Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc. Nhằm ghi lại không khí hào hùng, oanh liệt của của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong những ngày tháng gian khổ, hy sinh, người nghệ sĩ - chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến đã phản ánh, tái hiện một cách sinh động thời khắc lịch sử có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của dân tộc thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo.
"Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu là kiệt tác thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ảnh minh họa
Hình ảnh Điện Biên Phủ trong thơ ca
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới về nền độc lập, hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên nền độc lập, tự do của dân tộc luôn bị đe dọa bởi âm mưu muốn quay lại xâm lược Việt Nam một lần nữa của thực dân, đế quốc. Vì thế ngay sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách với tình trạng thù trong giặc ngoài. Ba loại giặc cần phải tiêu diệt cùng một lúc là: “giặc đói”, “giặc dốt" và “giặc ngoại xâm”.
Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng phương châm “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh”. Kể từ thời điểm đó, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ, kết thúc là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký Hiệp định Gơnevơ, chấm dứt chiến tranh, thiết lập nền hòa bình ở Việt Nam.
Kể từ năm 1946 đến năm 1954, nhiều chiến dịch tổng phản công của quân và dân ta đã diễn ra như Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Những chiến công vang dội của quân và dân đã tạo nguồn cảm hứng lớn để người nghệ sĩ - chiến sĩ bằng bút lực, tài năng nghệ thuật và tình yêu lớn với Tổ quốc, quê hương phản ánh một cách nhanh nhạy, kịp thời trong những tác phẩm thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, tinh thần thời đại.
Nổi bật trong những sáng tác về đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến, trực tiếp là Chiến dịch Điện Biên Phủ phải kể đến những sáng tác của nhà thơ Tố Hữu. Sau tập thơ Từ ấy (1946), Tố Hữu sáng tác tập thơ Việt Bắc (1954) nhằm ghi lại những chiến công hào hùng của cách mạng, về tình dân quân; khắc họa hình tượng cao đẹp của vị cha già dân tộc và Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Trong 24 bài của tập Việt Bắc có những bài trực tiếp miêu tả, phản ánh về khí thế của cuộc chiến Điện Biên Phủ, như: Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên (5-1954), Ta đi tới (8-1954) và Việt Bắc (10-1954).
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là bài thơ được sáng tác ngay sau khi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đăng lần đầu trên báo Nhân dân ngày 11-5-1954. Bài thơ gồm 96 câu, được viết theo thể tự do có vần.
Bằng sức tưởng tượng phong phú, khả năng bao quát hiện thực rộng lớn với những sự kiện trải dài trong suốt hành trình của cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại, Tố Hữu đã tái hiện lại không khí của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” với đoàn quân là những chiến sĩ Điện Biên anh hùng “Đầu nung lửa sắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!”.
Trong cuộc chiến ấy, có biết bao những tấm gương anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, với niềm tin vào tương lai tất thắng của kháng chiến: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng / Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai / Ào ào vũ bão”. “Những đồng chí chèn lưng cứu pháo / Nát thân, nhắm mắt còn ôm…”.
Cuộc chiến đấu khốc liệt, nhiều gian khổ, hy sinh; tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch, nhưng bằng ý chí quyết tâm, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã vượt lên trên thử thách, bất chấp mưa bom bão đạn, không sờn chí mềm lòng, vẫn cất cao tiếng hát hành quân: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát / Dù bom đạn xương tan thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”. Chính sức mạnh tinh thần của lòng quả cảm và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ đã tạo ra những xung lực thần kỳ giúp quân và dân ta làm nên những chiến công, kỳ tích.
Với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã đánh đuổi được bọn thực dân mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:
Nghe trưa nay, tháng 5, mồng 7,
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ảnh: baochinhphu
Được tin chiến thắng Điện Biên Phủ báo về ngay trong đêm, tác giả cũng như muôn triệu người dân Việt Nam vô cùng sung sướng, tự hào trước chiến công lẫy lừng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm và niềm tin sắt đá vào tương lai tất thắng của cách mạng, kháng chiến:
Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!
Cũng trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, bên cạnh hình ảnh trung tâm là những chiến sĩ Điện Biên anh hùng, Tố Hữu còn dành những vần thơ với âm hưởng hào sảng để ngợi ca, tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị Đại tướng của Nhân dân.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại
Cùng chung mạch nguồn cảm xúc của những người chiến thắng, sau khi viết Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu viết tiếp bài Ta đi tới, khắc họa vẻ đẹp thanh bình của quê hương, đất nước sau chiến tranh:
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...
Và niềm vui phơi phới, tự hào của những người vừa trải qua “chín năm”, “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” để làm nên một kỳ tích “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Trong niềm vui hân hoan của chiến thắng, khi đất nước “Đã tan tác những bóng thù hắc ám / Đã sáng lại trời thu tháng Tám”, Ta đi tới của Tố Hữu như lời hiệu triệu muôn người dân Việt Nam hãy sát cánh, đồng lòng, gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước; ra sức thực hiện tốt những lý tưởng, mục tiêu, khát vọng cao đẹp, vững bước đi theo con đường mà Tổ quốc và Nhân dân đã lựa chọn:
Ta đi tới, không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Trung ương Đảng, Chính phủ và những người kháng chiến bắt đầu rời khỏi thủ đô gió ngàn Việt Bắc, trở về miền xuôi, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ chính trị mới. Để ghi lại giây phút chia tay giữa “kẻ ở, người đi”, Tố Hữu đã sáng tác nên tác phẩm Việt Bắc. Bài thơ có hai phần: phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến, phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ngợi ca công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc.
Bài thơ viết theo thể lục bát với những lời tâm tình tha thiết của hai nhân vật “mình - ta” với biết bao kỷ niệm gắn bó trong 15 năm chiến đấu gian khổ, bắt đầu từ khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc năm 1954. Mười lăm năm ấy có biết bao kỷ niệm thủy chung, son sắt của tình quân dân, nghĩa đồng bào, của sự cưu mang, giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi giữa đồng bào miền ngược và cán bộ, chiến sĩ miền xuôi.
Hiện lên giữa nền cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với những địa danh, vùng miền trải rộng trên phạm vi từ Bắc vào Nam với những sự kiện, chiến công vang dội, hình ảnh của Điện Biên Phủ được tác giả tô đậm như một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại.
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng
Có thể nói, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi là nguồn cảm hứng lớn, bất tận cho người nghệ sĩ. Bên cạnh những sáng tác của Tố Hữu là những sáng tác của các nghệ sĩ - chiến sĩ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu oanh liệt đó. Hiện thực sôi động của cuộc chiến đã đi vào cảm xúc, trái tim, kết thành những vần thơ hào sảng với những hình tượng cao đẹp là những người chiến sĩ anh dũng, kiên cường. Tiêu biểu như những sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài Tặng bộ đội Điện Biên Phủ, Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, tác giả Đặng Ái với bài Bảo vệ lực lượng để chiến đấu thắng lợi, tác giả Phác Vân với bài Lững lờ dù hạ đến tay chúng mình, Mừng anh thiện xạ; bài Đạn Tây lại giết Tây của Lê Kim, Đọc thư hậu phương của Xuân Thủ, Thư nhà ấm áp của Chính Hữu, Lá thư hậu phương, Tiếng cuốc trên chiến trường Điện Biên Phủ của Hoàng Cầm, nhà thơ Nguyễn Đình Thi với Bài ca Điện Biên Phủ, Đất nước; nhà thơ Xuân Diệu với Mộ Bế Văn Đàn, Chế Lan Viên với Nhớ Bế Văn Đàn, Thóc mới Điện Biên, Nguyễn Đức Mậu với bài thơ Mộ chiến sĩ vô danh… Tất cả nhằm khắc họa bức tranh hùng tráng về Điện Biên Phủ - nơi hội tụ của ý chí, niềm tin và khát vọng chiến thắng.
(còn nữa...)
Nguyễn Huy Phòng