Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân Mậu Thân đã qua hơn 50 năm. Ý kiến tranh luận xung quanh sự kiện này vẫn còn nhiều. Một số chính khách, sử gia, nhà báo nước ngoài nói đến thắng lợi bất ngờ, ngoài dự kiến của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, nhưng sự thật thì không như thế
Điển hình trong số này là GS Lê Xuân Khoa, hiện cư trú tại Hoa Kỳ, cho rằng: Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đem lại thắng lợi “bất ngờ, không ngờ đến” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam .
GS Lê Xuân Khoa viết: “Trước khi nói về hoà đàm Paris (1968-1973), cũng cần phải nói đến chiến dịch Tết Mậu Thân. Đây là nguyên do chính khiến Tổng thống Johnson quyết định rút lui khỏi chính trường, và trước khi ra đi, muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng con đường thương thuyết. Trận Tổng công kích Tết Mậu Thân cũng đánh dấu một khúc ngoặt quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đem lại những điều kiện thuận lợi bất ngờ cho Bắc Việt”.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Chủ trương tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, giành thắng lợi quyết định, Đảng Lao động Việt Nam đã tính toán đến mọi phương án thắng lợi, trong đó nội dung cơ bản của “giành thắng lợi quyết định” được hiểu là ta làm phá sản được các mục tiêu chủ yếu của tứng chiến lược chiến tranh của đối phương, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đối phương phải thay đổi chiến lược, ta có điều kiện tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới.
Tòa Đại sứ Mỹ bị biệt động Sài Gòn tiến công, gây chấn động dư luận (Ảnh tư liệu)
Đảng đã chuẩn bị về mặt chủ trương và thực lực trong một thời gian khá dài trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân thực sự diễn ra.
Đánh giá về ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đồng chí Lê Duẩn, trong một bức thư gửi Trung ương Cục và Quân uỷ Miền 12 ngày trước khi chiến dịch bắt đầu:
“Thực chất yêu cầu trước mắt đặt ra cho đợt hoạt động này là: đối với địch, giáng cho chúng những đòn tấn công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh”[1].
So sánh thì thấy những đánh giá của GS Lê Xuân Khoa không khác yêu cầu đề ra cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân do Đảng Lao động Việt Nam chủ trương là bao nhiêu, điều khác nhau chỉ ở từ “bất ngờ”.
Trên thực tế, thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân không phải là bất ngờ. Đây là những tính toán kỹ lưỡng của Trung ương Đảng.
Ngay từ năm 1967, Trung ương Đảng đã nhận thấy Hoa Kỳ đang ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược, đã có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn đàm phán để kết thúc chiến tranh, rút quân Mỹ về nước. Tuy nhiên, bộ máy truyền thông của Hoa Kỳ và phương Tây đến lúc này vẫn vẽ ra cho công chúng Mỹ chiến thắng của quân Mỹ và đồng minh trên chiến trường, cuộc đấu tranh phản chiến của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đã khởi phát, nhưng chưa đến cao trào. Chính vì thế, Trung ương Đảng cho rằng, nếu ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù, sẽ tạo ra những chấn động lớn chưa từng có trong dư luận thế giới nói chung và dư luận Hoa Kỳ nói riêng.
Chẳng hạn, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ lúc bấy giờ nhận định: “Đối phương (tức quân Giải phóng) đã bị những thiệt hại nặng nề đến nỗi nỗ lực chính của Việt cộng và quân Bắc Việt hiện nay phần lớn chỉ giới hạn ở vùng biên giới Nam Việt Nam”; còn chính quyền Sài Gòn thì đánh giá: “Qua các trận đánh trên, địch (quân Giải phóng) đã làm những công việc tuyệt vọng và chỉ nhằm gây những tiếng vang yếu ớt”[2].
Phong trào phản chiến dâng cao tại Hoa Kỳ sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (Ảnh tư liệu)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, dư luận Hoa Kỳ “ngã ngửa”, hóa ra thắng lợi của Hoa Kỳ trên chiến trường là do những báo cáo sai lệch của các cấp chỉ huy tại Việt Nam, là do báo chí tô vẽ và thổi phồng.
Dư luận Mỹ trở nên giận dữ, thấy rằng mình bị chính phủ Mỹ lừa dối lâu nay, họ nổi giận và phong trào phản chiến bắt đầu đang cao chưa từng có. Thượng nghị sỹ Eugene McCarthy nói: “Năm 1966, 1967 và 1968, ta vẫn nghe các tuyên bố rỗng tuếch về tiến triển và tiến gần đến thắng lợi. Như ta biết từ các sự kiện vài tuần qua, sự thật nói ra thật đau buồn, là kẻ thù đã trở nên táo tợn chưa từng thấy”[3].
Cũng theo dự kiến của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tiến công quân sự sẽ mở ra cơ hội đàm phán.
Đúng như thế, sau khi đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra được 1 tuần, Hoa Kỳ đã phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Tiến công quân sự đã mở ra hòa đàm, mở đường cho Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.
Rõ ràng là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã tác động mạnh mẽ đến ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra một cuộc “chiến tranh trong lòng nước Mỹ” với phong trào phản chiến ngày càng lan rộng và mạnh mẽ. Đó là những tính toán chiến lược của Đảng ta chứ không phải là hệ quả “bất ngờ” như một số người, trong đó có GS Lê Xuân Khoa nhận định.
Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân là đòn chí tử đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi vào bước ngặt quyết định.
Xuân Nguyễn
[1] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 185.
[2] Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968. Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa tháng 8-1968. Dẫn theo Hồ Khang: Tết Mậu Thân 1968..., Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.124. Nhận định của quân Sài Gòn về quân Giải phóng: “Mặc dù bị tổn thất nặng, cộng sản vẫn còn khả năng tấn công đáng kể, trọng tâm đánh vào chương trình bình định, chưa đủ mạnh để tạo thắng lợi quân sự, chưa có khả năng bước sang giai đoạn tổng phản công, chỉ có khả năng bảo tồn lực lượng, chờ khi Mỹ rút sẽ tổng tiến công vào quân lực Việt Nam Cộng hòa” (Ban Tổng kết chiến tranh B2 thuộc Bộ Quốc phòng, tài liệu quân đội Sài Gòn ký hiệu ABID, tháng 11/1967).
[3] Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.