ, thực dân Pháp đã đưa quân chiếm giữ khu vực này, gia cố và xây dựng thêm các công trình mới nhằm kiểm soát các hoạt động trên đèo, dưới biển và khu vực xung quanh.
Đồn Nhất là cứ điểm quân sự quan trọng của thực dân Pháp, nằm ở vị trí trên đỉnh đèo Hải Vân, có địa hình rất hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, chỉ có một con đường duy nhất đi qua khu vực này.
Bia Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan
(Ảnh Báo Đà Nẵng điện tử)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), cùng với quân và dân cả nước, quân và dân Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy Khu V đã ra sức chiến đấu chống thực dân Pháp.
Năm 1952, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch Hè Thu tiến công Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm “mở rộng vùng du kích và phá thế uy hiếp của địch, tác chiến tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phối hợp với chiến trường Bình Trị Thiên”.
Thực hiện chủ trương của Khu ủy-Bộ Tư lệnh Liên khu 5, mùa Thu năm 1952, một bộ phận Trung đoàn của 803 là Đại đội 6,Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 cùng với du kích Hoà Liên tập kích Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, nhằm làm rối loạn hậu phương và tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trên địa bàn..
Diễn biến chính của trận đánh
Trận đánh Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân do do Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, tiến hành dưới sự chỉ huy trực tiếp đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Đạo, Chính trị viên.
Theo kế hoạch, 18 giờ ngày 23/9/1952, bộ đội ta xuất quân từ vị trí tạm dừng tại một xóm nhỏ ven sông Trường Định thuộc xã Hòa Liên. Ngoài vũ khí trang bị, mỗi chiến sĩ mang theo lương thực để ăn trong 3 ngày, phòng khi không nhận được sự tiếp tế của hậu phương với địa bàn rừng núi cách trở.
Sau hơn một ngày hành quân, khoảng 21 giờ đêm 24/9/2022 đến vị trí tập kết - nghỉ ngơi tại chỗ làm công tác chuẩn bị. 23 giờ lệnh xuất kích, triển khai đội hình. Chướng ngại vật ngoại vi của địch tương đối sơ sài, bộ đội tiếp cận khá dễ dàng và bí mật đưa khối bộc phá 20 kg vào đặt sát bờ tường dưới chân lô cốt.
Rạng sáng ngày 25/9, lệnh khai hỏa được đưa ra. Một tiếng nổ kinh hoàng giữa núi rừng Hải Vân.
Tuy nhiên, do tường lô cốt dày, lô cốt lại quá cao, khối bộc phá 20 kg không đủ sức phá sập. Lực lượng địch trong đồn nhanh chóng hoàn hồn, các ổ súng trọng liên dồn dập nhả đạn điên cuồng, phản kích lực lượng xung phong của bộ đội ta.
Nhờ có địa hình che chắn tốt, bộ đội ta đã hạn chế được thương vong, tiếp tục tiến công và chiếm được lô cốt. Từng tổ ba người thọc sâu vào các ngách hào ngang dọc, dùng lựu đạn thủ pháo, bắn gần, lưỡi lê tiệu diệt địch.
Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, bộ đội ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch trong đồn, thu nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 3 khẩu trọng liên 20 ly, 11 khẩu trung liên, 10 súng ngắn và nhiều quân trang quân dụng.
Dẫu vậy, bất cứ trận đánh nào, thương vong là không tránh khỏi. Đồn Nhất lại là một cứ điểm vững chắc của địch, tọa lạc tại một vị trí hiểm yếu, khó tiến công. Lực lượng ta hy sinh 7 đồng chí trong đó có tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương, 9 đồng chí khác bị thương.
Nhận được tin chiến thắng trận Đồn Nhất, đồng chí Nguyễn Bá Phát, Chỉ huy trưởng chiến dịch đã hoan nghênh và tuyên dương trước quân và dân tỉnh Quảng Nam rằng: “Xin thông báo thêm một tin vui, ta đã chiến thắng trên Đèo Hải Vân, diệt cứ điểm Đồn Nhất. Do bị mất liên lạc nên hôm nay đơn vị mới về báo cáo cụ thể”.
Một lô cốt thời Pháp thuộc ở khu Đồn Nhất còn sót lại
(Ảnh Báo Đà Nẵng điện tử)
Ý nghĩa và bài học lịch sử
Trận đánh Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân của Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 phối hợp với quân và dân Đà Nẵng là một chiến thắng có nghĩa chính trị, quân sự sâu sắc, góp phần kết thúc chiến dịch thắng lợi trọn vẹn, cổ vũ động viên quân và dân ta trên địa bàn tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi cuối cùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích chiến thắng Đồn Nhất, sẽ đưa đây thành một địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời, tạo ra là một địa chỉ phục vụ du khách tham quan các di tích lịch sử trong du lịch và dịch vụ hiện nay.
Di tích Đồn Nhất trên đỉnh Hải Vân đang được cải tạo, trùng tu, bảo tồn
(Ảnh Báo Đà Nẵng điện tử)
Chiến thắng Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân cách đây tròn 70 năm (1952 - 2022), nhưng giá trị và bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mãi mai sau. Đó là tình quân - dân gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau.
Trước, trong và sau trận đánh, Đại đội 6,Tiểu đoàn 59,Trung đoàn 803 đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình, chu đáo của nhân dân Tây Bắc Hòa Vang - Đà Nẵng.
Đặc biệt, quan trọng hơn hết là bảo đảm tuyệt đối bí mật, bảo đảm an toàn cho lực lượng của đơn vị hành quân vào trận địa và rút lui khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, thể hiện đúng tinh thần quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hi sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do của nhân dân.
Đó còn là bài học về phẩm chất của người chỉ huy, trong lúc khó khăn nhất, người chỉ huy phải là người bình tĩnh nhất, sáng suốt nhất, dũng cảm nhất, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội thì mới có thể chỉ huy được và phát huy được sức mạnh toàn bộ lực lượng của mình để chiến đấu và chiến thắng. Trong lúc khó khăn nhất của trận đánh, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương đã mưu trí, táo bạo dùng sức hai cánh tay nâng hai chân thang cho thang áp sát vào thành lô cốt, để đồng đội leo lên vai mình rồi leo lên thang đánh thủ pháo, lựu đạn vào lô cốt. Trong lúc giữ thang, Nguyễn Bá Dương bị trúng đạn nhưng anh vẫn kiên quyết giữ chặt chân thang để đồng đội leo lên đánh lô cốt thành công. Tấm gương của anh mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng.
Hòa Phạm