Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và dải đất ven biển Trung Trung Bộ nói chung, là nơi ghi dấu biết bao sự kiện, chiến công, tên đất, tên người rất đỗi hào hùng trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mà trong số đó là những ngày đầu đương đầu trực tiếp với quân chiến đấu Mỹ
Cách đây 56 năm, Đại đội 2 tiểu đoàn 70 tỉnh Quảng Nam thực hiện trận đầu tiên đánh phủ đầu quân Mỹ ở miền Nam đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, tiêu diệt 1 đại đội quân chiến đấu Mỹ trong 30 phút, là trận thắng Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi này thể hiện tinh thần quyết tâm đánh Mỹ, tìm và tìm ra cách thắng Mỹ của quân và dân ta. Khu 5 trở thành địa phương đi đầu diệt Mỹ và tìm ra cách đánh, thắng Mỹ.
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là nỗ lực chiến tranh ở đỉnh cao, bước leo thang chiến tranh cao nhất của Hoa Kỳ ở miền Nam, Việt Nam. Đây là những năm tháng đọ sức vô cùng quyết liệt, toàn diện giữa lực lượng cách mạng với lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, là giai đoạn thử thách sống còn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trước đối tượng tác chiến mới là quân Mỹ có số lượng đông, trang bị vũ khí hiện đại, vấn đề cốt tử đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là Việt Nam có đương đầu được với quân Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào? Đây là bài toán hóc búa chưa có lời giải, vì ta hiểu Mỹ về bản chất, sức mạnh vật chất, nhưng cách đánh, chiến thuật của quân đội Mỹ như thế nào, sở trường ra sao vẫn còn là một ẩn số.
Quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tháng 3/1965 (Ảnh Bảo tàng Đà Nẵng)
Khu 5 là nơi tập trung tới 2/3 số quân Mỹ đến tham chiến ở Việt Nam. Những căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, Plâycu, Cam Ranh được xây dựng.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị về mọi mặt, nhưng khi quân Mỹ xuất hiện với lực lượng quá lớn, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và sự hùng hổ của một đội quân chưa từng nếm mùi bại trận…, có hiện tượng một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỏ ra hoang mang, dao động; tư tưởng co thủ xuất hiện.
Hội nghị Trung ương 11 họp tháng 3-1965 đề ra nhiệm vụ cơ bản cho quân và dân ta là “tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam… đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra”[1].
Với phương châm được xác định là: “cứ đánh đi sẽ tìm được cách đánh Mỹ”. Đầu tháng 3-1965, Hội nghị cán bộ trung - cao cấp toàn Quân khu được tổ chức, thảo luận 2 vấn đề cơ bản: việc đế quốc Mỹ đưa quân chiến đấu vào miền Nam là chủ động hay bị động? Ta có thể đánh và thắng quân Mỹ không? Và đánh thắng như thế nào? Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi, phân tích thực tiễn chiến trường, hơn 200 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nhất trí với câu trả lời: ta có khả năng đánh thắng quân chiến đấu Mỹ. Hội nghị chủ trương: “Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở những nơi có quân chiến đấu Mỹ, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ… phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn khu”[2].
Tháng 5-1965, Khu uỷ 5 phát động phong trào "toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Tỉnh uỷ Quảng Đà, Quảng Nam tích cực triển khai chủ trương này. Dựa vào thế trận VĐDM, quân và dân ta đã tổ chức một số trận đánh quân Mỹ, nhằm tìm hiểu cách đánh của chúng. Một trong những thắng lợi tiêu biểu đầu tiên đó là trận Núi Thành.
Ngày 10-5-1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị cho tỉnh Quảng Nam, nơi quân Mỹ đã triển khai lực lượng ở Đà Nẵng, Chu Lai nhiệm vụ “đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngày từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu”.
Tỉnh Quảng Nam đã chọn mục tiêu là một đại đội lính thuỷ đánh bộ đóng trong hệ thống phòng ngự của Mỹ. Núi Thành là một trong những điểm cao nằm trong hệ thống tiền tiêu bảo vệ căn cứ Chu Lai, thuộc xã Kỳ Liên, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành). Đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương cơ bản diệt đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Đây là đại đội Mỹ bị tiêu diệt đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bia chứng tích chiến thắng Núi Thành trên đồi Yên Ngựa
Thắng lợi của trận Núi Thành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là trận đánh thắng Mỹ đầu tiên ở miền Nam, củng cố và khẳng định lòng tin, quyết tâm đánh Mỹ, phát động tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ trong toàn dân và lực lượng vũ trang cả nước. Chiến thắng Núi Thành nổi bật tinh thần cách mạng tiến công, sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm của quân ta. Trận Núi Thành cho thấy khả năng lực lượng vũ trang địa phương với quyết tâm cao được huấn luyện chu đáo có thể diệt đơn vị quân chiến đấu Mỹ.
Sau chiến thắng Núi Thành và sau đó là Vạn Tường nhiều kinh nghiệm thực tế đã được rút ra: “Du kích hoàn toàn có khả năng đánh Mỹ”; “Đánh Mỹ phải đánh gần, đánh nhanh, rút nhanh”; “Sờ chân Mỹ mà đánh là cách tốt nhất”. Từ thực tiễn đó, Quân khu tổng kết và phát động phong trào đánh Mỹ trong toàn khu, phương châm là: “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”.
Theo dõi sát diễn biến tình hình chiến trường, đặc biệt là thực tiễn đánh Mỹ ở Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng, Khu 5 nói chung, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã có những chỉ thị quan trọng cho lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, các địa phương trên toàn Miền, chỉ đạo cụ thể nhiều vấn đề chiến tranh nhân dân, trong đó có công tác mở rộng phát triển vành đai diệt Mỹ.
Quân Mỹ xây dựng hệ thống căn cứ quân sự ở những vị trí chiến lược quan trọng, nơi chứa phương tiện chiến tranh hiện đại, nhiên liệu, đạn dược phục vụ chiến tranh, do đó đánh tiêu hao đối với những căn cứ, sân bay, kho tàng lớn của Mỹ có tầm quan trọng như việc đánh tiêu diệt những đơn vị lớn quân Mỹ, quân ngụy. Đồng chí Lê Duẩn nhận xét, đánh quân Mỹ ở trong và chung quanh các căn cứ có 3 cách (đặc công, pháo kích, vành đai), trong đó có cách đánh bằng các vành đai diệt Mỹ của du kích và bộ đội địa phương. “Từ sáng kiến của các lực lượng vũ trang Đà Nẵng, Chu Lai, cần mở rộng việc thiết lập vành đai du kích, bộ đội địa phương chung quanh các căn cứ của Mỹ … Vành đai phải được xây dựng thật mạnh có chiều dày, nhiều tầng, nhiều lớp để đánh và diệt địch, khi chúng nống ra hoặc đi càn”[3].
Từ Khu 5, nơi quân xâm lược Mỹ có mặt đầu tiên, và từ thực tiễn đánh Mỹ, thắng Mỹ, vành đai diệt Mỹ nhanh chóng xuất hiện ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, bao vây những căn cứ xuất phát hành quân, căn cứ hậu cần - kỹ thuật… của quân Mỹ được thiết lập trên những địa bàn có tầm quan trọng chiến lược: Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), An Khê, Plâycu (Gia Lai), Phú Bài (Thừa Thiên), Trảng Lớn (Tây Ninh), Lai Khê, Bến Cát (Sông Bé), Củ Chi (Gia Định), Bình Đức (Mỹ Tho), Rạch Kiến (Long An)…
Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, từ thế trận ấp xã chiến đấu đã phát triển, quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng, quân, dân Khu 5 chủ động, sáng tạo tìm cách đánh Mỹ, xây dựng các vành đai diệt Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam, tiêu diệt quân Mỹ ngay tại các căn cứ quân sự. Thế trận vành đai diệt Mỹ làm đảo ngược ý đồ của Mỹ lập vành đai trắng xung quanh căn cứ để phân tuyến, phân vùng. vành đai diệt Mỹ hình thành và bao vây quân Mỹ, tạo thế trận xen kẽ sâu trong lòng địch. Sự kết hợp nhiều làng chiến đấu, nhiều hệ thống giao thông hào nổi và chìm xuyên qua nhiều làng xã, ruộng đồng; sự vận động linh hoạt của ba thứ quân cùng sự kết hợp đấu tranh của ba mũi quân sự, chính trị, binh vận làm cho quân Mỹ bị bao vây trong một “ma trận” không tìm được đường ra. Thực tế cuộc chiến đấu với quân Mỹ trên chiến trường Khu 5 đã sáng tạo ra những cách đánh Mỹ mà chưa có lý thuyết, sách vở nào đề cập.
Khi một bộ phận nhân dân, cán bộ đảng viên, chiến sĩ ở chiến trường tỏ ra băn khoăn trước sức mạnh quân sự của Mỹ thì những hoạt động tiến công được thực hiện trên mặt trận vành đai và giành thắng lợi vang dội, đặc biệt là chiến thắng Núi Thành và Vạn Tường, đã là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12-1965) hạ quyết tâm kiềm chế và đánh thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Chiến thắng Núi Thành đã vượt khỏi ý nghĩa chiến thuật của trận đánh. Nó mang ý nghĩa lớn vì góp phần quan trọng vào lời giải của bài toán chiến lược: hoàn toàn có thể đánh thắng quân Mỹ xâm lược. Đây là “hồi kèn xung trận” của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử, là “cẩm nang” giải quyết vấn đề tư tưởng, tinh thần, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thành Lộc
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr. 109.
[2] Bộ Tư lệnh Quân khu V: Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, t.II, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (thời kỳ 1954-1968) , 1989, tr. 205.
[3]. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.255.