Sau chiến thắng Bình Giã, quân đội Việt Nam Cộng hòa đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trước nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn, Hoa Kỳ gấp rút đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam.
Ngày 8-3-1965, những đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng. Quân Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng chiến đấu nhằm tiêu diệt chủ lực quân giải phóng trên địa bàn các tỉnh Nam miền Trung.
Về phía ta, chủ trương đánh phủ đầu quân Mỹ đặt ra cấp bách, ngay khi cúng vừa đặt chân xâm lược Việt Nam, chưa kịp xây dựng và củng cố các căn cứ quân sự vững chắc làm bàn đạp tiến công.
Ngày 7-5-1965, sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Chu Lai. Ngày 17-5-1965, một đại đội Mỹ lên đóng ở Núi Thành – một cụm đồi có chiều dài 1.200m, rộng 600m, cao 50m, cách bờ biển khoảng 6km, cách sân bay Chu Lai 4km. Núi Thành gồm 2 ngọn đồi 49 và 50 được nối ở giữa một khu yên ngựa dài 200m. Chúng xây dựng hệ thống hầm ngầm, công sự dã chiến, bên ngoài bao bọc những hàng rào thép gai bùng nhùng. Từ căn cứ này có thể quan sát toàn bộ sân bay Chu Lai ra đến biển, vào tận Dốc Sỏi (ranh giới Quảng Nam – Quảng Ngãi).
Trước đối tượng tác chiến mới, có ưu thế về hỏa lực và trình độ tác chiến cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của quân và dân miền Nam, cũng như sự lo lắng của bạn bè quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ta có dám đánh Mỹ không? Đánh có thắng được Mỹ không? Đánh bằng cách nào?...
Trước tình hình đó, Khu ủy Khu 5 quyết định “Đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu”, đồng thời chọn chiến trường Quảng Nam để tổ chức trận đánh, làm nơi đầu tiên thực hiện quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ”.
Tỉnh đội Quảng Nam được giao thực hiện nhiệm vụ này. Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 được giao điều nghiên tổ chức trận đánh. Ngày 25-5-1965, phương án tác chiến được trình lên cấp trên và được chuẩn y. Một phân đội đặc công được tăng cường cho trận đánh.
Vào lúc 18 giờ, ngày 25-5-1965, lệnh xuất quân bắt đầu. Dựa vào địa hình che khuất, các mũi tiến công của quân giải phóng bí mật tiếp cận các mục tiêu. Đúng 0 giờ ngày 26-5-1965, các mũi tiến công đồng loạt khai hỏa, tiến công phủ đầu quân Mỹ, thọc sâu, bao vây, chia cắt tiêu diệt địch.
Sau gần 30 phút chiến đấu, đơn vị diệt gọn đại đội Mỹ đóng ở cứ điểm Núi Thành, làm chủ hoàn toàn trận địa; lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” tung bay trên đỉnh cứ điểm Núi Thành. Thắng lợi này khiến vành đai bảo vệ Chu Lai bị uy hiếp nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho lính viễn chinh Hoa Kỳ ngay trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam.
Trận chiến đấu Núi Thành, tuy không phải trận đánh tiêu diệt lớn nhưng thắng lợi đó có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng; là tiếng kèn xung trận, mở đầu và cũng là trận tiêu biểu nhất cho cao trào diệt Mỹ ở Khu 5, biểu hiện sinh động tư tưởng, tinh thần “dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết đánh Mỹ” của cả dân tộc mà quân và dân Khu 5 là những người tiên phong nhận trách nhiệm, dám xả thân hy sinh để biểu thị tinh thần, quyết tâm đó. Sau chiến thắng Núi Thành, ta đã giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ, trả lời cho câu hỏi có đánh được Mỹ hay không? Giải quyết được vấn đề cơ bản về cách đánh, mở ra khả năng đánh và thắng Mỹ của quân và dân ta trên chiến trường; đồng thời mở đầu cho sự phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Sau Chiến thắng Núi Thành, quân và dân Khu 5 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng lá cờ “Lập công đầu, diệt gọn đơn vị chiến đấu Mỹ” và được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Phát huy khí thế chiến thắng Núi Thành, quân và dân miền Trung, miền Đông Nam Bộ tiếp tục tiến lên, tạo nên những chiến thắng vang dội trước quân viễn chinh Mỹ tại Vạn Tường, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Plei Me…làm cơ sở cho quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, tiến lên đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965- 1966) của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Ngày nay, tại ngọn đồi nằm ở phía đông Núi Thành cao 43m, gần cạnh quốc lộ 1A, một tượng đài uy nghi mang dòng chữ “Chiến thắng Núi Thành” đã được xây dựng, ghi dấu một chiến công bất khuất của quân và dân Quảng Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bình Thi