Cách đây 50 năm, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân và dân ta giành toàn thắng sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu (bắt đầu ngày 30-1 và kết thúc ngày 23-3-1971). Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Với việc đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn, chiến dịch đã góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra sự thay đổi cục diện chiến trường và mở ra triển vọng hiện thực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”
Hành quân “Lam Sơn 719” –kỳ vọng lớn của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn
Năm 1969, Richard Nixon trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ trong bối cảnh phải xuống thang chiến tranh, đàm phán rút dần quân viễn chinh về nước. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Nixon chủ trương tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong đó lấy quân đội Sài Gòn làm nòng cốt dưới sự hỗ trợ của hỏa lực, cố vấn và hậu cần của Hoa Kỳ. Đây đồng thời cũng được coi là “công thức chiến thắng mới” cho chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, trong các cuộc hành quân lớn, quân đội Hoa Kỳ vẫn tham gia trực tiếp, thậm chí đóng một vai trò quan trọng bên cạnh quân đội Sài Gòn.
Lợi dụng những khó khăn của ta sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, từ năm 1969-1970, chính quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính, củng cố phát triển lực lượng (đạt mức hơn 700.000 quân), đẩy mạnh các cuộc hành quân bình định, chiếm lại phần lớn vùng nông thôn rộng lớn, kể cả vùng cách mạng mới giải phóng. Hơn nữa, đến đầu năm 1971, do phản ứng dữ dội từ dư luận trong nước và từ chính Quốc hội Hoa Kỳ[1], trước khi rút quân ra khỏi các cuộc hành quân ngoài biên giới miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn quyết định mở ba cuộc hành quân lớn[2] ở bên kia biên giới Việt-Lào. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 có quy mô lớn nhất, được Tổng thống R. Nixon đặt vào đó khá nhiều tham vọng:
Thứ nhất, kiểm chứng khả năng tác chiến độc lập của quân đội Sài Gòn, qua đó kiểm nghiệm kết quả của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sau hơn hai năm thực hiện;
Thứ hai, hủy diệt tuyến đường vận tải huyết mạch – đường mòn Hồ Chí Minh với hy vọng nếu “không còn đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc bị gián đoạn chỉ trong một mùa khô, khả năng mở các cuộc tiến công lớn của Hà Nội ở miền Nam (và Campuchia) sẽ giảm đi một cách đáng kể nếu không phải là bị loại trừ trong một tương lai vô hạn định”;
Thứ ba, chuyển đến cử tri Hoa Kỳ thông điệp về tính khả quan của chiến tranh Việt Nam khi thời hạn bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1972 đang đến gần;
Thứ tư, làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, tạo thế mạnh trên chiến trường và thương lượng trên thế mạnh, ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân nhượng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, “buộc ta phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ”[3].
Không quân Hoa Kỳ hỗ trợ quân đội Sài Gòn hành quân Lam Sơn 719 (Ảnh Tư liệu)
Như vậy, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đầu năm 1971 là toan tính lớn và kỳ vọng lớn của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, một nỗ lực cứu vớt sự thảm bại đã lộ rõ của “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thành, bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 chắc chắn sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với chính quyền Sài Gòn và chính quyền Nixon.
Quyết tâm đánh thắng cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch, tạo bước ngoặt xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Dương
Trên cơ sở phân tích tình hình chung trên toàn chiến trường cũng như trên từng khu vực, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định: cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào là một trong những cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa trong quá trình thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tầm quan trọng của chiến dịch phản công của ta và coi việc địch đưa lực lượng ra khu vực Đường 9 - Nam Lào là một cơ hội hết sức thuận lợi để ta tiêu diệt chúng. Do vậy, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thực sự là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch trong lúc tinh thần của chúng đang suy sụp, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa yêu quý, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Vì vậy, “Quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào và Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai”[4].
Sớm nhận rõ âm mưu của địch, cuối năm 1970, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Ta phải đánh cho quân Mỹ bị thua đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ”[5]. Bộ Chính trị cũng xác định phương hướng tiến công của địch trong mùa khô 1970-1971 là hành lang chiến lược Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, chỉ rõ trong trường hợp địch đánh ra Đường 9, thì đó là thời cơ để thực hiện chiến dịch phản công, tiêu diệt địch, tạo ra sự thay đổi trong cán cân lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris và bên ngoài Hội nghị.
Quân giải phóng làm chủ trận địa trong chiến dịch phản công
Đường 9-Nam Lào (Ảnh Tư liệu)
Công tác chuẩn bị đối phó với âm mưu và hành động của kẻ địch được tiến hành khẩn trương, toàn diện trên tất cả các mặt, các hướng dự kiến. Riêng tại hướng chủ yếu Đường 9-Nam Lào, ngày 31-1-1971, Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: Nhất thiết phải đánh thắng, dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những cuộc đọ sức có ý nghĩa quyết định về chiến lược.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (mật danh Mặt trận 702), đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn-Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo-Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng- Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo Mặt trận.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324 và 2), 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, một số tiểu đoàn đặc công cùng lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị), Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Tổng quân số 60.000 người. Ngoài ra, chiến dịch còn có sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ từ nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Nam Lào, nhất là tại tỉnh Savannakhet (nơi có Đường 9 chạy qua)[6].
Chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào diễn ra trong vòng hơn 50 ngày đêm (bắt đầu từ 30-1, kết thúc 23-3-1971 với 3 giai đoạn) giành thắng lợi, quân và dân Việt Nam đã biến cuộc hành quân tràn trề hi vọng của Hoa Kỳ biến thành “cuộc hỗn loạn Lam Sơn 719” và sự tổn thất to lớn của quân đội Sài Gòn[7] đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực xây dựng “công thức chiến thắng” của chính quyền Hoa Kỳ. Thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ của quân đội Sài Gòn, mà còn của cả chính quyền Hoa Kỳ - điểm tựa và người bảo hộ cho họ, đã cho thấy “quân đội Việt Nam Cộng hòa là một quân đội mong manh một cách tuyệt vọng”[8]. Thất bại nặng nề của quân đội Sài Gòn dưới sự yểm trợ hùng hậu của hỏa lực, phương tiện chiến tranh, cố vấn Hoa Kỳ “đã làm rung chuyển nước Mỹ, gây ra cho chúng những khó khăn rất lớn về nhiều mặt”[9]; tạo ra “khả năng kéo Mỹ xuống nữa để thắng một bước căn bản tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc cách mạng miền Nam”[10] .
Thảm cảnh của Quân đội Hoa Kỳ và Quân đội Sài Gòn
trong Chiến dịch Lam Sơn 719 (Ảnh Tư liệu)
Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào giành thắng lợi thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Đảng trong việc đánh giá và nhận định đúng tình hình, đó là ta ta đã “phán đoán đúng và dự kiến sớm, chính xác ý đồ của địch”[11] để đưa ra chủ trương xác đáng; huy động lực lượng ,chuẩn bị hậu cần chu đáo; hành động kiên quyết, cùng với sự dũng cảm của quân và dân ta với sự mưu trí sáng tạo; sự phối hợp giữa chiến trường 3 nước Đông Dương. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; là thắng lợi của trí tuệ và tài thao lược của Bộ thống soái tối cao. Đó là thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo, độc lập tự chủ và sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thất bại của địch ở Mặt trận Đường 9 – Nam Lào, là một thất bại chiến lược rất quan trọng. Nó đánh dấu một bước thất bạo cơ bản về quân sự của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chẳng những các mục tiêu chiến lược không đạt được, không ngăn chặn được hành lang vận chuyển chiến lược của ta, không “bóp nghẹt” nổi đường mòn Hồ Chí Minh, mà còn tạo ra những thuận lợi mới cho chiến tranh cách mạng của ba nước Đông Dương. Cùng với việc đánh bại cuộc hành quân xâm lược Campuchia, thắng lợi Đường 9 – Nam Lào đã góp phần đánh bại quân chủ lực của quân đội Sài Gòn, có sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của quân đội Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh dấu một bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này. Thắng lợi của quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 – Nam Lào có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về quân sự và chính trị. Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào đánh dấu chấm dứt quá trình tiến công – phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy[12], mở ra những triển vọng mới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa toàn diện và to lớn. Ta đã thực hiện được tiêu diệt lớn quân địch và phá hủy phương tiện chiến tranh, tiêu diệt gọn nhiều đơn vị tinh nhuệ của địch; đánh cho quân đội Sài Gòn – lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” một đòn chí mạng: hơn hai vạn tên, gồm 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu; 3 sư đoàn dự bị chiến lược[13] bị đánh thiệt hại nặng. Ngoài ra, một lực lượng không quân, lực lượng tăng – thiết giáp quân đội Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn cũng bị tổn thất lớn[14]. Điều đó khẳng định chủ lực quân đội Sài Gòn không thể đọc sức nổi với chủ lực của ta, quân đội Sài Gòn không làm nổi vai trò nòng cốt của chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” mà Hoa Kỳ chủ trương.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng một đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Hoa Kỳ. Chiến thắng lịch sử đó thực sự đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân đội ta. Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã làm tròn nhiệm vụ của một chiến dịch trên hướng chủ yếu của cuộc phản công chiến lược, phối hợp cùng các chiến dịch khác trong Xuân-Hè 1971, góp phần quyết định nhất làm thay đổi cục diện chiến trường, thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, mở đầu thời kỳ quân ta mở các chiến dịch đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn… đồng thời, cũng là thời kỳ phát triển phong phú các hình thức, các biện pháp tác chiến, các hình thức chiến thuật trong điều kiện mới.
Thắng lợi trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào đã làm thất bại hoàn toàn ý đồ của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn hòng chặt đứt tuyến hậu cần chiến lược của ta, cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng như ở Campuchia và Lào.
Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là minh chứng cho sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị bộ đội Việt Nam với các đơn vị bộ đội Pa-thét Lào thuộc Quân khu Nam Lào. Ta và Bạn đã sát cánh chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch hòng chiếm Sê Pôn - mục tiêu then chốt của cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”. Thắng lợi trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào là chiến công chung, thắm đượm tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào. Đó là thắng lợi rực rỡ của khối đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung và tình hữu nghị thắm thiết của quân và dân Việt Nam - Lào, của quân và dân ba nước Đông Dương.
Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch này, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 21 (10-1973) khẳng định: "Chiến thắng Đường số 9 - Nam Lào là một đòn bất ngờ đánh vào chiến lược của Ních-xơn, mở ra khả năng mới đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ"[15], tạo bước phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam.
[1] Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật bổ sung Cupơ Sớtsơ, hạn chế hoạt động của quân viễn chinh tại chiến trường Đông Dương, cấm đưa lục quân Hoa Kỳ hoạt động ngoài biên giới miền Nam Việt Nam
[2] Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường số 9-Nam Lào; cuộc hành quân Toàn thắng 01/71 NB với quy mô trên 30 tiểu đoàn từ Tây Ninh và Lộc Ninh đánh lên vùng Kôngpôngchàm và Krachiê (Đông bắc ampuchia); cuộc hành quân hành quân Quang Trung 4 quy mô khoảng 1 sư đoàn đánh ra vùng ngã ba biên giới thuộc Atôpơ, Nam Lào (vùng Tà Xẻng, Pa Kha Sê Sụ). – Xem: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2015, tr 282
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 32, tr. 371
[4] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr 293.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 128.
[6] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2015, tr 285.
[7] Quân đội Sài Gòn bị tổn thất 21.102 lính, trong đó có 19.960 bị giết và bị thương, 556 máy bay bị bắn rơi và phá hủy, hàng ngàn xe cơ giới các loại, hàng trăm khẩu pháo và súng cối hạng nặng cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác bị phá hủy và thu giữ (Xem: Bộ Quốc phòng -Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch phản công Đường số 9-Nam Lào năm 1971, Hà Nội, 1987, tr. 61- 62)
[8] 3Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 446
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 195.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 389.
[11] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thắng lợi và bào học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.82
[12] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thắng lợi và bào học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.83
[13] Gồm: Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thủy, Sư đoàn 1 bộ binh.
[14] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr 313.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H.2004, tập 34, tr. 217.